Đông Nam bộ chuẩn bị đón “sóng” FDI mới

0:00 / 0:00
0:00
Các tỉnh Đông Nam bộ đang chuẩn bị điều kiện cần thiết về hạ tầng, thủ tục, nhân lực để đón làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới.
Dây chuyền sản xuất vật liệu tổng hợp composite của Công ty NIKKISO (Nhật Bản) tại TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Dây chuyền sản xuất vật liệu tổng hợp composite của Công ty NIKKISO (Nhật Bản) tại TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Đầu tư hạ tầng liên vùng

Ngay sau khi kết thúc ngày nghỉ Tết Dương lịch 2023, UBND tỉnh Bình Dương đã tiếp một loạt tập đoàn lớn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào địa phương như Tập đoàn Sembcorp, Tập đoàn CapitaLand (Singapore), đoàn doanh nghiệp của bang Nebraska (Hoa Kỳ), Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản)...

Việc các nhà đầu tư liên tục “đổ bộ” tìm hiểu cơ hội đầu tư ngay từ đầu năm 2023 cho thấy, vùng Đông Nam bộ vẫn là điểm đến hấp dẫn. Điều này có thể thấy rõ khi 2 vị trí dẫn đầu cả nước về thu hút FDI năm 2022 lần lượt thuộc về TP.HCM (thu hút 3,94 tỷ USD) và Bình Dương (thu hút 3,14 tỷ USD).

Theo tính toán của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2023, Việt Nam có thể thu hút 36-38 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, vùng Đông Nam bộ vẫn là chủ lực về thu hút FDI.

So với trước đây, các tỉnh vùng Đông Nam bộ có sự chuẩn bị tốt hơn để đón nhà đầu tư. Điều đầu tiên dễ nhận thấy là việc đầu tư hạ tầng kết nối vùng. Đường Vành đai 3 (đi qua 4 địa phương, gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An) sẽ đồng loạt được khởi công vào quý II năm nay. Đây được coi là tuyến đường tạo động lực phát triển cho cả vùng, khi tuyến đường dài 76,3 km chạy vòng tròn khép kín đi qua 4 tỉnh, thành phố, tạo ra một mạng lưới giao thông liên hoàn, giúp giảm thời gian vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Song song với việc đầu tư đường Vành đai 3, các tỉnh, thành phố đang tích cực đầu tư mở rộng các tuyến quốc lộ nối với nhau để tạo động lực phát triển kinh tế. Trong đó, TP.HCM vừa khởi công mở rộng Quốc lộ 50 nối với tỉnh Long An và khởi công nút giao An Phú để giảm ùn tắc vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Tỉnh Bình Dương hiện mở rộng Quốc lộ 13 (nối TP.HCM, Bình Phước) và tuyến đường nối từ huyện Phú Giáo đến huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước). Ngoài ra, Bình Dương còn đầu tư mở rộng tuyến đường ĐT 746 lên thành 6 làn xe để dẫn vào Khu công nghiệp VSIP III.

Tại Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, hai tỉnh đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khởi công đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào giữa năm nay. Một dự án quan trọng khác là cầu Phước An cũng được Bà Rịa - Vũng Tàu khởi công trong năm 2023, nối cảng Cái Mép - Thị Vải với các tuyến đường của tỉnh Đồng Nai để đi tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Nhận định về khả năng thu hút đầu tư của các tỉnh Đông Nam bộ, ông Watanabe Nobuhiro, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM cho biết, thời gian tới, khi cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3, Vành đai 4 được xây dựng, hạ tầng kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ thông suốt. Khi đó sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư của các tỉnh Đông Nam bộ sẽ còn cao hơn nữa.

Mở rộng khu công nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư để đón “đại bàng”

Việc các nhà đầu tư liên tục “đổ bộ” tìm hiểu cơ hội đầu tư ngay từ đầu năm 2023 cho thấy, vùng Đông Nam bộ vẫn là điểm đến hấp dẫn.

Sau khi vấn đề quan trọng nhất là hạ tầng đã được giải quyết, các tỉnh Đông Nam bộ tiếp tục tăng cường mở rộng các khu công nghiệp mới để tạo quỹ đất đón các nhà đầu tư. Tại đầu tàu kinh tế TP.HCM đang xúc tiến để đầu tư Khu công nghiệp Phạm Văn Hai, rộng 668 ha.

Tại Bình Dương, Khu công nghiệp VSIP III với diện tích 1.000 ha, đang được đầu tư thành khu công nghiệp xanh. Ngay sau khi đầu tư khu công nghiệp này, Bình Dương đã thu hút được dự án của Tập đoàn LEGO với số vốn đầu tư 1,3 tỷ USD. Ngoài ra, tỉnh đang đầu tư Khu công nghiệp Cây Trường, diện tích 1.000 ha và Khu công nghiệp Rạch Bắp.

Tương tự, hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng “chạy đua” mở rộng các khu công nghiệp mới. Ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, tỉnh đang phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh việc hoàn tất thủ tục thành lập 8 khu công nghiệp mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khi 8 khu công nghiệp mới được xây dựng, Đồng Nai sẽ có hơn 7.000 ha đất công nghiệp để mời gọi đầu tư.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng lên kế hoạch từ nay tới năm 2030 sẽ mở rộng thêm 8 khu công nghiệp với quỹ đất hơn 8.000 ha để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Cùng với mở rộng khu công nghiệp, năm 2023, các tỉnh Đông Nam bộ cũng tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Theo đó, tại TP.HCM sẽ thành lập lại cơ chế một cửa ở khu công nghiệp để tránh tình trạng nhà đầu tư phải đi “nhiều cửa”, đồng thời cho doanh nghiệp đánh giá năng lực điều hành của các sở, ngành. Trong khi đó, tỉnh Bình Dương thực hiện tất cả các thủ tục trực tuyến liên quan đến doanh nghiệp từ năm 2023. Tương tự, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, trong đó các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp luôn được giải quyết nhanh chóng.

Về nguồn nhân lực, các tỉnh Đông Nam bộ đã hình thành mô hình liên kết Nhà nước - doanh nghiệp - nhà trường để đào tạo nhân lực đầu ra, đồng thời phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện cần thiết, năm 2023, các tỉnh Đông Nam bộ được kỳ vọng là ngọn cờ đầu trong thu hút FDI.

Tin bài liên quan