Từ cuối năm 2021 đến nay, giá các loại vật liệu xây dựng hầu như liên tục tăng, nhất là xi măng, thép

Từ cuối năm 2021 đến nay, giá các loại vật liệu xây dựng hầu như liên tục tăng, nhất là xi măng, thép

Doanh nghiệp xây dựng gặp khó khăn vì giá nguyên vật liệu tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lợi nhuận của các nhà thầu vốn đã mỏng do cạnh tranh khốc liệt thì nay bị ăn mòn bởi giá nguyên vật liệu tăng cao.

Dự án công hay tư đều gặp khó

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Chính phủ để triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông ngày 17/7/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải phải sâu sát, quyết liệt trong việc chỉ đạo, đôn đốc các ban quản lý dự án, các nhà thầu để khắc phục những vướng mắc, không lùi bất cứ mốc tiến độ nào của dự án.

Trước đó, lãnh đạo 20 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam đã đồng loạt ký gửi văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các bộ liên quan xem xét giải quyết những bất cập, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nhà thầu thi công, nhà đầu tư thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020.

Các nhà thầu phản ánh, giá nguyên vật liệu, chi phí nhân công đã tăng 20 - 30% so với giá trị hợp đồng dự phòng. Giá nhiều loại vật liệu chính tăng đột biến như thép, đất đắp các loại, cốt liệu đá cho bê tông xi măng, bê tông nhựa, cát vàng sản xuất bê tông xi măng, trong khi chỉ số giá công bố của các địa phương chưa bám sát thực tiễn, khiến các nhà thầu bị mất cân đối tài chính nghiêm trọng.

Hơn 1 tháng qua, tại nhiều dự án thành phần, các nhà thầu đã không thể duy trì tiến độ với cường độ cao như trước. Không ít nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng để chờ hướng dẫn điều chỉnh bù giá vật liệu xây dựng.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Hòa Bình, (mã chứng khoán HBC) đánh giá, đầu tư công trong nước được Chính phủ cùng các bộ, ngành liên tục đẩy mạnh, nhưng lại gặp khó khăn do trượt giá, nhiều đơn vị trúng thầu dự án đầu tư công cũng không đủ điều kiện phát triển.

Trong khi đó, tình hình hoạt động của khối tư nhân bị ảnh hưởng bởi tình trạng khó tiếp cận vốn vay do nhiều ngân hàng dần cạn hạn mức tăng trưởng tín dụng. Khó khăn về tài chính dẫn đến công tác thanh toán cho nhà thầu bị chậm trễ. Đặc biệt, lợi nhuận của nhà thầu vốn đã mỏng do cạnh tranh khốc liệt thì nay bị ăn mòn bởi trượt giá.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam lo ngại, từ nay đến cuối năm, nhiều công trình, dự án có khả năng sẽ phải tạm ngưng để điều chỉnh lại tổng vốn đầu tư. Bởi lẽ, không chỉ giá vật tư cơ bản, mà chi phí vận chuyển, nhân công đều tăng. Phần chi phí ứng trước cho đơn giá cũ của hợp đồng dự kiến không đủ để nhà thầu chi trả trong các phân đoạn công trình.

Doanh nghiệp xoay xở trong bão giá

Nếu Nhà nước không hỗ trợ, nhiều nhà thầu không có khả năng bù vào chênh lệch giá, có thể phải tạm ngừng thi công dự án công.

Theo Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, từ cuối năm 2021 đến nay, giá các loại vật liệu xây dựng hầu như liên tục tăng. Tính đến đầu tháng 7/2022, giá xi măng tăng 70% so với quý IV/2020; giá thép chững lại trong 2 tháng gần đây nhưng vẫn tăng khoảng 40% so với đầu năm 2022; giá nhựa đường, đá xây dựng, cát đổ nền, gạch lát đường… tăng khoảng 30 - 35% so với cuối năm 2021.

Trước tình trạng bão giá nguyên vật liệu khiến hầu hết doanh nghiệp xây dựng trên cả nước rơi vào tình cảnh khó khăn, ông Hải chia sẻ, Hòa Bình nỗ lực tìm hướng giải quyết và triển khai những giải pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng của trượt giá.

Cụ thể, đối với những dự án mới, Hòa Bình thương thảo với chủ đầu tư về vấn đề trượt giá trong hợp đồng thi công, hoặc có những điều khoản về rủi ro trượt giá. Còn những dự án đã ký hợp đồng và giá cố định, Hòa Bình đàm phán cùng chủ đầu tư nhằm nhận được sự chia sẻ khó khăn và Công ty đảm bảo thực hiện các cam kết cũng như tiến độ dự án.

“Nhờ vậy, không có công trình nào vì khó khăn mà Hòa Bình phải ngưng thi công”, ông Hải cho biết.

Đồng thời, Hòa Bình liên tục cập nhật tình hình nguyên vật liệu trong nước và thế giới. Định kỳ hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, bộ phận chuyên môn sẽ đưa ra phân tích, đánh giá, dự báo về diễn biến thị trường liên quan đến giá cả và năng lực cung ứng trong tương lai liên quan đến nhóm vật liệu chính chiếm tỷ trọng giá trị lớn có thể ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Từ đó, Công ty thiết lập kế hoạch mua hàng và cung ứng một cách hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu rủi ro do trượt giá gây ra.

Bên cạnh đó, Hòa Bình luôn lập kế hoạch dự phòng về rủi ro, bất trắc có thể xảy ra để tránh tình trạng không có đủ vật liệu đưa vào thi công.

Tại Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings (mã chứng khoán PHC), Tổng giám đốc Trần Hồng Phúc cho hay, Công ty thực hiện cố định chi phí đầu vào bằng cách mua tồn trữ, đặt hàng cho các hợp đồng, tiết kiệm chi phí tiêu hao nguyên vật liệu chính nhằm chống đỡ với bão giá. Một giải pháp khác là doanh nghiệp hỗ trợ công nhân nâng cao năng suất lao động song song với tăng cường ứng dụng công nghệ nhằm giảm bớt nhân sự trong các dự án.

Giải pháp khắc phục ảnh hưởng bởi giá nguyên vật liệu tăng của Công ty cổ phần SCI E&C (mã chứng khoán SCI) là với các gói đơn hàng đã chào, Công ty kèm điều kiện tăng giá, có cảnh báo tương ứng với phía chủ đầu tư và thực hiện điều chỉnh khi đáp ứng yêu cầu hợp đồng. Với các gói đơn giá cố định, trọn gói, doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ tất cả các đầu mục chi phí.

Một số biện pháp khác của SCI E&C là rà soát và kiểm soát chặt chẽ hệ thống cung ứng, kho vận để đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc lưu thông hàng hóa trong nước và nhập khẩu; ký kết hợp đồng mua sắm cho các dự án đang triển khai trong khả năng có thể để cố định giá cả đầu vào, tránh biến động lớn và ràng buộc các điều khoản cố định giá.

Kỳ vọng Nhà nước sẽ có giải pháp thiết thực, hiệu quả

Mới đây, Bộ Xây dựng đưa ra dự báo, trong các tháng tiếp theo của năm 2022, thị trường vật liệu xây dựng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến biến động giá lớn. Đặc biệt, một số loại vật liệu xây dựng chủ yếu ảnh hưởng bởi thị trường nguyên liệu đầu vào từ quốc tế như thép, nhựa đường và các vật liệu khai thác trong nước gồm cát, đá, đất đắp.

Dù vậy, ông Hải kỳ vọng, trong nửa cuối năm 2022, giá nguyên vật liệu xây dựng sẽ bình ổn hơn, giảm thiểu tác động của trượt giá lên ngành công nghiệp xây dựng. Bên cạnh đó, ông mong muốn Nhà nước sẽ có giải pháp hiệu quả, thiết thực để giúp cho những dự án đầu tư công được triển khai thông suốt và tháo gỡ các khó khăn hiện nay cho nhà thầu.

“Nếu Nhà nước không hỗ trợ, nhiều nhà thầu không có khả năng bù vào chênh lệch, dẫn đến phải ngưng thi công. Như vậy sẽ gây ra thiệt hại rất lớn cho Nhà nước và cho doanh nghiệp. Tôi nghĩ, Nhà nước nên xem xét bù giá, nếu không bù được 100% thì cũng bù 50% để doanh nghiệp có thể chịu được sự trượt giá đó”, lãnh đạo Hòa Bình nêu quan điểm.

Hiệp hội Các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam kiến nghị, đối với các dự án thực hiện theo hình thức hợp tác công - tư cần cho phép điều chỉnh giá hợp đồng khi chỉ số trượt giá vật liệu, nhiên liệu trong thời gian xây dựng dự án vượt quá chỉ số giá đã tính toán trong tổng mức đầu tư của dự án (trong trường hợp chi phí trượt giá làm vượt tổng mức đầu tư).

Đánh giá về nhóm cổ phiếu xây dựng, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, trong ngắn hạn, biên lợi nhuận của ngành xây dựng đang chịu nhiều áp lực khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và lượng cung bất động sản trên thị trường nhà ở suy giảm, cũng như tác động lan tỏa từ đầu tư công chưa đạt kỳ vọng.

Tuy nhiên, trong dài hạn, công ty chứng khoán này vẫn kỳ vọng vào sự tăng trưởng của cổ phiếu ngành xây dựng khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản dân cư tại Việt Nam vẫn rất lớn. Khi tiến độ đầu tư công đạt kế hoạch và các nút thắt của thị trường bất động sản được tháo gỡ, dư địa cho tăng trưởng của các công ty ngành xây dựng sẽ rộng mở.

Tin bài liên quan