Ông Lê Phương Hải, Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit)

Ông Lê Phương Hải, Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit)

Động lực tăng trưởng bị bỏ quên!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ở các nước và vùng lãnh thổ phát triển, một động lực tăng trưởng vô cùng quan trọng là tài chính tiêu dùng. Tuy nhiên, động lực này có vẻ bị bỏ quên ở Việt Nam, ngay cả khi hơn lúc nào hết, chúng ta cần bổ sung danh mục động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Từ quan niệm truyền thống…

Theo số liệu của Euromonitor, Singapore có dư nợ tài chính tiêu dùng ở mức 66% so với GDP; con số này ở Thái Lan là 35%; còn Việt Nam là 28%. Đáng chú ý, Trung Quốc, quốc gia công xưởng thế giới có dư nợ tài chính tiêu dùng chiếm 47% GDP và tốc độ tăng trưởng bình quân trong các năm từ 2016 đến 2020 trên 19%. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng qua các năm này xấp xỉ 23%, nhưng chúng ta đang ở giai đoạn đầu của phát triển tài chính tiêu dùng nên con số này chưa phải là cao. Từ năm 2021 đến nay, tốc độ tăng trưởng chậm lại và có lẽ năm 2023 sẽ chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất của tài chính tiêu dùng do sự cộng hưởng của nhiều yếu tố.

Nói tài chính tiêu dùng là một động lực tăng trưởng quan trọng nhưng bị lãng quên trước hết là từ nền văn hóa Việt Nam. Đi vay để tiêu dùng, theo truyền thống, không được khuyến khích. Đây là tâm lý chung của toàn xã hội. Gửi tiết kiệm luôn được đánh giá cao, còn vay tiêu dùng là bất đắc dĩ. Có thể trong quá khứ, trong thời gian bị cấm vận, tiết kiệm là quốc sách hàng đầu. Nhưng giờ đây ở thời kỳ hội nhập, tiêu dùng không mạnh thì nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng bởi sản xuất mà không tiêu thụ được. Hệ quả các doanh nghiệp không thiết tha đầu tư sản xuất hàng hóa mà chú trọng dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa hơn. Nhật Bản là quốc gia bảo thủ, nhưng vay tiêu dùng cũng ở mức 55% GDP.

Thế giới đang chuyển từ sản xuất hàng tiêu dùng có độ bền trọn đời sang hàng tiêu dùng có thời hạn sử dụng. Quạt máy sản xuất những năm 50 - 70 của Nhật có thể sử dụng hàng chục năm, trọn đời người, còn bây giờ chỉ có thể tốt trong 5 năm. Người tiêu dùng đang trả phí dịch vụ sử dụng các sản phẩm tiêu dùng chứ không sở hữu chúng, vì rất ít sản phẩm ngày nay tồn tại đến hết đời người. Chúng ta hầu như đang “đi thuê” các sản phẩm tiêu dùng. Vì thế, tín dụng tiêu dùng bản chất cũng là thuê sản phẩm nhiều hơn, đa dạng hơn. Thực tế, nếu không vay tiêu dùng thì ai cũng đã và đang thuê sản phẩm tiêu dùng. Chính vì thuê nên tất cả đều được sử dụng ô tô. Rất khó để ngay lập tức thay đổi tâm lý xã hội để có một suy nghĩ lý tính về tài chính tiêu dùng nhưng cũng không thể không tạo những bước đi thay đổi từ bây giờ.

…Đến nhận thức hiện tại

Căn nguyên của rủi ro cao trong tín dụng tiêu dùng là cơ chế giải quyết khi có nợ xấu giữa tổ chức tín dụng và người vay chưa hiệu quả.

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai Thông tư 02/2023, khi được hỏi tại sao tín dụng không tăng trưởng bốn tháng đầu năm nay thì đại diện Agribank trả lời rằng không có dự án tốt, đầu tư công cũng đang đình trệ. Nhưng chẳng phải bất động sản hay đầu tư công, các công ty tài chính, cùng là tổ chức tín dụng được Ngân hàng nhà nước cấp phép, cũng không dễ để có hạn mức ở các ngân hàng thương mại nhà nước. Nếu một công ty tài chính tiêu dùng xin cấp hạn mức tín dụng ở ngân hàng thương mại nhà nước thì câu trả lời phần lớn sẽ là chưa có chính sách. Rõ ràng là khái niệm tín dụng tiêu dùng cũng đang bị chính “người trong nhà” nghi ngại.

Sự nghi ngại này gốc rễ là từ định kiến rủi ro cao khi nhìn vào nợ quá hạn của các công ty tài chính tiêu dùng hay ngay cả danh mục tín dụng tiêu dùng trong chính các ngân hàng. Những năm qua, các ngân hàng và công ty tài chính xử lý rủi ro tín dụng tiêu dùng bằng lãi suất cao. Lấy thu nhập thêm từ lãi để bù cho phần rủi ro. Điều này là chữa trị triệu chứng chứ không phải nguồn cơn. Nó không làm giảm xác suất xảy ra nợ xấu ở tín dụng tiêu dùng. Hơn nữa, bất công là người có tín dụng tốt đang phải chịu lãi suất cao, trả tiền cho người có tín dụng xấu. Với bảo hiểm sức khỏe, người khỏe trả tiền cho người bị bệnh thật sự nhân văn thì xử lý rủi ro tín dụng tiêu dùng dưới góc nhìn này đâu đó để lại câu hỏi lớn.

Tín dụng tiêu dùng đang gặp nhiều rào cản từ quan niệm đến chính sách

Tín dụng tiêu dùng đang gặp nhiều rào cản từ quan niệm đến chính sách

Căn nguyên của rủi ro cao trong tín dụng tiêu dùng là cơ chế giải quyết khi có nợ xấu giữa tổ chức tín dụng và người vay chưa hiệu quả. Cách làm duy nhất hiện nay là khởi kiện ra tòa và sau đó là thi hành án dân sự, rất tốn kém chi phí vận hành và thời gian (cũng là chi phí) cho tổ chức tín dụng. Trong khi đó, từng khoản vay tiêu dùng là nhỏ lẻ, doanh thu không nhiều để bù vào chi phí thực hiện khởi kiện. Các phương án đòi nợ khác dễ dẫn đến nhiều hệ lụy như thu hồi nợ “khủng bố”, đòi nợ thuê… Trung Quốc đang có phương pháp rất tốt cho cơ chế giải quyết này khi phát triển điểm tín dụng công dân. Người có điểm tín dụng xấu sẽ bị hạn chế tiếp cận một số dịch vụ công cộng, đủ để cảm thấy khó khăn nếu không có hành vi nợ tốt.

Muốn có điểm tín dụng công dân chính xác thì dữ liệu công dân phải được chuẩn hóa và lưu trữ tập trung. Các cơ quan quản lý nhà nước đang cấp tập thực hiện chuyển đổi số công tác này. Tổ chức tín dụng hoàn toàn có thể vững tin vào những giải pháp của thời đại số trong giải quyết, xử lý rủi ro tín dụng tiêu dùng trong tương lai gần. Còn trước mắt, cần thiết nhất là thay đổi góc nhìn về tài chính tiêu dùng. Đất nước coi tài chính tiêu dùng là một động lực tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội. Các ngân hàng coi công ty tài chính tiêu dùng như một nguồn tăng trưởng tín dụng hiệu quả.

Trong cuộc họp triển khai công tác ngành ngân hàng đầu năm nay tại khu vực TP.HCM, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng nêu bật mục tiêu phát triển tín dụng tiêu dùng cho công nhân và sinh viên. Sản phẩm dành cho nhóm khách hàng này rất khó phát triển ở các ngân hàng do đặc thù nhỏ lẻ, nợ xấu cao hơn các sản phẩm khác, nhưng lại rất dễ vận hành ở các công ty tài chính tiêu dùng. Nên chăng có sự hợp tác ba bên giữa ngân hàng - công ty tài chính - khách hàng thì mục tiêu trên dễ thành công hơn. Thực sự đã có sự hợp tác này giữa ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính nước ngoài ngay tại thị trường Việt Nam, nhưng giữa ngân hàng trong nước và công ty tài chính trong nước thì chưa.

Cuối cùng là truyền thông. Tìm kiếm trên các trang mạng cụm từ “công ty tài chính” sẽ thấy sự không phân biệt rõ ràng giữa công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép và công ty tài chính chung chung (tên có từ “tài chính”). Thậm chí, kết quả tìm kiếm lại ra nhiều tin về tín dụng đen, cho vay nặng lãi… Điều này khác hẳn với cụm từ “khởi nghiệp” hay “chuyển đổi số” đều có thời gian xuất hiện ngắn hơn nhưng lại nhanh chóng đồng nhất khái niệm. Khi tài chính tiêu dùng được nhìn nhận như một trụ cột tăng trưởng thì sự đầu tư thời gian, quan tâm của giới truyền thông sẽ nhiều hơn, phân định khái niệm sẽ trở nên nhất quán.

Có ý kiến cho rằng, cần phải kiểm soát cụm từ “tài chính” trong tên các công ty tài chính không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Đây là ý kiến tích cực để giúp truyền thông, người dân phân biệt công ty tài chính chính thức. Nhưng nếu đã kiểm soát cụm từ “tài chính” thì sáng tạo hơn nữa, có thể gọi công ty tài chính được cấp phép là “ngân hàng tài chính tiêu dùng”. Có nỗi lo là rủi ro của công ty tài chính, lúc này là “ngân hàng tài chính tiêu dùng” sẽ lan sang ngân hàng thương mại. Nỗi lo này có thể xử lý được, chỉ cần truyền thông làm rõ “ngân hàng tài chính tiêu dùng” khác cơ bản ngân hàng thương mại là không được nhận tiền gửi từ dân cư, không cung cấp dịch vụ thanh toán qua tài khoản…

Tập đoàn dịch vụ tài chính Ant Financial đã có thể kiểm soát nợ xấu của cho vay tiêu dùng dưới 1% nhờ vào hệ sinh thái của họ. Người vay sẽ bị cách ly một phần khỏi hệ sinh thái khiến cái giá phải trả đắt hơn số tiền quá hạn (mà người vay chủ ý không trả nợ mặc dù vẫn còn khả năng trả). Ít nhiều đã tồn tại một mô hình có thể kiểm soát tốt xác suất xảy ra nợ xấu. Ở chiều ngược lại, khi người vay thật sự bị mất khả năng thanh toán nợ, họ cũng cần được luật pháp bảo vệ bằng luật phá sản cá nhân (hiện chưa được áp dụng ở Việt Nam) để các nỗ lực thu hồi nợ không bị lãng phí.

Có thể cần nhiều năm nữa chúng ta mới hoàn thiện hành lang pháp lý và hạ tầng cho tài chính tiêu dùng. Nhưng ngay lúc này, cần nhìn nhận rõ vai trò tất yếu, cần thiết, tích cực của tài chính tiêu dùng cả trong phát triển kinh tế lẫn phát triển văn hóa - xã hội.

Tin bài liên quan