Trạm thu phí trên đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện hữu.

Trạm thu phí trên đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện hữu.

Dự án Đầu tư mở rộng tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình: Rủi ro BOT "chồng" BOT

0:00 / 0:00
0:00
Có rất nhiều điểm cần được làm rõ trong phương án đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo phương thức (PPP) có sử dụng ngân sách nhà nước do UBND tỉnh Hòa Bình đề xuất.

Nhiều rủi ro pháp lý

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 6913/BKHĐT-KCHTĐT gửi Văn phòng Chính phủ tham gia ý kiến về đề xuất của UBND tỉnh Hòa Bình liên quan việc đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo phương thức đối tác công - tư (PPP) có sử dụng vốn ngân sách nhà nước. “Việc đầu tư, mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo quy mô đã được quy hoạch để giảm áp lực phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 6, đáp ứng nhu cầu vận tải trong tương lai là cần thiết”, Công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.

Đây là một trong số ít đề xuất của UBND tỉnh Hòa Bình nhận được sự đồng thuận cao của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kế hoạch nâng đời tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình thành tuyến cao tốc 6 làn xe, với nhiều cơ chế triển khai chưa có tiền lệ.

Với đề xuất giao UBND tỉnh Hòa Bình làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo phương thức PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị địa phương thống nhất với Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), UBND TP. Hà Nội về các nội dung có liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

Theo đề xuất của UBND tỉnh Hòa Bình, Dự án Đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có chiều dài toàn tuyến khoảng 23,4 km, tổng mức đầu tư khoảng 8.168,544 tỷ đồng (đã bao gồm lãi vay là 392,248 tỷ đồng), thời gian thu hồi vốn khoảng 24 năm, thực hiện đầu tư xây dựng từ năm 2022 đến 2027.

Dự án đầu tư đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện hữu đã hoàn thành, đưa vào khai thác và thu phí hoàn vốn từ ngày 10/10/2018, thời gian hoàn vốn là 27 năm 6 tháng 9 ngày. Do vậy, để đảm bảo đường Hòa Lạc - Hòa Bình mở rộng được đầu tư hiệu quả, có tính khả thi và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng, các cơ quan liên quan phải xử lý được bài toán lợi ích giữa nhà đầu tư đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện hữu và nhà đầu tư dự án PPP mở rộng tuyến đường này.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trường hợp nhà đầu tư của đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện hữu được chọn để đầu tư mở rộng, sẽ có nhiều thuận lợi trong việc thống nhất về quy mô, phương án đầu tư, phương án tài chính, tính khả thi và lợi ích của các bên. Song trường hợp này có rủi ro nhất định nếu việc thực hiện đường Hòa Lạc - Hòa Bình mở rộng nằm ngoài khả năng tài chính và năng lực của nhà đầu tư hiện hữu.

Nếu nhà đầu tư đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện hữu và đường Hòa Lạc - Hòa Bình mở rộng là khác nhau, phức tạp còn lớn hơn. Việc thỏa thuận, thống nhất chuyển đổi nghĩa vụ phải được thực hiện trước khi tiến hành nghiên cứu, lập dự án mới để tránh tranh chấp, khiếu nại.

Đề xuất chưa có tiền lệ

Đầu tháng 9/2021, UBND tỉnh Hòa Bình đã có Tờ trình số 163/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Theo đó, UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh này là cơ quan có thẩm quyền với Dự án đầu tư đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện hữu nhằm tạo điều kiện cho tỉnh có căn cứ mua lại Dự án để tiếp tục đầu tư mở rộng tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Liên quan đến đề xuất này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để có cơ sở xem xét việc chuyển giao, cần lấy ý kiến của Bộ GTVT và nhà đầu tư. Trường hợp Bộ GTVT thống nhất đề xuất Thủ tướng xem xét giao UBND tỉnh Hòa Bình là cơ quan có thẩm quyền với đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện hữu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ GTVT làm rõ căn cứ pháp lý, điều kiện để chuyển giao; thủ tục, trình tự chuyển giao thẩm quyền quản lý và ký kết hợp đồng với nhà đầu tư; thỏa thuận thống nhất giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện hữu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, hiện chưa có quy định về việc mua lại dự án BOT hiện hữu. Bên cạnh đó, tại Tờ trình số 163/TTr-UBND, UBND tỉnh Hòa Bình không nêu cụ thể các trường hợp dự án BOT cần mua lại. “Để có cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cần làm rõ chủ thể mua lại dự án BOT hiện hữu (nhà nước hay tư nhân), nguyên nhân phải mua lại dự án BOT và căn cứ hợp đồng đã ký kết trong từng trường hợp cụ thể”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu.

Được biết, tại Công văn số 11026/BTC–ĐT gửi Văn phòng Chính phủ cuối tháng 9/2021, Bộ Tài chính cho rằng, Dự án giai đoạn I đang được nhà đầu tư vận hành, khai thác theo hợp đồng đã ký, đồng thời nội dung kiến nghị của UBND tỉnh Hoà Bình chưa làm rõ cơ sở pháp lý, tính khả thi về nguồn vốn khi thực hiện phương án mua lại phần vốn BOT Dự án giai đoạn I.

“Do đó, không có cơ sở pháp lý để xem xét với đề xuất nêu trên của UBND tỉnh Hoà Bình”, ông Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Tin bài liên quan