Đồng Nai: Từng bước phục hồi hoạt động kinh tế - xã hội đảm bảo phòng, chống dịch

0:00 / 0:00
0:00
Lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới tại các huyện do UBND cấp huyện quyết định. Thời gian cần thiết để chuyển trạng thái tốt nhất là 7 ngày để thông báo cho cộng đồng và chuẩn bị thực hiện.
Lực lượng chức năng thực hiện dỡ bỏ phong tỏa cho 20 hộ dân tại khu phố 2, phường Xuân Thanh. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN).

Lực lượng chức năng thực hiện dỡ bỏ phong tỏa cho 20 hộ dân tại khu phố 2, phường Xuân Thanh. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN).

Tối 15/9, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng đã ký văn bản hỏa tốc số 11102/KH-UBND ban hành kế hoạch từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Để chuẩn bị cho lộ trình trở lại bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đặt ra yêu cầu bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, giảm thiểu thiệt hại về người, đi đôi với việc khôi phục kinh tế, giải quyết việc làm và an sinh xã hội.

Các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục theo dõi tình hình hoạt động, chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân, kịp thời giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết với tinh thần hỗ trợ tối đa, từng bước phục hồi nền kinh tế thích ứng với bối cảnh COVID-19 còn tiếp diễn.

Nâng cao ý thức trách nhiệm, tính chủ động của người dân và doanh nghiệp trong phòng, chống dịch COVID-19.

Trên cơ sở xác định tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 và mức độ nguy cơ của từng vùng theo 4 mức: đỏ, cam, vàng, xanh để mở dần từng bước lộ trình bình thường mới đối với các vùng và đảm bảo phải tuyệt đối an toàn.

Tình hình dịch, mức độ nguy cơ, tiêu chí kiểm soát dịch, tỷ lệ tiêm vaccine thường xuyên được đánh giá và cập nhật để phục vụ cho việc quyết định thực hiện và chuyển đổi giữa các vùng.

Lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới tại các huyện, thành phố do Ủy ban Nhân dân cấp huyện quyết định. Thời gian cần thiết để chuyển trạng thái tốt nhất là 7 ngày để thông báo cho cộng đồng và chuẩn bị việc thực hiện.

Các tiêu chí (tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 và mức nguy cơ của các vùng) được đánh giá định kỳ (1 lần/tuần) ở tất cả các cấp (từ cấp xã/phường/thị trấn đến huyện/thành phố) để áp dụng các biện pháp phù hợp (Chỉ thị 16 hoặc Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 19 hoặc Bình thường mới ). Thời gian thực hiện bắt đầu từ 0 giờ ngày 20/9/2021.

Trong thời gian từ ngày 16/9 đến 0 giờ ngày 20/9/2021, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đề nghị các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo quy định tại văn bản số 10569/UBND-KGVX của Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Việc tham gia lưu thông và cấp giấy đi đường đối với các nhóm đối tượng tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn của Ủy ban Nhân dân tỉnh tại văn bản số 10569/UBND-KGVX, văn bản số 10616/UBND-KGVX, văn bản số 10856/UBND-KGVX (các giấy đi đường đã được cấp theo mẫu tại các văn bản nêu trên đến hết ngày 15/9/2021 tiếp tục được sử dụng đến hết ngày 19/9/2021, không cần cấp lại giấy đi đường mới).

Các doanh nghiệp đang thực hiện các phương án 3 tại chỗ, tiếp tục thực hiện phương án đã đăng ký.

Doanh nghiệp ở Đồng Nai thực hiện phương án 3 tại chỗ. (Ảnh: TTXVN).
Doanh nghiệp ở Đồng Nai thực hiện phương án 3 tại chỗ. (Ảnh: TTXVN).

Ngoài ra, để đảm bảo sản xuất liên tục, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, doanh nghiệp được thực hiện việc hoán đổi hoặc bổ sung người lao động để duy trì sản xuất, nhưng phải đảm bảo các điều kiện như doanh nghiệp không có trường hợp F0 trong vòng 14 ngày trước khi thực hiện hoán đổi và phải đảm bảo an toàn cho người lao động khi thực hiện hoán đổi.

Người lao động được hoán đổi ra, vào doanh nghiệp hoặc bổ sung vào doanh nghiệp đảm bảo phải ở khu vực vùng xanh tại địa phương, phải được tiêm vaccine ít nhất 1 mũi (sau 14 ngày) hoặc đã điều trị khỏi COVID-19 trong vòng 180 ngày.

Khi thực hiện hoán đổi hoặc bổ sung, người lao động vào doanh nghiệp phải được xét nghiệm lần 1 vào ngày đầu tiên bằng phương pháp test nhanh, bố trí ở vùng đệm ít nhất 3 ngày, và xét nghiệm lại lần 2 bằng phương pháp RT-PCR trước khi đưa vào sản xuất.

Người lao động trở về địa phương, phải có kết quả xét nghiệm âm tính (còn hiệu lực trong vòng 3 ngày). Việc hoán đổi tùy theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp với nguyện vọng của người lao động, số lượng hoán đổi do doanh nghiệp quyết định.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, các doanh nghiệp không thực hiện 3 tại chỗ trước đây, nhưng hiện tại có nhu cầu hoạt động trở lại sẽ lựa chọn thực hiện 1 trong 2 trường hợp sau: Thực hiện việc đăng ký các phương án 03 tại chỗ theo quy định 3 tại chỗ; 1 cung đường-2 địa điểm hoặc linh hoạt kết hợp cả 2 phương án trên, trong đó đáp ứng điều kiện về người lao động đảm bảo phải ở khu vực vùng xanh tại địa phương, phải được tiêm vaccine ít nhất 01 mũi (sau 14 ngày), có kết quả âm tính lần 1 bằng phương pháp test nhanh vào ngày thứ 1 và ngày thứ 3 bằng phương pháp RT-PCR (mẫu đơn hoặc mẫu gộp 5 hoặc mẫu gộp 10).

Doanh nghiệp phải tổ chức xe đưa đón người lao động khi thực hiện phương án 3 tại chỗ. Doanh nghiệp cho người lao động đi, về nhà hàng ngày nhưng phải đảm bảo các điều kiện như việc tổ chức đi lại cho người lao động hàng ngày đảm bảo không lây nhiễm...

Tin bài liên quan