Tinh thần của một xã hội gắn bó, đùm bọc được chính các doanh nghiệp, doanh nhân đẩy lên cao bằng những hành động thiết thực, đi vào lòng người. Trong ảnh: Nhân viên Công ty PNJ và các doanh nghiệp tổ chức siêu thị 0 đồng phục vụ sinh viên, người lao động bị mất việc trong mùa dịch. Ảnh: Lê Toàn

Tinh thần của một xã hội gắn bó, đùm bọc được chính các doanh nghiệp, doanh nhân đẩy lên cao bằng những hành động thiết thực, đi vào lòng người. Trong ảnh: Nhân viên Công ty PNJ và các doanh nghiệp tổ chức siêu thị 0 đồng phục vụ sinh viên, người lao động bị mất việc trong mùa dịch. Ảnh: Lê Toàn

Doanh nhân phụng sự

0:00 / 0:00
0:00
Suốt những ngày thực hiện giãn cách xã hội, lãnh đạo doanh nghiệp gần như không nghỉ. Họ có mặt trong các hoạt động thiện nguyện, góp công, góp của cho công tác phòng chống dịch, duy trì sản xuất.

Với nhiều doanh nhân, Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 năm nay cũng sẽ giống ngày hôm qua, giống các ngày của tuần trước và có thể cả tuần tới, bởi lịch làm việc online thường kín mít trong ngày, thậm chí kéo dài tới cả đêm.

Họ đang phải cân đo, bóc tách các điều kiện mà một số bộ, ngành, địa phương vừa công bố cho giai đoạn thí điểm, để xem nhà máy “đủ xanh” để mở lại chưa, để xem doanh nghiệp còn đủ tiền lo xét nghiệm liên tục cho toàn bộ lao động như có địa phương đã yêu cầu hay không.

Họ đang tính toán số lượng công nhân, người lao động đã về quê thì sẽ đón lại thế nào; đơn hàng quý tới còn hay mất…

Nhưng những doanh nhân này vẫn còn may mắn hơn, vì không ít doanh nghiệp đã phải tính đếm xem trụ được bao lâu khi dòng tiền bị ngắt, chưa biết xoay xở thế nào khi nhiều khoản hỗ trợ doanh nghiệp vẫn đang được bàn thảo, chưa chốt được phương án… Chưa kể, câu hỏi về các quy định tạm thời mở ra rồi liệu có đóng lại hay không hiện chưa có câu trả lời, dù dịch bệnh đã được kiểm soát. Rồi công thức sống chung an toàn với dịch bệnh thế nào, thích ứng với dịch bệnh ra sao sau nhiều thảo luận, lấy ý kiến doanh nghiệp vẫn chưa có.

Chỉ vài ngày trước, các doanh nghiệp hàng không như ngồi trên lửa khi nhiều chuyến bay vừa mới lên lịch, song đã phải hủy bỏ vì một số địa phương còn cân nhắc các yêu cầu phòng chống dịch…

Sức lực của doanh nghiệp vốn đã bị Covid-19 vắt kiệt lại càng trở nên mong manh, dễ bị tổn thương hơn trước những bấp bênh, mông lung, cát cứ và có thể là quá thận trọng, đến mức vô cảm của nhiều quy định, văn bản điều hành…

Nhưng sức doanh nhân dường như không cạn, chỉ có điều phải đối mặt thêm khó khăn, thách thức không đáng có.

Suốt hơn 120 ngày TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, rồi Hà Nội phải thực hiện giãn cách, nhiều doanh nghiệp, nhà máy phải đóng cửa, người lao động phải nghỉ hoặc làm việc luân phiên, nhưng lãnh đạo doanh nghiệp gần như không nghỉ. Họ có mặt trong các hoạt động thiện nguyện, góp công, góp của cho công tác phòng chống dịch, duy trì sản xuất.

Con số hàng ngàn tỷ đồng mà các doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp cho Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 của Trung ương, của địa phương đang tăng lên. Cùng với đó, các sáng kiến vì cộng đồng, vì sự bình yên của người dân vẫn chưa dừng lại, như các chương trình hỗ trợ tiền lương cho F0 ở lại bệnh viện, tham gia chống dịch, cung cấp ô-xy miễn phí; bảo trợ trẻ em bị mồ côi cha, mẹ do Covid-19…

Nhưng trên hết, các doanh nhân đã nhìn thấy trách nhiệm phải làm để nối lại đứt gãy nguồn cung, đứt gãy sản xuất, lưu thông…, để nối lại các đơn hàng, giành lại thị phần, để bắt nhịp phục hồi từ các thị trường, đối tác kinh tế lớn của Việt Nam.

Cứ mỗi chiều thứ 6 hằng tuần, liên tục từ đầu đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đến giờ, các hiệp hội doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp lớn của các ngành đã “ngồi” với nhau, trao đổi trực tuyến về mọi vấn đề, mọi vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, ở các địa phương… Từ đây, các đề xuất gỡ bỏ những chốt chặn trên Quốc lộ 1, thay đổi cách thức quản lý hàng hóa thiết yếu, mở luồng xanh cho xe chở hàng hóa, nguyên vật liệu, thay đổi phương thức hoạt động 3 tại chỗ, đề nghị chuyển trạng thái từ bóc tách F0 sang trạng thái sống chung với Covid-19… được gửi tới Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Ngay lúc này, các doanh nhân đang cùng lên phương án phục hồi của từng ngành, lĩnh vực, đi kèm các điều kiện, yêu cầu cụ thể, đóng góp vào kịch bản phục hồi và phát triển kinh tế mà Chính phủ đang xây dựng. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân lớn đã tranh thủ cơ hội trong dịch bệnh, tiến hành các kế hoạch đầu tư ra nước ngoài, tiến hành các hoạt động mua bán - sáp nhập mang tính chiến lược… Với họ, dịch bệnh, khủng hoảng dù gây nhiều mất mát, nhưng lại mang đến những bài học xương máu, bồi đắp ý chí để hoạch định tương lai của doanh nghiệp, của các sản phẩm, thương hiệu Việt…

Nhưng khi được hỏi, họ coi đó là việc doanh nhân phải làm.

Xin được tri ân và chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam vì những gian truân đang phải chịu đựng cùng những nỗ lực của họ để vượt lên, duy trì hoạt động, lo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Tin bài liên quan