Một phần bờ kè đã được thi công

Một phần bờ kè đã được thi công

Dự án BT “tỷ đô” của Tập đoàn Phúc Lộc và Cienco 8: Nhiều ý kiến quan ngại

(ĐTCK) Sau khi triển khai thi công với lý do “làm mẫu” dù chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự án BT có tổng giá trị hơn 23.000 tỷ đồng tại Thái Nguyên dù thuộc diện “cấp bách” đã im lìm một thời gian dài. 

Cùng với những hoài nghi về năng lực triển khai của chủ đầu tư và thủ tục dự án chưa hoàn thiện, nhiều chuyên gia lên tiếng quan ngại về thiết kế kỹ thuật của đại dự án này.

Thi công trước, đánh giá tác động môi trường sau

Như Báo Đầu tư Bất động sản đã thông tin về việc Liên danh nhà thầu Tập đoàn Phúc Lộc và Cienco 8 trúng thầu Đề án chống lũ sông Cầu theo hình thức BT và đề xuất được đối ứng khoảng 34 khu đất vàng tại Thái Nguyên.

Thực tế, đề án này vốn là dự án nhóm A, theo quy định, sẽ phải xin ý kiến Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về nguồn vốn, quy mô đầu tư. Tuy nhiên, các cơ quan ban, ngành của tỉnh Thái Nguyên thống nhất đổi tên thành “Đề án” với 9 dự án thành phần nhóm B để cấp tỉnh có thể ra quyết định chủ trương đầu tư.

Tại Công văn số 3438/UBND-QHXD ngày 15/8/2017 của UBND tỉnh Thái Nguyên báo cáo Thường trực Tỉnh ủy về tình hình triển khai thực hiện các dự án thuộc Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên, nêu rõ: “Hiện nay, báo cáo đánh giá tác động môi trường 9 dự án chưa được phê duyệt theo quy định, đây là căn cứ để cấp có thẩm quyền phê duyệt các dự án. Do đó, đề nghị nhà đầu tư tiếp tục phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện”.

Ở góc độ khác, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đến thời điểm 25/12/2016, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Nguyên cũng chưa thông qua phần vốn ngân sách thực hiện từng dự án thuộc Đề án đầu tư xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu.

Hiện dự án đang giậm chân tại chỗ 

Trong khi các thủ tục, hồ sơ dự án chưa hoàn thiện, thì ngày 25/12/2016, Liên danh Tập đoàn Phúc Lộc và Cienco 8 đã tổ chức động thổ xây dựng hai trong số 9 dự án thành phần, gồm dự án số 1 và số 5 với khoảng 3 km kè và đường ven sông Cầu.

Sau khi động thổ xây dựng, Tập đoàn Phúc Lộc và Cienco 8 - vốn có cùng một chủ tịch hội đồng quản trị là ông Lương Minh Tường - đã thực hiện thi công khoảng 200 m kè bờ hữu sông Cầu thuộc Dự án số 1 của Đề án.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Trần Huy Hoàng, Phó tổng giám đốc Cienco 8 cho biết: “Việc thực hiện dự án này là mong muốn từ mấy kỳ đại hội của tỉnh Thái Nguyên. Thực ra, khi làm dự án này, mình cũng lo lắng lắm. Vì cứ bỏ tiền ra làm và thông qua việc bán đất (đất đối ứng BT - phóng viên) là cũng lo lắng về tính thanh khoản của nó lắm. Hiện nay, tính rủi ro của dự án nằm ở doanh nghiệp nhiều hơn”.

Ở góc độ khác, nhằm khách quan thông tin, phóng viên đã đến trụ sở Cienco 8 liên hệ làm việc nhưng không thể tiếp cận, vì thời gian này, Cienco 8 đang bị đóng cửa vì bị đòi nợ?

Nhiều chuyên gia quan ngại

Tại Hội thảo khoa học tham gia ý kiến về quy mô, giải pháp kỹ thuật thực hiện các dự án thuộc Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên ngày 30/3/2017, do Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Đoàn Văn Tuấn chủ trì, ông Phạm Đức Luận, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý đề điều (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định: “Một số nội dung (của Đề án - PV) chưa phù hợp với quy hoạch như: Đập dâng Quang Vinh, đập sông Đào chưa có quy hoạch.

Đề nghị tính toán kỹ lưỡng và xin ý kiến các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Đồ án quy hoạch hệ thống đê điều chống lũ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định chưa đảm bảo chất lượng, đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các đơn vị có liên tập trung hoàn thiện đúng quy định”.

Góp ý về giải pháp kỹ thuật bờ kè tường đứng hay kè mái nghiêng, ông Tạ Quang Vinh, Phó cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, kè nghiêng theo dự án được duyệt góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan đô thị, đa phần các nước trên thế giới làm kè mái nghiêng, hạn chế làm kè đứng.

Do đó, theo ông Vinh: “Lý do nhà đầu tư đề nghị điều chỉnh sang phương án kè đứng toàn tuyến chưa thuyết phục. Nhà đầu tư chưa tính toán cụ thể giải pháp cốt cao độ giữa đê và khu đô thị lân cận, giải pháp thoát nước, tiêu thoát lũ, kết nối giao thông giữa đường đô thị và đường đê”.

Trong khi đó, PGS.TS Vũ Hoài Nam, Trưởng bộ môn Đường - Khoa Cầu đường (Trường Đại học Xây dựng) cho rằng: “Sử dụng kè bê tông chỉ những vị trí trọng yếu, cần thiết. Kè bê tông tồn tại theo tuổi thọ chỉ từ 50 - 70 năm sẽ bị ăn mòn, phá hủy, nên xem xét sử dụng kè đất gia cố mái”. Chuyên gia này cũng cho rằng, số lượng cầu trong thiết kế là tương đối nhiều, đồng thời, tuyến đường ven sông cần có thiết kế phù hợp hơn để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả đầu tư.

Theo thông tin của Báo Đầu tư Bất động sản, tại cuộc làm việc với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng và các chuyên gia, đại diện Tổng cục Thủy lợi, Vụ Quản lý công trình thủy lợi, Tổng công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam hồi đầu tháng 6/2017, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cũng khẳng định: "Về xây dựng kè hai bên bờ sông Cầu Lựa chọn kè nghiêng có chân mái và kết hợp tạo cảnh quan khu vực để người dân dễ tiếp cận môi trường sông nước”.

Thế nhưng, trên thực tế, nhiều đoạn kè đã được nhà đầu tư đổ bê tông thẳng đứng, có nguy cơ làm hạn chế dòng chảy sông Cầu!

Hiện tại, theo quan sát thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, tuyến đê kè đứng do Tập đoàn Phúc Lộc và Cienco 8 đã “làm mẫu” đang thi công dang dở, cây dại mọc um tùm, máy móc nằm bất động. Đặc biệt, các cốt sắt để lâu ngày đã bắt đầu han rỉ.

Ở góc độ khác, liên quan đến việc thẩm định các hồ sơ, trao đổi với phóng viên, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Về bản vẽ thiết kế cơ sở và sơ bộ điều chỉnh các dự án số 1, 2, 3, 4, 6, 7 thuộc lĩnh vực của đơn vị này thẩm định, nhưng đến nay mới thẩm định được dự án số 1”.

Nhà đầu tư "sốt sắng" với các khu đất đối ứng

Việc Thái Nguyên đã gấp rút bàn giao 8 lô đất vàng trên địa bàn cho liên danh nhà thầu làm quyền lợi đối ứng ban đầu, dư luận băn khoăn rằng, có hay không việc các nhà thầu bất chấp thủ tục để tiến hành thi công dự án một cách chớp nhoáng rồi để đấy để được chính quyền sở tại “phê chuẩn” các khu đất đối ứng!?

Và nếu so sánh với các dự án BT còn đang “giậm chân tại chỗ” thì nhà đầu tư có vẻ quan tâm đến các khu đất đối ứng hơn. Bởi theo Văn bản số 3438/UBND-QHXD, ngày 15/8/2017 của UBND tỉnh Thái Nguyên thì: “Nhà đầu tư đề nghị được giao lập quy hoạch chi tiết 8 khu đất bao gồm: Khu đất trụ sở Công ty TNHH một thành viên Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên; Khu số 7; Khu số 8 Túc Duyên; Khu đô thị Linh Sơn, Huống Thượng; Khu Cao Ngạn Cổ Rùa; Quỹ đất dọc đường Bắc Sơn kéo dài vào khu Hồ Núi Cốc phường Thịnh Đán; Khu Công viên cây xanh TP. Thái Nguyên; Khu đô thị Nam Sông Cầu phường Quang Vinh”.

Hiện tại, nhà đầu tư đang thực hiện khảo sát, đề xuất cụ thể về vị trí, quy mô diện tích, tính toán giá trị các khu đất đối ứng, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh cho chủ trương lập quy hoạch chi tiết làm cơ sở để ký hợp đồng BT các dự án.

Với diễn biến trên, ý kiến của ông Tạ Quang Vinh, Phó cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) rằng, “cần đảm bảo yếu tố hài hòa giữa lợi ích của nhà đầu tư và của địa phương” là rất đáng cân nhắc trong quá trình triển khai đại dự án BT này.  

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan