Xi măng Cẩm Phả được vinh tranh trong Chương trình trao chứng nhận Nhãn hiệu nổi tiếng, nhãn hiệu cạnh tranh 2015

Xi măng Cẩm Phả được vinh tranh trong Chương trình trao chứng nhận Nhãn hiệu nổi tiếng, nhãn hiệu cạnh tranh 2015

Doanh nhân Hoàng Xuân Vịnh: “Người của lặng yên”

(ĐTCK) Lần đầu tiên gặp anh cách đây đã 10 năm, ấn tượng về người đàn ông có nụ cười hiền hiền và đôi chút “vụng về” trong giao tiếp với người khác giới cứ theo tôi mãi.

Ngày đó, tôi gặp anh để viết bài về “chân dung lao động ngành xây dựng” nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ngành. Khi tôi đặt vấn đề, anh thẳng thắn: “Thôi, anh giới thiệu cho em cậu Hồng ở Phòng Kỹ thuật. Cậu ấy trẻ, có nhiều sáng kiến thiết thực. Lớp trẻ cần được ghi nhận và tôn vinh. Em viết bài động viên, khích lệ họ nhé”. Nhân vật mà anh giới thiệu giờ cũng là Phó tổng giám đốc CTCP Xi măng Hoàng Mai.

Doanh nhân Hoàng Xuân Vịnh: “Người của lặng yên” ảnh 1

Ông Hoàng Xuân Vịnh 

Sau này, tôi lại có dịp cảm nhận về anh khi thực hiện loạt bài “cải tạo nâng công suất lò nung lên 10%” tại Xi măng Hoàng Mai. Chẳng là, lúc đó tôi trao đổi với Giám đốc Xi măng Hoàng Mai Nguyễn Hữu Quang mãi mà chưa hiểu ra vấn đề. Trong mắt tôi chỉ có các con số về sản lượng, kinh doanh lãi - lỗ, mà chưa biết đến “cái lò” nó quan trọng thế nào. Anh Quang nói: “Em gặp anh Vịnh, Phó giám đốc đi, anh Vịnh nói em hiểu ngay”.

Một chiều nắng nhẹ tại quán café, anh say sưa nói về quy trình cải tạo lò, những yếu tố về kỹ thuật, rồi những sáng kiến được áp dụng… Là dân ngoại đạo, nhưng qua cách diễn giải của anh, tôi hiểu rằng, doanh nghiệp xi măng có thành công được hay không không chỉ ở “buôn may, bán đắt”, mà còn ở những người cứ âm thầm, mải miết với công việc như anh. Tôi cảm nhận độ chân thành của người đàn ông mà tôi đang đối diện. Tôi cứ đặt câu hỏi, sao anh có thể bình thản giữa bon chen, giành giật, giữa vòng xoáy chức quyền mà tôi đang chứng kiến?.

Ngày đó, Xi măng Hoàng Mai là đơn vị đầu tiên của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) và là đơn vị thứ 2 trong cả nước tiến hành cải tạo nâng công suất lò nung. Khó khăn đã đành, nhưng thách thức không nhỏ khi Hoàng Xuân Vịnh không phải là số 1 về kỹ thuật xi măng. Trải lòng về người cùng “chia lửa” với mình, anh Nguyễn Hữu Quang tâm sự: “Anh tin anh Vịnh làm được. Có nhiều lý do, nhưng nếu tiếp xúc với anh Vịnh em sẽ hiểu vì sao anh tin”.

Đề tài thành công, định mức tiêu hao kỹ thuật, nhiên liệu đều giảm xuống, tổng mức chi phí ban đầu 18 tỷ đồng, được rút xuống còn 13 tỷ đồng. Không chỉ có vậy, tại các kỳ sửa chữa lớn, nhiều phần việc, kỹ thuật đã tự làm thay vì phải đi thuê ngoài, làm lợi mỗi năm khoảng 30 tỷ đồng cho Nhà máy. Nhưng cái được nhiều hơn là tiết kiệm được thời gian dừng lò, gián tiếp tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị. Năm tháng cứ thế trôi đi, sự hiện diện của Xi măng Hoàng Mai đã góp phần không nhỏ biến một vùng quê cằn cỗi lơ xơ gốc rạ, thành một thị xã trù phú trên dải đất miền Trung đầy nắng gió.

Những năm 2011 - 2012, ngành xi măng rơi vào khủng hoảng thừa, nhiều nhà máy chạy không hết công suất, dừng lò…, trong khi vốn đầu tư cho một nhà máy lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Nhận được tin anh đã rời VICEM để nắm cương vị Tổng giám đốc Xi măng Cẩm Phả, nhiều người không khỏi lo lắng cho anh, vì thời điểm đó, Xi măng Cẩm Phả đang lỗ triền miên, nợ chồng chất. Tôi mang những âu lo này hỏi anh, anh chỉ cười: “Ờ, thì coi như mình thử sức sang lĩnh vực mới hơn. Được cái, anh em đoàn kết, tận tụy với công việc. Thực ra, mình may mắn hơn những người tiền nhiệm, vì đúng lúc Viettel đang tái cấu trúc tài chính Xi măng Cẩm Phả”.

Nhiều người nín lặng theo dõi Xi măng Cẩm Phả vì sự thành bại của Công ty gắn liền với sinh mệnh chính trị của Tổng giám đốc Hoàng Xuân Vịnh. Trong số đó, có người hỏi anh: “Liệu Xi măng Cẩm Phả có sống khỏe không. Nếu nó èo uột thì anh có ‘chết’ không?”. Anh thẳng thắn: “Chết là chết thế nào. Nhận việc thì phải biết trước khó khăn. Xử lý của Viettel rất bài bản, nên mình yên tâm làm việc. Nếu làm không được thì thay người là chuyện bình thường”.

Đến hôm nay, khi Xi măng Cẩm Phả đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng với sản lượng tiêu thụ nội địa tăng từ 1,19 triệu tấn năm 2012, lên 1,9 triệu tấn trong năm 2015. Từ doanh nghiệp thua lỗ triền miền, đã thoát lỗ và có lợi nhuận, riêng trong năm 2015, Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận là 183 tỷ đồng. So với các nhà máy được M&A cùng thời, thì chưa có thương hiệu nào có thể “tỏa sáng” được như Cẩm Phả. Điều này đã minh chứng cho “đẳng cấp” của Viettel, cả về vấn đề tài chính và chọn người.

Vẫn con người của anh - nói ít, làm nhiều, thực tế và quyết đoán, nhưng lại không thích nói về bản thân, về những việc đã làm được... Hoàng Xuân Vịnh vẫn âm thầm, say mê, nhiệt huyết với những gì đã chọn và gắn bó. Bởi đơn giản, anh là "Người của lặng yên".

Đối thoại với doanh nhân Hoàng Xuân Vịnh

Sau tái cấu trúc, Xi măng Cẩm Phả có rất nhiều vấn đề phải giải quyết, vậy bài toán tổng lực của Công ty là gì, thưa ông?

Sau khi tái cấu trúc, Tập đoàn Viettel đã tập trung làm rõ những khó khăn, cũng như thuận lợi của Nhà máy. Khó khăn thì nhiều, từ tài chính, đến thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường đang đối đối mặt với khó khăn dư cung lớn, trong khi sản phẩm của Xi măng Cẩm Phả có mặt chưa lâu trên thị trường.

Tuy nhiên, Công ty cũng có thuận lợi nhất định, như dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại, clinker đạt chất lượng cao, có cảng biển cho tàu có tải trọng 15.000 DWT, thuận tiện cho xuất khẩu sản phẩm. Hơn nữa, tôi đánh giá cao về tinh thần đoàn kết, làm việc hết mình, biết nắm tay nhau để vượt qua khó khăn của đội ngũ lãnh đạo và cán bộ công nhân viên của Xi măng Cẩm Phả.

Tái cấu trúc tài chính là vấn đề lớn nhất đã được giải quyết. Song song với tái cấu trúc tài chính, chúng tôi bắt tay ngay vào việc làm chủ công nghệ, mở rộng thị phần trong nước, giữ vũng thị trường xuất khẩu.

Ông có cho rằng lợi, thế của một nhà máy xi măng không chỉ ở thị trường, mà còn ở công nghệ, kỹ thuật?

Không riêng gì Cẩm Phả, mà các nhà máy khác nếu làm chủ được công nghệ, kỹ thuật sẽ giảm thiểu rất nhiều rủi ro, tiết kiệm được chi phí. Còn nhớ năm 2013, khi phát hiện ra lỗi kỹ thuật là cổ thắt ở buồng khói có tiết diện quá nhỏ so với công suất, chúng tôi đã cải tiến nới rộng ra với chi phí rất nhỏ, khoảng 30 triệu đồng, nhưng sản lượng clinker tăng thêm 160.000 tấn/năm, tăng hiệu quả rất lớn. Hiện lò nung Xi măng Cẩm Phả chạy vượt 6% so với công suất thiết kế.

Trong bối cảnh toàn ngành xi măng chưa vượt qua khó khăn, thách thức như hiện nay, các nhà máy phải hạn chế đầu tư, thì Xi măng Cẩm Phả lại đầu tư mạnh vào dây chuyền công nghệ. Điều này có đi ngược lại với xu thế chung không, thưa ông?

Hiện Xi măng Cẩm Phả đang đầu tư thêm hệ thống xuất xi măng rời và 2 silo chứa có sức chứa 3.000 tấn xi măng/silo với mục tiêu tăng chủng loại sản xuất từ 1 loại lên 4 loại sản phẩm. Việc đưa 2 silo vào sử dụng trong cuối năm nay sẽ góp phần đưa sản lượng xi măng tiêu thụ đạt và vượt công suất thiết kế trong những năm tới.

Đây là đầu tư hợp lý hóa dây chuyền sản xuất với mức đầu tư nhỏ. Trước khi đầu tư, chúng tôi đã tính toán được hiệu quả đầu tư và những loại xi măng mà chúng tôi dự định đưa ra thị trường là xi măng PC50, xi măng xỉ, xi măng bền sulfat, là những chủng loại mà thị trường đang cần. Hơn nữa, nếu có thị trường, chúng tôi có thể sản xuất vượt công suất thiết kế 400.000 tấn/năm.

Với những cải tiến về mặt kỹ thuật và đầu tư đúng hướng, đã bước đầu đem lại kết quả cho Công ty. Trong 5 tháng đầu năm nay, sản lượng xi măng tiêu thụ của chúng tôi tăng 21% so với cùng kỳ năm 2014, doanh thu đạt 1.100 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 66 tỷ đồng. Mục tiêu trong năm nay, Xi măng Cẩm Phả sẽ tiêu thụ nội địa 1,9 triệu tấn, lợi nhuận 183 tỷ đồng.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan