Dự án hạ tầng giao thông TP.HCM: Kỳ vọng vào nhà đầu tư nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
Sau nhiều năm mời gọi đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến rồi đi, nhưng TP.HCM vẫn đặt kỳ vọng vào nhà đầu tư ngoại.
Đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi (nay là đường Phạm Văn Đồng) được xây dựng bởi nhà đầu tư Hàn Quốc theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng. Ảnh: Anh Quân

Đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi (nay là đường Phạm Văn Đồng) được xây dựng bởi nhà đầu tư Hàn Quốc theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng. Ảnh: Anh Quân

Tiếp tục đặt kỳ vọng vào nhà đầu tư ngoại

Sau khi Nghị quyết 98/2023/QH15 có hiệu lực từ tháng 8/2023, TP.HCM vận dụng các cơ chế mới để mời gọi đầu tư quốc tế vào các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Mới đây, UBND TP.HCM yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông và Sở Giao thông - Vận tải rà soát lại các dự án hạ tầng giao thông có tính khả thi để chuẩn bị mời gọi đầu tư quốc tế.

Qua rà soát, TP.HCM dự kiến mời gọi đầu tư quốc tế xây dựng các tuyến xe buýt nhanh (BRT) số 2, 3 hoặc 4; xây dựng Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thông minh. Đối với đường sắt đô thị, dự kiến mời gọi đầu tư tuyến metro số 4 và 4B; lắp đặt và tích hợp hệ thống vé thông minh; các giải pháp liên quan tới TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng). Về đường thủy nội địa, mời gọi đầu tư các hạng mục như nạo vét luồng tuyến, xây dựng cảng sông, cảng container các trung tâm logistics.

Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội nghị kêu gọi đầu tư quốc tế cho các dự án hạ tầng trọng điểm của Thành phố trong tháng 12/2023. Chính quyền TP.HCM cho rằng, đây là cơ hội để Thành phố chủ động hơn trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư vào các dự án hạ tầng.

Đây không phải là lần đầu tiên, TP.HCM mời gọi đầu tư quốc tế vào các dự án hạ tầng giao thông, mà việc này đã thực hiện từ những năm trước, song các dự án này đều bị “ế hàng”. Năm ngoái, TP.HCM đưa ra danh mục 197 dự án kêu gọi đầu tư với tổng vốn 943.937 tỷ đồng (tương đương 42,8 tỷ USD), trong đó lĩnh vực hạ tầng chiếm hơn một nửa, với 533.685 tỷ đồng (tương đương 24,2 tỷ USD). Tuy nhiên, 197 dự án này đều không tìm được nhà đầu tư.

Không khả thi

Thực tế những năm trước, một số tập đoàn nước ngoài đã đến tìm hiểu và đề xuất rót vốn vào các dự án giao thông của TP.HCM, như Tập đoàn GS E&C (Hàn Quốc), Tập đoàn Wijaya Baru (Malaysia). Dù đã ký các biên bản ghi nhớ để thực hiện dự án, nhưng sau khi nghiên cứu, nhà đầu tư đã “một đi không trở lại”.

Nhà đầu tư hỏi gì cũng kẹt, hỏi gì cũng không biết, thì làm sao kêu gọi đầu tư? Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, thì nhà đầu tư cũng chán nản, có kêu gọi thì họ cũng không tới nữa.

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM

Là người từng tư vấn cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư hạ tầng tại Việt Nam, ông Lê Ngọc Ánh Minh, Chủ tịch điều hành Công ty TNHH Pacific Group cho biết, đầu tư các dự án hạ tầng giao thông cần vốn rất lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn kéo dài 15 - 25 năm, nên khá nhiều rủi ro có thể xảy ra. Đặc biệt, vấn đề giải phóng mặt bằng rất chậm trễ, khiến dự án bị đình trệ.

Theo ông Minh, khi tìm hiểu đầu tư vào dự án hạ tầng tại TP.HCM, các nhà đầu tư nước ngoài đều mong muốn chính quyền bảo lãnh, cam kết và xử lý ngay vấn đề phát sinh khi xảy ra để dự án không bị đình trệ, vì thực tế cho thấy, các dự án vốn vay nước ngoài trên địa bàn Thành phố đều chậm tiến độ nhiều năm.

“Để thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, Thành phố phải có cơ chế rõ ràng về giải phóng mặt bằng, đốc thúc tiến độ, giải quyết các vướng mắc của nhà đầu tư một cách nhanh chóng, thì mới có thể thu hút được doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)”, ông Minh đề xuất.

Ngoài vấn đề giải phóng mặt bằng nan giải, quy định pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) áp dụng cho dự án giao thông vẫn còn nhiều bất cập, còn các nội dung chồng chéo, vướng mắc giữa Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư với các luật khác như Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Vấn đề doanh nghiệp đánh giá yếu nhất là các thông tin về các dự án quá sơ sài, khi chỉ có vài thông tin cơ bản, như tên dự án, địa điểm, tổng vốn dự kiến, cơ quan liên hệ. Các thông tin quan trọng nhất mà nhà đầu tư cần như đất đã giải phóng mặt bằng hay chưa, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi gì, hình thức hợp tác ra sao… thì không được cung cấp một cách đầy đủ. Trong cuộc họp với các sở, ngành, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã rất gay gắt: “Nhà đầu tư hỏi gì cũng kẹt, hỏi gì cũng không biết, thì làm sao kêu gọi đầu tư? Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, thì nhà đầu tư cũng chán nản, có kêu gọi thì họ cũng không tới nữa”.

Theo các chuyên gia, giải pháp khả thi nhất hiện nay để huy động vốn làm hạ tầng là đấu giá quỹ đất, phát hành trái phiếu đô thị, trái phiếu chính quyền địa phương, thay vì trông chờ vào nguồn vốn quốc tế.

Bà Lê Ngọc Thùy Trang, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) cho rằng, đầu tư các tuyến metro phụ thuộc vào vốn vay ODA là không khả thi, vì nếu cộng tất cả các phí lại, thì lãi suất cao hơn rất nhiều so với lãi vay ngân hàng thương mại. “Giải pháp khả thi hiện nay là đấu giá đất dọc đường metro, cùng với phát hành trái phiếu đô thị, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu công trình”, bà Trang đề xuất.

Tin bài liên quan