Năm 2023, nhiều doanh nghiệp khó có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh

Năm 2023, nhiều doanh nghiệp khó có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh

Doanh nhân kể chuyện "vượt dốc" 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2023, khó khăn bủa vây nhiều doanh nghiệp khi sức mua sụt giảm, cạnh tranh khốc liệt, phải “gồng mình” để vượt qua.

Nỗ lực hóa giải thách thức

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 172.600 doanh nghiệp, tăng 20,5% so với năm 2022; bình quân mỗi tháng có 14.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Các con số trên phản ánh sự khốc liệt của thương trường năm 2023, những doanh nghiệp trụ lại được và có lãi cho thấy sự nỗ lực vượt bậc trong việc tìm ra giải pháp để hóa giải các thách thức.

Ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã chứng khoán HAX) cho biết, ngành ô tô như hàn thử biểu phản ánh sức khỏe của nền kinh tế. Trong năm 2023, kinh tế khó khăn, nhu cầu mua ô tô lập tức sụt giảm, khiến nhiều đại lý phân phối ô tô trên toàn quốc ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ. Haxaco may mắn vẫn có lãi, dù không đạt kế hoạch nhưng đó là thành quả của sự nỗ lực rất lớn.

“Chúng tôi đã nhìn thấy khó khăn từ trước và chủ động ứng biến, đẩy mạnh mảng dịch vụ để có lợi nhuận tốt bù đắp cho mảng kinh doanh xe, đồng thời tối ưu nguồn lực, cắt giảm chi phí ở những hoạt động không cần thiết”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Haxaco chia sẻ.

Với ngành dệt may, năm 2023 có sự cạnh tranh khốc liệt cùng với tình trạng đơn hàng suy giảm, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm 2022.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong năm qua, kinh tế thế giới phục hồi chậm, căng thẳng địa chính trị làm phân mảnh thương mại, một số thị trường lớn có lạm phát cao, sức mua sụt giảm... Các yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam.

Các doanh nghiệp nỗ lực vượt dốc năm 2023, kỳ vọng sẽ bứt tốc trong năm 2024.

Trong bối cảnh đó, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã chứng khoán TCM) cho hay, Công ty dù rất nỗ lực nhưng vẫn không thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023: ước tính doanh thu đạt 85% kế hoạch, lợi nhuận công ty mẹ đạt 85% kế hoạch, lợi nhuận hợp nhất đạt 60% kế hoạch.

“Đạt được kết quả này cũng là một nỗ lực lớn của Dệt may Thành Công trong bối cảnh thị trường có nhiều khó khăn và cạnh tranh khốc liệt. Kết quả kinh doanh của chúng tôi tích cực hơn nhiều doanh nghiệp khác nhờ đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Chẳng hạn, khi thị trường Mỹ gặp khó khăn, chúng tôi lập tức xoay chuyển, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản…, giúp đơn hàng không giảm quá mạnh. Đa dạng hóa và linh hoạt trong các hoạt động kinh doanh là yếu tố quan trọng để Công ty vượt qua thách thức”, ông Trần Như Tùng nói.

Bên cạnh việc chủ động tìm kiếm các thị trường mới tiềm năng, đa dạng hóa sản phẩm, Dệt may Thành Công nỗ lực cắt giảm chi phí, nâng cao năng suất.

Tương tự, ông Ngô Văn Thụ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội (mã chứng khoán NHH) cho biết, ngoài khó khăn chung của ngành nhựa là đơn hàng giảm, Công ty phụ thuộc vào khách hàng truyền thống lâu năm, nên khi tệp khách này gặp khó khăn, doanh nghiệp lập tức bị ảnh hưởng.

“Chỉ 1 - 2 khách hàng lớn giảm đơn hàng, kết quả kinh doanh của Công ty lập tức bị ảnh hưởng”, ông Thụ nói.

Để hoá giải thách thức này, Nhựa Hà Nội quyết tâm “bước qua vùng an toàn” để thay đổi, tập trung tái cấu trúc, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ngành điện lạnh, gia dụng cũng không tránh khỏi khó khăn khi lãnh đạo một doanh nghiệp trong ngành chia sẻ: “Năm 2023, không lỗ là may”.

Kỳ vọng bức tranh sáng năm 2024

Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Hòa Bình, mã chứng khoán HBC) đã và đang nỗ lực tái cấu trúc để vượt qua “khủng hoảng” khi năm 2022 lỗ lớn và tình trạng thua lỗ kéo dài sang năm 2023. Hòa Bình từng giữ vị thế số 1 trong lĩnh vực nhà thầu xây dựng, nhưng dần tuột dốc do thị trường bất động sản trầm lắng và nội tại doanh nghiệp xảy ra “cuộc chiến” tranh giành quyền lực.

Dồn lực cho tái cấu trúc và ráo riết thu hồi công nợ, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Bình khẳng định: “Việc khắc phục toàn diện vấn đề tài chính cần thêm thời gian, nhưng Hòa Bình sẽ sớm khôi phục lại vị thế và bứt phá mạnh mẽ”.

Tự tin vào hiệu quả của tái cấu trúc, Hòa Bình lên kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu lãi cao trở lại. Cụ thể, Nghị quyết Hội đồng quản trị Hòa Bình ngày 14/12/2023 đề ra kế hoạch đạt doanh thu 10.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 433 tỷ đồng. So với kế hoạch năm 2023, kế hoạch này giảm 13,6% về doanh thu, nhưng lợi nhuận gấp 3,4 lần.

Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm 2023, Hòa Bình ghi nhận lỗ gần 880 tỷ đồng, khó có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm (lãi 125 tỷ đồng). Cơ sở để Hòa Bình đề ra mục tiêu lợi nhuận khả quan cho năm 2024 là doanh nghiệp tự tin vào hiệu quả của công tác tái cấu trúc cùng triển vọng hoạt động kinh doanh thời gian tới. Trong đó, mảng đấu thầu xây dựng dự án đầu tư công kỳ vọng sẽ giúp Công ty ghi nhận “trái ngọt”. Ngoài ra, việc phát triển thị trường nước ngoài, nhất là thị trường châu Phi, Úc và Mỹ sẽ mang lại kết quả tích cực.

Trong khi đó, lãnh đạo Nhựa Hà Nội cho biết, năm 2024, Công ty kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng 25 - 30%. Trong đó, mảng xuất khẩu dự kiến đóng góp 50 - 60% tổng doanh thu.

Bức tranh kinh doanh sáng hơn cũng là kỳ vọng của lãnh đạo Dệt may Thành Công khi ông Trần Như Tùng nhận định, ngành dệt may sẽ đỡ vất vả hơn, đơn hàng có thể cải thiện rõ nét kể từ quý II/2024.

Tin bài liên quan