Mỏ vàng Bồng Miêu trở thành “thánh địa” của “vàng tặc” vì chậm đóng cửa.

Mỏ vàng Bồng Miêu trở thành “thánh địa” của “vàng tặc” vì chậm đóng cửa.

Đóng cửa “trên giấy”, mỏ vàng Bồng Miêu biến thành “thành phố của vàng tặc”

0:00 / 0:00
0:00
Trong khi Đề án Đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu (tỉnh Quảng Nam) vẫn nằm trên giấy, thì tại đây, nhiều năm qua đã trở thành “bình địa đen” về an ninh trật tự và môi trường.

Mỏ vàng vô chủ

Mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) giờ đây giống như bình địa vừa hứng một trận “mưa bom”.

“Vàng tặc làm bất kể ngày đêm. Đi ban đêm có thể thấy đèn sáng. Người đông đúc như một thành phố vậy”, ông Vũ Văn Thẩm, Bí thư Huyện ủy Phú Ninh nói về mức độ phức tạp ở mỏ vàng vô chủ này tại cuộc họp với UBND tỉnh Quảng Nam hơn một tuần trước.

Sở dĩ nói mỏ vàng Bồng Miêu “vô chủ”, vì sau ngày 5/3/2016, do “sa lầy” trong nợ nần (nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, nợ đối tác), cộng với Giấy phép khai thác khoáng sản vàng đã hết hiệu lực, Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu - chủ đầu tư mỏ vàng này - phá sản, rồi tháo chạy khỏi “cánh đồng vàng”.

Nhân cơ hội này, các đội khai thác vàng khắp nơi đổ về, “phối hợp” cùng người dân bản địa mặc sức khoan hầm, dựng lán… để bòn mót những “hạt cám” cuối cùng còn sót lại.

Ngày 22/7/2021, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường phối hợp với Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Quảng Nam tiến hành kiểm tra, truy quét hoạt động khai thác vàng trái phép tại các khu vực Hố Lò 5, Hố Lò 10, Ngách Chụm, Thác Trắng, Đồi Sim, Suối Trang, Đập Thải thuộc địa phận thôn Bồng Miêu (xã Tam Lãnh). Khoảng 100 đối tượng đang khai thác vàng trái phép nháo nhào tháo chạy như “ong vỡ tổ”. Tổ Công tác đã phá hủy toàn bộ công cụ, phương tiện, lán trại phục vụ hoạt động khai thác vàng trái phép.

Đáng nói, dù lực lượng chức năng từ huyện đến tỉnh liên tục tổ chức truy quét, nhưng “vàng tặc” vẫn “thoắt ẩn, thoắt hiện”, khiến mỏ vàng Bồng Miêu trở thành điểm nóng về an ninh trật tự và ô nhiễm môi trường.

Trớ trêu là, sau mỗi đợt truy quét, ngân sách nhà nước lại bị “lõm” một phần, như lời ví von của ông Thẩm: “Sống trên đất vàng, nhưng chính quyền, lực lượng chức năng chỉ tốn kém thêm, chứ chẳng có lợi chi”.

Nạn khai thác vàng trái phép ở mỏ vàng Bồng Miêu cũng “ngốn” không ít giấy mực của nhiều cơ quan, đơn vị trong thời gian qua, mà nội dung chủ yếu cũng chỉ dừng lại ở việc đề cập thực trạng, chứ không có giải pháp tối ưu.

Đóng cửa “trên giấy”

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, Giấy phép khai thác khoáng sản vàng tại mỏ vàng Bồng Miêu số 582 (ngày 22/7/1992) do Bộ Công nghiệp nặng (nay là Bộ Công thương) cấp cho Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu đã hết hiệu lực kể từ ngày 5/3/2016. Sau đó, Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu nộp đơn xin gia hạn Giấy phép và một số văn bản, tài liệu liên quan cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

Ngày 14/6/2016, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có Công văn số 1522 gửi Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu, thông báo không đủ căn cứ, cơ sở xem xét việc gia hạn giấy phép.

Tại Thông báo số 156, ngày 5/5/2017, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trước những khó khăn của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu, tỉnh đã nhiều lần hỗ trợ Công ty tháo gỡ, tạo điều kiện cho Công ty tái cơ cấu nhằm khôi phục sản xuất, kinh doanh và giải quyết việc làm cho người lao động, có nguồn thu để trả nợ thuế, phí cho Nhà nước và thanh toán nợ cho các nhà cung cấp dịch vụ, vật tư, hàng hóa.

Tuy nhiên, Công ty vẫn thiếu thiện chí hợp tác, chậm xây dựng phương án tái cơ cấu doanh nghiệp, không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trả nợ, không chấp hành dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam. Do đó, ngày 1/9/2016, UBND tỉnh ban hành Công văn số 4227, thông báo cho Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu việc UBND tỉnh không xem xét đề nghị cấp lại Giấy phép khai thác khoáng sản vàng tại mỏ vàng Bồng Miêu, đồng thời yêu cầu công ty này dừng hoạt động khai thác vàng, khẩn trương thực hiện đóng cửa mỏ theo quy định, bàn giao khu vực mỏ cho địa phương quản lý và chủ động xây dựng lại phương án tổ chức hoạt động của doanh nghiệp sau khi không được cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.

Trước đó, ngày 19/7/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 2910, yêu cầu Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu chấm dứt toàn bộ hoạt động khai thác khoáng sản trong diện tích 358 ha; tổ chức quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích khu vực khai thác nêu trên; thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định tại khoản 4, Điều 58, Luật Khoáng sản năm 2010 (trong đó có việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai).

“Mặc dù Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Quảng Nam đã có nhiều văn bản yêu cầu Công ty thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm khi Giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực. Tuy nhiên, cho đến nay, Công ty vẫn chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm khi Giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực, như chưa trình Đề án Đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích khu vực khai thác chưa chặt chẽ…”, Thông báo số 156, ngày 5/5/2017 của UBND tỉnh Quảng Nam nêu rõ.

Tại Thông báo trên, UBND tỉnh Quảng Nam tái khẳng định quan điểm: không xem xét đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp lại Giấy phép khai thác khoáng sản vàng tại mỏ vàng Bồng Miêu và đề nghị Tập đoàn Besra Gold Inc., Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm khi Giấy phép khai thác khoáng sản vàng hết hiệu lực theo quy định pháp luật hiện hành (Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu là công ty con của Tập đoàn Besra Gold Inc. - PV).

Tuy nhiên, từ đó đến nay, “vàng tặc” vẫn mặc sức tung hoành ở mỏ vàng này.

Chờ đợi quá lâu, ngày 6/8/2021, UBND tỉnh Quảng Nam phải đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm sắp xếp, tổ chức buổi làm việc trực tuyến giữa lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan để thống nhất giải pháp, sớm triển khai Đề án Đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu. Song, đến giờ phút này, mốc thời gian đóng cửa mỏ vàng này vẫn nằm… trên giấy.

Dùng tiền tỷ ngân sách để “dọn rác” cho doanh nghiệp

Để lên kinh phí thực hiện Đề án Đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu, UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất Tỉnh ủy, HĐND tỉnh dùng ngân sách cùng với số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của chủ đầu tư.

Được biết, vào ngày 18/11/2019, ông Lê Trí Thanh, lúc đó là Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã ký Tờ trình số 6869 gửi HĐND tỉnh xin thống nhất bố trí kinh phí từ ngân sách tỉnh theo Đề án Đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu để trả lời Bộ Tài nguyên và Môi trường và để bộ này phê duyệt.

Theo tờ trình trên, Đề án Đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu đã hoàn chỉnh và có tổng kinh phí thực hiện hơn 19 tỷ đồng (trong đó, nguồn tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu đã nộp tại Kho bạc Nhà nước huyện Phú Ninh là hơn 6,4 tỷ đồng; nguồn ngân sách tỉnh Quảng Nam là hơn 12,6 tỷ đồng).

Đáng chú ý, ngoài các hạng mục chính, đề án này còn bao hàm cả việc phá dỡ đường lò, hố nước mà “vàng tặc” khai thác trái phép.

Ngày 28/11/2019, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Nam tiến hành thẩm tra Tờ trình số 6869 của UBND tỉnh Quảng Nam. Kết quả, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thống nhất với đề xuất bố trí kinh phí thực hiện việc đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu và đề nghị HĐND tỉnh xem xét, quyết định bố trí từ ngân sách tỉnh để thực hiện đề án này; đồng thời đề nghị, cần làm rõ số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của đơn vị khai thác mỏ vàng Bồng Miêu đã nộp so với số tiền phải nộp tại thời điểm ký quỹ theo quy định của Nhà nước.

Theo đề nghị của Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Nam tại Quyết định số 02 (ngày 13/11/2017) về mở thủ tục phá sản đối với Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu, Hội nghị các chủ nợ Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu lần thứ nhất vào ngày 28/11/2018 đã thống nhất đề nghị tuyên bố phá sản công ty này. Đến ngày 24/12/2018, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 02, tuyên bố phá sản Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu.

Tỉnh Quảng Nam đã áp dụng quy định tại Khoản 3, Điều 46, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP, ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản để thực hiện Đề án Đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu. Tuy nhiên, việc ngân sách nhà nước phải bỏ ra khoản kinh phí “quá bán” trên tổng kinh phí đóng cửa mỏ (12,6/19 tỷ đồng) để “dọn rác” thay cho doanh nghiệp đã gây không ít “lời ra tiếng vào” tại Quảng Nam trong thời gian qua.

“Kinh phí để lập, thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản đối với tổ chức khai thác khoáng sản bị giải thể, phá sản được lấy từ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của tổ chức được phép khai thác tính đến thời điểm lập đề án đóng cửa mỏ. Trường hợp không đủ kinh phí để thực hiện dự toán, UBND cấp tỉnh nơi có khoáng sản được khai thác bổ sung dự toán chi ngân sách trình HĐND cùng cấp thông qua”.

(Khoản 3, Điều 46, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP, ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản)

Các hạng mục chính thuộc Đề án Đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu

Đề án Đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu gồm các hạng mục chính tại các khu vực khai thác lộ thiên Hố Gần (xử lý môi trường 6 hố nước phục vụ quá trình tuyển quặng do khai thác trái phép, trồng keo trên diện tích mặt tầng…); khu vực khai thác hầm lò Núi Kẽm (1 cửa lò chính, 15 cửa lò phụ để thông gió và thoát nước…); bãi thải và khu vực đầm lầy Núi Kẽm (bãi thải đất đá 2,3 ha, khu vực đầm lầy 1,5 ha).

Cùng với đó, là khu vực đập thải (bốc xúc 13.850 m3 bùn quặng thải từ đập 3A sang 3B, cải tạo khu vực đập 3A thành hồ dự trữ nước phục vụ tưới tiêu trong khu vực…); khu vực nhà điều hành, nghiền và tuyển (kết hợp với thủ tục pháp lý về phá sản của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu tại Tòa án Nhân dân tỉnh để tiến hành bàn giao hoặc tháo dỡ, san gạt, cải tạo); các hạng mục khác (cải tạo tuyến đường vận tải mỏ, cải tạo hệ thống thoát nước trên mặt, giám sát trong quá trình thi công Đề án…).

Tin bài liên quan