Đón khách quốc tế theo mô hình “Du lịch cách ly khép kín”

Đón khách quốc tế theo mô hình “Du lịch cách ly khép kín”

0:00 / 0:00
0:00
UBND tỉnh Kiên Giang đã đề xuất thí điểm đón du khách quốc tế đến nghỉ dưỡng tại TP.Phú Quốc theo mô hình “Du lịch cách ly khép kín” với điều kiện du khách đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Đề xuất tiêm vắc-xin cho toàn bộ cư dân Phú Quốc

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang, từ khi Covid-19 bùng phát, tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp căn cơ, cơ bản kiểm soát tốt đại dịch, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép. Song, du lịch Phú Quốc vẫn bị ảnh hưởng nặng nề. Năm 2020, tổng lượng du khách đến đảo Ngọc giảm 30,6%, khách du lịch quốc tế giảm 76,1% so với năm 2019.

Để từng bước khôi phục ngành kinh tế mũi nhọn của Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị cho phép thực hiện thí điểm đón khách du lịch Nga đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đến Phú Quốc nghỉ dưỡng theo mô hình “Du lịch cách ly khép kín”, thông qua các chuyến bay thuê bao, nghỉ tại một địa điểm, hạn chế di chuyển. Sau đó sẽ tiến hành đánh giá và cho phép mở rộng đón khách du lịch từ các nước đã hoàn thành tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19.

Để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống trên đảo và nhân viên phục vụ tại các khu, điểm du lịch, kiến nghị cho phép tỉnh Kiên Giang được tổ chức tiêm vắc-xin cho toàn bộ cư dân Phú Quốc. Nguồn vốn thực hiện từ ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách địa phương và nguồn huy động hợp pháp nếu có.

Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang Hà Văn Phúc cho biết, Sở Y tế đang xây dựng Kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 toàn dân cho Phú Quốc, trong đó dự kiến nhu cầu vắc-xin trong năm 2021 là 220.000 liều, thời gian triển khai kế hoạch trong 16 - 18 tuần ngay khi có nguồn vắc-xin được cấp về.

Số hóa dữ liệu người đã tiêm vắc-xin

Đối với kiến nghị thí điểm đón khách du lịch đã được tiêm phòng Covid-19 đến Phú Quốc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin, Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan và địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết để đón khách du lịch ở huyện đảo Phú Quốc. Việc dần dần hồi phục mũi nhọn du lịch tại Phú Quốc sẽ đóng góp vào nguồn ngân sách, đóng góp nguồn lực để vừa chống dịch vừa phát triển xã hội tại địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Các chuyên gia cho rằng, cần tính toán, nghiên cứu các giải pháp đón du khách quốc tế có “hộ chiếu vắc-xin” sao cho đồng bộ, chặt chẽ từ khi khách đến tới lúc khách rời khỏi Việt Nam, bởi yếu tố an toàn phải được đặt lên hàng đầu.

Bộ Y tế sẽ trình Thủ tướng Chính phủ về chủ trương thí điểm đón khách du lịch quốc tế đã tiêm vắc-xin Covid-19 đến Phú Quốc và tiêm vắc-xin cho người dân tại đây. Trước khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, mọi phương án tổ chức cần phải có kế hoạch tốt.

“Mọi công tác chuẩn bị cho chủ trương thí điểm đón khách du lịch tại Phú Quốc nói riêng và công tác phòng chống Covid-19 nói chung trên địa bàn cần thực hiện nghiêm theo Thông báo 167/TB-VPCP kết luận tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ về phòng chống Covid-19”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo gửi đến Bộ Y tế và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, khẩn trương nghiên cứu và cho thí điểm sử dụng "hộ chiếu vắc-xin" với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc.

Tổng cục Du lịch cho biết, đang phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế thông qua "hộ chiếu vắc-xin". "Việc mở cửa đón khách quốc tế là vấn đề quan trọng, trong đó ưu tiên cao nhất là bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Mô hình đón khách sẽ thí điểm từng bước về thị trường khách, hình thức chuyến bay, lựa chọn các điểm đến, sản phẩm phù hợp. Những doanh nghiệp dịch vụ đủ năng lực và đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch mới được đón khách", đại diện Tổng cục Du lịch thông tin.

Theo các doanh nghiệp du lịch, đây là tín hiệu tốt cho thị trường du lịch những tháng cuối năm. Việc lựa chọn Phú Quốc để thí điểm mở cửa đón khách quốc tế cũng rất khả thi và phù hợp với nhu cầu của du khách quốc tế. Hàng năm, từ tháng 10 là cao điểm đón khách quốc tế, nếu có sự chuẩn bị sớm thì du lịch Việt Nam sẽ sớm phục hồi với dòng khách này.

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, dù dịch bệnh chưa chấm dứt, nhưng việc mở cửa trở lại vẫn rất cần thiết. Ông đề xuất tiêm phòng đủ 2 mũi vắc-xin cho lực lượng tham gia lĩnh vực du lịch và áp dụng triệt để 5K như một thói quen cho người dân thành phố, để du khách yên tâm và sẵn sàng lựa chọn Phú Quốc trong thời gian tới.

Ông Bình cho biết, hiện nay, vấn đề đón khách quốc tế có thể gây ảnh hưởng đến du lịch nội địa vẫn còn nhiều tranh luận. Giải pháp có thể là phân khu đón khách quốc tế và nội địa riêng.

"Quy trình thí điểm đón khách quốc tế cần có sự ủng hộ, vào cuộc của các bộ, ban, ngành như Y tế, Ngoại giao, Du lịch. Dưới góc độ Hiệp hội, chúng tôi đang ủng hộ bằng việc thực hiện xã hội hóa vắc-xin, kêu gọi người làm du lịch đóng góp vào quỹ vắc-xin của Nhà nước, với 120.000 người đăng ký và ngày càng tăng", ông Bình nói.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, để du lịch dần phục hồi, cần số hóa dữ liệu những người được tiêm vắc-xin tại Việt Nam trên hệ thống phần mềm phù hợp thông lệ quốc tế.

Ông Lương Hoài Nam, chuyên gia du lịch - hàng không phân tích, đến nay, đã có 1,5% dân số Việt Nam (khoảng 1,35 triệu người) được tiêm ít nhất một liều vắc-xin phòng Covid-19. Cần số hóa dữ liệu này theo hình thức như một hộ chiếu số (digital), thiết lập trên nền tảng công nghệ. Thực tế, đây là mã code, tích hợp tất cả các thông tin để người dân Việt Nam có “hộ chiếu vắc-xin” của riêng mình, có thể tải lên điện thoại di động qua QR Code.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin bài liên quan