Đơn độc chờ chứng khoán trở về

Đơn độc chờ chứng khoán trở về

(ĐTCK) Sau 4 năm chờ đợi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, đến nay, khi CTCK Trường Sơn đã bị rút giấy phép hoạt động, tài khoản chứng khoán của bà Trần Thị Vượng (TP. Hà Nội) vẫn bị phong tỏa.

Qua nhiều năm, quá nhiều lần đưa đơn, gõ cửa các cơ quan chức năng, các tòa soạn báo, tâm tình bức xúc của bà Vượng giờ chỉ là sự mỏi mệt, ngán ngẩm.

Với giọng chán nản, bà Vượng cho biết, sự việc xảy ra từ tháng 5/2011, khi tài khoản chứng khoán của bà mang tên Trần Thị Vượng mở tại CTCK Trường Sơn đột nhiên bị phong tỏa để trừ nợ cho một tài khoản khác.

Theo bà Vượng, chỉ khi phía CTCK Trường Sơn gồm ông Hồ Hoài Nam (Tổng giám đốc), bà Trần Thị Vân (Phó phòng kiểm soát nội bộ) và môi giới Trần Thị Duyên đến làm việc tại nhà, bà mới biết tài khoản Khúc Xuyền, đứng tên chồng bà đang lỗ 1,9 tỷ đồng. Hơn nữa, phía Trường Sơn còn cung cấp cho bà hợp đồng hợp tác đầu tư của tài khoản Khúc Xuyền và 3 hợp đồng bảo lãnh lẫn nhau giữa 3 tài khoản đứng tên bà, chồng bà và con trai bà.

Cũng vì hợp đồng bảo lãnh này, khi tài khoản Khúc Xuyền bị thua lỗ, Trường Sơn đã phong tỏa tài khoản đứng tên bà Vượng để xiết nợ.

Tuy nhiên, bà Vượng khẳng định không ký bất cứ hợp đồng nào, lệnh giao dịch nào nói trên. Thậm chí, một số thông tin trong các hợp đồng không đúng và có dấu hiệu giả mạo giấy tờ như sai thông tin về ngày tháng năm sinh của bà, chồng bà, quốc tịch con trai bà.

Biên bản buổi làm việc giữa bà Vượng và CTCK Trường Sơn cho thấy, môi giới Bùi Thị Duyên xác nhận trách nhiệm về số nợ trên tài khoản Khúc Xuyền. CTCK Trường Sơn xác nhận môi giới Duyên có trách nhiệm hoàn trả số nợ cho Công ty.

Tuy nhiên, vào cuối năm 2012, khi bị rút nghiệp vụ môi giới, không còn cần uy tín với khách hàng, CTCK Trường Sơn đã thẳng tay phong tỏa tài khoản chứng khoán của bà Vượng.

Trước việc này, bà Vượng đã làm đơn kêu cứu tới nhiều cơ quan chức năng như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Bộ Tài chính…

Tiếp nhận đơn của bà Vượng, UBCK đã tổ chức thanh tra, kiểm tra CTCK Trường Sơn; Trung tâm Lưu ký chứng khoán đã ra quyết định phong tỏa tài khoản của bà Vượng, chờ kết quả giải quyết tranh chấp.

Sau khi kiểm tra, UBCK đã ra quyết định xử phạt CTCK Trường Sơn 60 triệu đồng vì không lưu giữ lệnh của nhà đầu tư theo đúng quy định. Kết quả kiểm tra này cho thấy, việc bà Vượng khẳng định bà và chồng không đặt bất cứ lệnh mua bán nào trên tài khoản Khúc Xuyền là có căn cứ.

Dẫu vậy, UBCK không có văn bản hay “lệnh” nào buộc CTCK Trường Sơn phải hủy phong tỏa tài khoản cho bà Vượng. Nguyên nhân, theo UBCK, là do bà Vượng đã có đơn đến cơ quan công an tố cáo việc một số nhân sự của Trường Sơn giả mạo chữ ký và lừa đảo, nên UBCK chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra.

Cho đến nay, vụ việc vẫn ở giai đoạn tiền khởi tố và ở giai đoạn này, pháp luật không có bất cứ quy định nào về thời hạn giải quyết. Do đó, bà Vượng chỉ có thể chờ đợi và chờ đợi.

Được biết, tổng giá trị cổ phiếu trong tài khoản của bà Vượng tính tại thời điểm này vào khoảng 3,5 tỷ đồng. Không chỉ bị phong tỏa tài khoản, bỏ qua các cơ hội kinh doanh, bà Vượng còn không nhận được một đồng cổ tức nào trong suốt 4 năm qua.

Bên cạnh bà Vượng, có một nhà đầu tư khác từng song hành trong cuộc chiến là ông Phan Quang Dũng (TP. HCM). Tháng 9/2011, ông Dũng ký với CTCK Trường Sơn 2 hợp đồng môi giới chứng khoán, theo đó, Trường Sơn sẽ tìm mua cho ông Dũng số lượng chứng khoán với tổng giá trị 4,1 tỷ đồng. Nếu hết thời gian thực hiện ghi trong hợp đồng mà Trường Sơn vẫn không tìm mua được chứng khoán thì Công ty phải chuyển trả nhà đầu tư toàn bộ số tiền trên.

Hết hạn hợp đồng, không mua được chứng khoán, ông Dũng yêu cầu CTCK Trường Sơn chuyển trả lại tiền. Dù có đủ chứng từ, hóa đơn hợp pháp, hợp lệ, nhưng CTCK Trường Sơn liên tục khất lần nghĩa vụ trả nợ. Quá bức xúc, tháng 1/2012, ông Dũng đã có đơn thư gửi lên UBCK đề nghị cơ quan này xem xét giải quyết, giúp ông lấy lại tài sản. Đồng thời, ông Dũng cũng kiến nghị UBCK xem xét kiểm tra các vấn đề mà ông cho là Trường Sơn có vi phạm pháp luật như việc huy động vốn, sử dụng tiền mà không được sự cho phép của nhà đầu tư…

Tuy nhiên, không chờ được kết quả giải quyết của cơ quan chức năng, ông Dũng đã mất đột ngột vào năm ngoái.

Giờ đây, chỉ còn một mình bà Vượng mỏi mòn chờ đợi không biết bao giờ mới lấy lại cổ phiếu của mình. Sự ra đi của ông Dũng để lại cho bà Vượng một băn khoăn đau lòng, năm nay bà đã 70 tuổi, giả sử bà mất trước khi vụ việc được giải quyết, vậy quyền lợi của bà sẽ ra sao, bà có được di chúc lại số tài sản nói trên cho các con?       

Quá trình tranh chấp với CTCK Trường Sơn, bà Vượng còn phát hiện tại CTCK Trường Sơn có một số hợp đồng ứng trước tiền bán chứng khoán ngày T với Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (nay là Ngân hàng TMCP Sài Gòn - SCB) đứng tên bà.

Theo đó, Phòng giao dịch Bạch Mai thuộc ngân hàng này cho một số nhà đầu tư của Trường Sơn vay ứng trước tiền bán chứng khoán niêm yết trong thời hạn 5 ngày. Theo tìm hiểu của ĐTCK, tổng giá trị tất cả các hợp đồng này lên tới hàng chục tỷ đồng.

Theo bà Trần Thị Vượng, có 4 hợp đồng ứng trước tiền bán chứng khoán mang tên Trần Thị Vượng, mỗi hợp đồng trị giá 1,6 tỷ đồng được ký vào tháng 5, tháng 7 và tháng 8/2011. Số tiền theo hợp đồng, được chuyển vào tài khoản của Trường Sơn thay vì tài khoản của bà. Chồng bà, ông Khúc Xuyền cũng bị nợ 3 hợp đồng như vậy, mỗi hợp đồng 1,6 tỷ đồng và số tiền được yêu cầu chuyển vào tài khoản của CTCK Trường Sơn.

Bà Vượng khẳng định, bà không hề sử dụng dịch vụ này, không bán chứng khoán, cũng không yêu cầu sử dụng dịch vụ ứng trước tiền bán, chữ ký trên các giấy tờ, hợp đồng cũng không phải của bà.

Bà Vượng đã làm đơn tố cáo nhiều sai phạm của CTCK Trường Sơn tới cơ quan công an nhưng đến nay, vụ việc vẫn đang trong quá trình giải quyết.

Tin bài liên quan