Doanh nhân Nguyễn Ngọc Huyền, CEO Mia Group: Thành công không đến ngẫu nhiên

0:00 / 0:00
0:00
Bội thu đơn hàng giữa đại dịch, chạm tay vào “giấc mơ” đưa nông sản Việt ra thế giới…, thành công đó của Mia Group là kết quả của hành trình nỗ lực bền bỉ, chứ không phải ngẫu nhiên.
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Huyền, CEO Mia Group

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Huyền, CEO Mia Group

“Chốt” nhiều thỏa thuận hợp tác dài hạn

Gần 10 năm điều hành doanh nghiệp chuyên nhập khẩu trái cây cao cấp từ nước ngoài về Việt Nam - Công ty cổ phần Mia Fruit, nay là Mia Group, Nguyễn Ngọc Huyền đã gây dựng được mối quan hệ bạn hàng tại Mỹ, EU, Nhật Bản… Phát huy “nguồn vốn” lợi thế này, Mia Group đã mở rộng sang hoạt động xuất khẩu. Nhờ đó, trong giai đoạn Covid-19 diễn biến căng thẳng, giao thương, đi lại khó khăn, Mia Group vẫn liên tiếp đón nhận đơn hàng xuất khẩu, đưa nhiều loại nông sản thế mạnh của Việt Nam ra thế giới.

Ngọc Huyền chia sẻ: “Năm 2020, dịch bệnh phức tạp, kênh tìm kiếm mặt hàng mới đưa về bán trong nước tạm thời gián đoạn, nhưng chúng tôi không ngồi im, mà đi khắp 63 tỉnh, thành phố để tìm hiểu sâu thêm về ngành sản xuất trái cây của Việt Nam, liên kết với các địa phương phát triển vùng nguyên liệu xuất khẩu”.

Với sự hỗ trợ của các địa phương, Ngọc Huyền hình thành ý tưởng xây dựng “Bản đồ trái cây Việt Nam” - nơi hệ thống hóa thông tin, dữ liệu, hình ảnh trái cây Việt theo chỉ dẫn địa lý và đặc hữu vùng miền, được thể hiện trên nền tảng thương mại điện tử.

Ý tưởng này được đội ngũ Mia Group thần tốc triển khai. Tháng 9/2021, “Bản đồ trái cây Việt Nam” đã bước vào hội chợ trái cây lớn nhất châu Âu tổ chức tại Italia với sự góp mặt của 70 quốc gia. Trực tiếp có mặt tại sự kiện này, Ngọc Huyền càng thêm tự hào khi trái cây Việt được bạn bè quốc tế biết tới nhiều hơn.

Đầu tháng 11/2021, Ngọc Huyền có mặt trong nhóm doanh nghiệp - doanh nhân tháp tùng Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị COP26, thăm và làm việc tại Vương quốc Anh, thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Trong dịp này, Mia Group đã ký thỏa thuận với MCE - Amélie EU Gateway để xuất khẩu các loại nông sản (thanh long, dừa, vải, xoài, chuối, chanh không hạt) sang EU với sản lượng 5.000 tấn trong năm 2022.

Bên cạnh đó, Mia Group cũng đạt được thỏa thuận với Kaira Clan (Phần Lan) đầu tư chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ nông nghiệp hữu cơ nhằm nâng cao năng suất, sản xuất sản phẩm sạch xuất khẩu sang EU.

Cuối tháng 11/2021, tháp tùng Thủ tướng Chính phủ thăm chính thức Nhật Bản, CEO Mia Group “chốt” được thỏa thuận hợp tác dài hạn 5 năm với Tập đoàn Endo Seian (Nhật Bản) để xuất khẩu đậu đỏ và các sản phẩm chế biến từ đậu đỏ sang Nhật.

Hành trình chinh phục hách hàng và đối tác

Nhìn lại 2 năm nỗ lực vượt khó, đối mặt với đại dịch, Ngọc Huyền khiêm tốn nói rằng: “Tôi thấy mình thật may mắn!”.

Thực ra, may mắn đến với Ngọc Huyền không phải ngẫu nhiên, bởi cô đã nhanh nhạy đón đầu xu hướng khi tham gia kinh doanh online từ rất sớm, đặc biệt là đã chọn lĩnh vực hàng hóa thiết yếu để khởi nghiệp.

“Mia Fruit bán trái cây theo hình thức giao hàng tận nơi từ năm 2013. Nhờ kinh doanh online từ sớm, nên khi dịch bệnh xảy ra, Mia Fruit không bị ảnh hưởng nhiều bởi thu hẹp điểm bán, mà trái lại, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp đều tăng trưởng”, Ngọc Huyền chia sẻ.

Cũng không phải ngẫu nhiên, mà Mia Fruit với các loại trái cây nhập khẩu có giá bán hàng triệu đồng/kg được nhiều khách hàng lựa chọn.

Để tạo dựng thương hiệu bán lẻ trái cây nhập khẩu cao cấp Mia Fruit, đích thân Huyền và các cộng sự của mình đã có nhiều chuyến đi nước ngoài, trực tiếp đưa sản phẩm chất lượng về Việt Nam. “Kinh doanh trong ngành hàng thiết yếu như thực phẩm, nếu chỉ lấy lợi nhuận làm đầu, coi nhẹ lợi ích của khách hàng, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp tự triệt tiêu đường sống của mình”, Ngọc Huyền nói.

Đó cũng chính là lý do suốt 9 năm qua, cô đã lặn lội tới vài chục quốc gia để tìm kiếm nguồn cung ứng trái cây chất lượng cho hệ thống bán lẻ của mình. Nhờ đó, Mia Fruit luôn đảm bảo nguồn hàng ổn định.

Chia sẻ lý do chọn phân khúc trái cây nhập khẩu cao cấp, Ngọc Huyền cho hay, với hàng cao cấp, tỷ lệ hư hỏng rất thấp, vì các nhà cung cấp đã lựa chọn ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhất, đảm bảo tiêu chuẩn cao nhất. 100% hàng nhập khẩu của Mia Fruit đều được vận chuyển bằng đường hàng không để có thể lên kệ hàng nhanh nhất, đảm bảo hương vị và độ tươi ngon.

Đi nhiều, tìm hiểu nhiều, Ngọc Huyền luôn tâm niệm phải mang những loại trái cây ngon nhất, mới lạ nhất để phục vụ thực khách sành ăn tại Việt Nam. Chính Ngọc Huyền là người đầu tiên đưa nho mẫu đơn, được trồng ở vùng Okayama (Nhật Bản) về Việt Nam từ năm 2015, với giá bán 5 triệu đồng/kg.

Song hành với việc nhập khẩu trái cây, Ngọc Huyền chủ động tiếp thị nông sản nhiệt đới của Việt Nam với đối tác nước ngoài và đã thu về “trái ngọt” khi giữa đại dịch, Mia Group vẫn có được đơn hàng lớn cho năm 2022 và các năm tiếp theo. “Đây là thành quả của quá trình dài mang nông sản Việt chinh phục đối tác, chứ không phải ngẫu nhiên”, Ngọc Huyền nói.

Bước vào “cuộc chơi lớn”

Năm 2022, Mia Group kỷ niệm 10 năm thành lập. Cô chủ sinh năm 1992 bắt đầu gây dựng Mia Fruit khi đang là sinh viên năm thứ 3, Khoa Quản trị, Trường đại học Hoa Sen (TP.HCM).

Ngọc Huyền kể, trong gần 10 năm điều hành Mia Group, có nhiều thời điểm, cô không nghĩ mình có thể trụ lại được. Thời kỳ đầu khởi nghiệp, thiếu kinh nghiệm, thiếu nguồn lực, khó khăn chồng chất khó khăn, đội ngũ Mia Fruit còn phải đối diện với thách thức lớn là tâm lý nghi ngờ của không ít người tiêu dùng về xuất xứ trái cây nhập khẩu. Từng bước, Mia Fruit đã “hóa giải” được thách thức này bằng chính chất lượng sản phẩm.

Năm 2018, khi mở rộng kinh doanh ra Hà Nội, Mia Group vấp phải khó khăn từ sự khác biệt văn hóa tiêu dùng giữa người Hà Nội và người miền Nam, sản phẩm khó tiêu thụ, doanh thu không đạt. Ngọc Huyền lại tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu thị hiếu để cung ứng sản phẩm, cách thức bán hàng phù hợp, từng bước chinh phục khách hàng.

Đến năm 2020, Covid-19 bùng phát, nhiều hợp đồng đàm phán với đối tác dở dang, trong khi đó, nguồn lực của Mia Group lại đang dồn cho phát triển vùng nguyên liệu, Ngọc Huyền một lần nữa đối mặt với bài toán khó, nhưng cô đã tìm ra lời giải.

Giờ đây, Ngọc Huyền và đội ngũ Mia Group đang bắt đầu một “cuộc chơi lớn” với lộ trình phát triển cụ thể cho giai đoạn 5 - 10 năm tới. Đó là tập trung đầu tư vào nông nghiệp sạch và đẩy mạnh xuất khẩu. Phạm vi kinh doanh được mở rộng, Mia Group cũng có thêm nhiều đối tác đồng hành, “chia lửa” để cộng hưởng sức mạnh nguồn lực, nhân sự.

Kế hoạch năm 2022, Mia Group sẽ cùng các đơn vị hợp tác trong nước tập trung sản xuất để có nguồn hàng ổn định cung cấp cho đối tác nước ngoài. Có hợp đồng với khách hàng EU, Nhật Bản, đảm bảo đầu ra, Mia Group đã làm việc trực tiếp với bà con nông dân để sản xuất đúng quy trình, đảm bảo hàng đủ tiêu chuẩn.

“Quan điểm kinh doanh của tôi là phải cùng nhau thành công, chứ không chỉ thành công cho riêng mình. Cả chuỗi cung ứng, mỗi mắt xích đều được thụ hưởng lợi ích, thì mới có thể đi cùng nhau lâu bền. Đó chính là con đường để kiến tạo tương lai bền vững”, Ngọc Huyền chia sẻ.

CEO Mia Group có niềm tin lớn về sự thành công khi bắt tay với đối tác Nhật Bản, bởi không chỉ là xuất nhập khẩu sản phẩm đơn thuần, đối tác Nhật Bản đã cam kết cùng với Mia Group đảm bảo quy trình trồng trọt, chế biến đáp ứng các yêu cầu chất lượng khắt khe của Nhật Bản, từ đó sẽ nhân rộng mô hình hợp tác để đem lại lợi ích cho các bên tham gia.

Tham vọng của Ngọc Huyền là đưa Mia Group trở thành đối tác chiến lược cung cấp các loại nông sản hữu cơ đạt tiêu chuẩn cho thị trường Nhật Bản, EU trong vòng 5 năm tới. Để thực hiện mục tiêu này, Mia Group sẽ phối hợp với đối tác EU đầu tư xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, hệ thống phòng lab quản trị chất lượng toàn bộ quá trình theo tiêu chuẩn cao nhất của châu Âu.

Bên cạnh đó, Mia Group và đối tác nước ngoài cũng đang bàn thảo để đầu tư trung tâm dịch vụ nông nghiệp ở những vùng nguyên liệu chủ lực của Mia Group, từ đó giúp cải tiến chất lượng sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, hướng đến nền nông nghiệp bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trên thế giới.

“Tôi đang ấp ủ rất nhiều kế hoạch”

Sau 10 năm khởi nghiệp, Ngọc Huyền đã đi được bao nhiêu phần trăm lộ trình đặt ra?

Với tôi, đây là con đường vô tận. Ban đầu, tôi khởi nghiệp với Mia Fruit, nhưng sau đó, để phục vụ kinh doanh tốt hơn, tôi phải xây dựng một hệ sinh thái, phát triển thương hiệu, ứng dụng chuyển đổi số… Tôi đang ấp ủ rất nhiều kế hoạch khác.

Ngọc Huyền “vẽ” bức chân dung Mia Group sau 5 - 10 năm tới như thế nào?

Ở kênh xuất khẩu, tôi kỳ vọng, Mia Group sẽ đứng trong top những doanh nghiệp hàng đầu ở Việt Nam có vùng nguyên liệu đủ lớn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu rau, củ, quả và các loại hạt tới các thị trường tiêu chuẩn cao trên thế giới.

Ở kênh nhập khẩu, Mia Fruit sẽ tiếp tục phát triển thương hiệu bán lẻ trái cây nhập khẩu cao cấp, định vị thương hiệu vững chắc ở phân khúc cao cấp tại Việt Nam.

Với lộ trình phát triển đầy tham vọng đó, Mia Group có gặp khó khăn về nguồn vốn không?

Giờ đây, nguồn vốn không còn là vấn đề quá lớn với Mia Group nữa. Chúng tôi đang có nhiều kênh tiếp nhận vốn từ nước ngoài, một số quỹ đầu tư rất muốn rót vốn vào Mia Group. Chúng tôi sẽ tính toán để có thể cộng hưởng sức mạnh nguồn lực.

Tin bài liên quan