Dự án hiện đang “giậm chân tại chỗ”

Dự án hiện đang “giậm chân tại chỗ”

Dự án BT tỷ đô của Phúc Lộc và Cienco 8: Chưa phê duyệt báo cáo khả thi

(ĐTCK) Làm việc với phóng viên Báo Đầu tư bất động sản ngày 20/8/2019 vừa qua, đại diện Ban quản lý thực hiện dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu tỉnh Thái Nguyên cho biết, 3 dự án đã ký hợp đồng BT chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.

Thi công trước, ký hợp đồng sau

Trong các số báo trước, Báo Đầu tư Bất động sản đã có loạt bài phản ánh về nhiều vấn đề cần làm rõ với Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên của Liên danh nhà đầu tư Tập đoàn Phúc Lộc và Cienco 8. Theo đó, đề án này vốn là dự án nhóm A, theo quy định, sẽ phải xin ý kiến Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về nguồn vốn, quy mô đầu tư. Tuy nhiên, các cơ quan ban, ngành của tỉnh Thái Nguyên thống nhất đổi tên thành “Đề án” với 9 dự án thành phần nhóm B để cấp tỉnh có thể ra quyết định chủ trương đầu tư.

Tổng vốn đầu tư của đề án là 18.211,61 tỷ đồng (gồm cả vốn đầu tư các dự án BT và các dự án đối ứng). Sau đó, Liên danh nhà đầu tư đề xuất tăng tổng vốn đầu tư lên 23.909,6 tỷ đồng, nhưng bị HĐND tỉnh Thái Nguyên bác.

Một điểm đáng nói nữa là mãi tới ngày 23/7/2018, ba hợp đồng BT (Dự án số 1: Xây dựng hoàn thiện hệ thống đê từ bờ hữu sông Cầu đoạn qua TP. Thái Nguyên; Dự án số 4: Xây dựng hệ thống kè chống sạt lở đê hai bên sông và xây dựng 3 bến thuyền tại thượng lưu cầu Quang Vinh, cầu Gia Bảy và thượng lưu đạp Thác Huống; Dự án số 5: Xây dựng hoàn thiện hệ thống đường giao thông hai bên bờ sông Cầu) của Đề án mới được ký kết, nhưng ngày 25/12/2016, Liên danh Tập đoàn Phúc Lộc và Cienco 8 đã tổ chức động thổ xây dựng dự án số 1 và số 5 với khoảng 200 m kè bờ hữu sông Cầu và khoảng 3 km đường ven sông Cầu.

Để đối ứng cho 3 dự án BT trên, Thái Nguyên đã chấp thuận chủ trương giao 25 khu “đất vàng” với gần 400 ha cho Liên danh Phúc Lộc và Cienco 8.

Đặc biệt, trong cuộc làm việc với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tuần qua, ông Dương Đình Dân, Phó trưởng ban thường trực Ban Quản lý thực hiện dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Hiện tại, 3 dự án đã ký hợp đồng BT chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và chưa triển khai thi công”.

Nếu lời khẳng định này là đúng thì câu hỏi đặt ra là việc thi công dự án từ năm 2016 trong khi cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có báo cáo nghiên cứu khả thi liệu có đúng quy định?

Dấu hỏi về kỹ thuật

Việc chưa có báo cáo nghiên cứu khả thi cũng khiến dư luận băn khoăn liệu những lo ngại của chuyên gia về nhiều vấn đề kỹ thuật của dự án trước đó có được lưu tâm một cách đầy đủ.

Băn khoăn này là có cơ sở bởi trong thiết kế và thi công “mẫu” năm 2016, nhà đầu tư thực hiện xây dựng kè cứng và đứng. Tuy nhiên, tại Hội thảo khoa học tham gia ý kiến về quy mô, giải pháp kỹ thuật cho Đề án tổ chức ngày 30/3/2017, ông Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Hết sức cân nhắc phương án kè cứng dọc sông Cầu, vì không đảm bảo cảnh quan ven sông, đặc biệt vào mùa khô. Kè mái nghiêng có nhiều phương án xây dựng phù hợp, đảm bảo cảnh quan môi trường. Đề nghị có thêm các phương án kè để đảm bảo hài hòa cảnh quan, kinh tế và khai thác du lịch”.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Mậu, Trưởng Ban Kinh tế, Ngân sách (HĐND tỉnh Thái Nguyên) cho biết: “Cần tính toán tần suất lũ đảm bảo an toàn do điều kiện tự nhiên thay đổi. Nghiên cứu các trạm bơm tiêu thoát lũ, úng trong mùa mưa...”.

Còn ông Trần Dương Hợp, Chủ tịch Hội Xây dựng tỉnh Thái Nguyên cho rằng: “Cân nhắc việc phát triển đô thị, triển khai dự án khai thác cảnh quan, tôn trọng địa hình tự nhiên sẵn có, hạn chế cứng hóa dòng sông”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện Ban Quản lý dự án này cho biết, tổng chiều dài đoạn kè sông gần 42 km và sau khi có ý kiến góp ý dự án triển khai cả kè đứng và kè nghiêng. Trong đó, kè đứng chiếm 6,8 km.

“Về hành lang thoát, chúng tôi căn cứ vào Quy hoạch đê điều, Quy hoạch hành lang thoát lũ. Đoạn có diện tích dòng chảy nhỏ nhất là 169 m ở thượng lưu cầu Gia Bảy”, ông Dân cho biết thêm.

Theo quan sát thực địa của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tuần qua, phần kè tường bờ sông Cầu do Liên danh 2 nhà đầu tư thực hiện “mẫu” là tường kè dựng đứng, được thi công ra sát mép sông. Ngoài ra, dù Đề án là “cấp bách”, nhưng sau khi thi công “mẫu” được một đoạn, dự án số 1 và số 5 đã bất động nhiều năm nay. Công trường dự án thi công dang dở, cây dại mọc um tùm, máy móc nằm bất động. Đặc biệt, các cốt sắt được thi công dang dở do để lâu ngày đã han rỉ.

Cũng theo thông tin Báo Đầu tư Bất động sản có được, dự án này đã được Thanh tra Chính phủ công bố kế hoạch thanh tra kể từ ngày 16/7/2019.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan