Động lực tăng trưởng mới

Động lực tăng trưởng mới

(ĐTCK) Thông tin kinh tế vĩ mô nổi bật nhất trong tuần qua là việc Thủ tướng Chính phủ cho phép Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được chọn thời điểm thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn, trong đó có các tên tuổi lớn trên sàn chứng khoán như VNM, FPT, BMP, BMI, VNR… 

Giới đầu tư và phân tích đánh giá, đây là động thái cho thấy nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Trong suốt 3 năm qua, tái cấu trúc toàn diện DNNN được coi là một trong 3 khâu đột phá chiến lược để tạo động lực tăng trưởng mới, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiến trình này được Chính phủ chỉ đạo, đốc thúc rất quyết liệt, đặc biệt là từ đầu năm đến nay với nhiều giải pháp đã và đang được thực thi. Đổi mới quy định pháp lý, thực hiện cơ chế thường xuyên báo cáo, giám sát, nhắc nhở, thâm chí cả chế tài để đốc thúc các cơ quan quản lý và lãnh đạo các doanh nghiệp cùng “xắn tay áo” vào việc.

Tuy nhiên, để thay đổi những cách làm, tư duy hoạt động của số đông DNNN tồn tại hàng chục năm, gắn với một thời kinh tế kế hoạch, từ bỏ những lợi ích gắn bó với một hoặc nhiều nhóm người…, là chuyện không đơn giản. Đây là một trong những nguyên nhân giải thích cho việc vì sao tái cơ cấu DNNN chưa thực sự có được những kết quả như mong đợi.

Tại Đại hội Đảng bộ khối doanh nghiệp Trung ương tổ chức tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa nhắc nhở, việc tái cơ cấu doanh nghiệp còn chậm, có nơi trách nhiệm chưa cao, chưa quyết liệt; một số doanh nghiệp có mức tăng trưởng thấp hơn so với kế hoạch…

Nhiều DN có hiệu quả sản xuất - kinh doanh chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực đã được đầu tư; ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất - kinh doanh còn ít, còn chậm; một số doanh nghiệp thua lỗ, quản lý yếu kém, gây thất thoát tài sản của Nhà nước...

Với việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và sắp tới là gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, nền kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng, buộc thể chế kinh tế và các doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng. DNNN đứng trước nhiều cơ hội để phát triển, nhưng cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức phải vượt qua.

Bên cạnh sự chủ động thích ứng của doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các ngành, cơ quan chức năng và bản thân các doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, sản xuất - kinh doanh của DNNN.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, thực hiện thành công tái cơ cấu DNNN sẽ góp phần đưa khu vực DN này  giữ được vai trò nòng cốt trong nền kinh tế, là lực lượng vật chất quan trọng để Đảng, Nhà nước bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, điều tiết lãi suất ở các ngân hàng thương mại, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đưa nền kinh tế nước ta vượt qua khó khăn và phục hồi.

Sau quá trình tái cơ cấu, điều mà người dân mong đợi nhất là khối DNNN, dù tiếp tục hoạt động theo mô hình DNNN, hay chuyển sang hình thức công ty cổ phần, sẽ có sự đổi mới về tư duy kinh doanh để cạnh tranh bình đẳng trong một nền kinh tế thị trường ngày càng rộng mở. Theo đó, các DN, nhất là DNNN có động lực và cả áp lực phải sử dụng ngày càng có hiệu quả mọi nguồn lực, để tạo hiệu quả kinh tế cho đất nước, cải thiện đời sống cho người dân.

Tin bài liên quan