Ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài: Dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc không đồng nghĩa với nhà đầu tư rời bỏ Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, có 2 lý do lớn khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam suy giảm trong thời gian gần đây, nhưng lại ít được “nhận diện”.

Dòng vốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc “ưu ái” Việt Nam

Trong phiên thảo luận “Thúc đẩy dòng vốn mới” tại Tại Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 15/5, ông Đỗ Văn Sử cho biết, FDI đã có những đóng góp quan trọng và không thể tách rời khỏi nền kinh tế Việt Nam.

Trong cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài mới diễn ra gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết mạnh mẽ sẵn sàng đồng hành với các nhà đầu tư, đưa ra chỉ đạo kịp thời xử lý dứt điểm các tồn tại và thách thức mới. Mục tiêu là thu hút được dòng vốn FDI Việt Nam mong muốn, tập trung vào việc có những tập đoàn lớn đầu tư công nghệ cao, phát triển chuỗi giá trị, tạo giá trị lan toả, theo nguyên tắc 2 bên cùng thắng.

Hiện tại, Việt Nam đang có cơ hội để nhận chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc. Thực tế, việc chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc đã diễn ra cách đây hơn 10 năm, bắt đầu từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc… Sau đó xảy ra xung đột thương mại Mỹ - Trung khiến các nhà đầu tư chuyển dịch để né các chính sách thuế, các biện pháp phòng hộ thương mại giữa 2 cường quốc. Tới khi đại dịch diễn ra dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng, dòng vốn tiếp tục dịch chuyển để đảm bảo chuỗi cung ứng không lặp lại khả năng đứt gãy như thời kỳ đầu đại dịch.

“Tuy nhiên, dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc không đồng nghĩa với nhà đầu tư rời bỏ Trung Quốc. Mọi người đang đồng nhất 2 khái niệm với nhau, nhưng như vậy không đúng. Dòng vốn có dịch chuyển, nhưng không rời bỏ. Các số liệu thống kê cho thấy, từ 2018 trở lại đây, bình quân mỗi năm vốn nước ngoài vào Trung Quốc tăng thêm 10 tỷ USD. Năm 2022 đạt đỉnh 172 tỷ USD/năm, trong khi năm 2018 là 110 tỷ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất quan tâm tới thị trường Trung Quốc là nhóm tới từ châu Âu, tiến độ tăng bình quân khoảng 90%/năm, riêng Đức là 52%. Sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc là rất lớn, nhà đầu tư không thể từ bỏ”, ông Đỗ Văn Sử cho biết.

Tất nhiên, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia Đông Nam Á đã được hưởng lợi từ sự dịch chuyển dòng vốn. Qua một số khảo sát và tư vấn quốc tế, 64% các nhà đầu tư khi dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc cân nhắc tới thị trường Đông Nam Á và quá nửa số này cân nhắc thị trường Việt Nam, với vị thế trung tâm logistics Đông Nam Á.

Đầu tư mới chững lại

“Đầu tư mới vào Việt Nam trong 3 năm trở lại đây có sự chững lại. Năm 2019, khi chúng ta xây dựng văn bản và trình duyệt Nghị quyết 50 về định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có đưa ra con số tham vọng. Trong giai đoạn 2021-2025, chúng ta kỳ vọng mỗi năm thu hút được 30-35 tỷ USD. Giai đoạn 2026-2030 thu hút được 40 tỷ USD mỗi năm. Đây là mục tiêu được đặt ra trước khi đại dịch và các biến động địa chính trị xuất hiện”, ông Sử chia sẻ.

Phiên thảo luận “Thúc đẩy dòng vốn mới”

Phiên thảo luận “Thúc đẩy dòng vốn mới”

Dòng vốn đầu tư nước ngoài năm 2021 biến động không lớn, nhưng 2022 và 2023 suy giảm khá mạnh so với các năm trước. Nguyên nhân thứ nhất là do đại dịch. Thứ hai là biến động địa chính trị dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng, tiêu dùng tại các thị trường châu Âu và Mỹ giảm sút; nền kinh tế lạm phát, thắt chặt tiền tệ, nhu cầu mua sắm giảm…, khiến các đơn hàng của Việt Nam cũng đi xuống.

Tuy nhiên, còn 2 yếu tố rất quan trọng mà ít được chú ý đến. Đầu tiên, về số lượng dự án, không những không chững lại mà còn gia tăng, bình quân tăng 16-22% so với cùng kỳ năm trước. 1 dự án có giá trị bình quân 15-16 triệu USD, nhưng con số kích tổng vốn đầu tư lên nhanh là các dự án khổng lồ tỷ đô.

Số lượng giảm là do các tập đoàn lớn, những “khủng long”, “đại bàng” đứng ngoài quan sát tác động của thuế tối thiểu toàn cầu. Các tập đoàn lớn là đối tượng chịu ảnh hưởng chính nên đang trong giai đoạn cân nhắc, dè chừng, xem xét lại để xem các phản ứng chính sách của các quốc gia.

“Trong thời gian 1-2 tháng tới, từ phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư chắc chắn sẽ có những giải pháp cụ thể, rõ ràng liên quan tới thuế tối thiểu toàn cầu để không ảnh hưởng tới dòng vốn đầu tư. 3 mục tiêu chính đặt ra là giữ chân nhà đầu tư hiện hữu, đủ sức hấp dẫn với nhà đầu tư mới và đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế”, ông Sử chia sẻ.

Yếu tố thứ hai ít được để ý, đó là việc mất giá của đồng tiền bản tệ, mà các quốc gia thuộc Top 5 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam đã trải qua. Tính tới cuối năm 2022, đồng yên mất giá 27%, đồng won mất giá 22%. Với tỷ giá suy giảm như vậy, vốn đầu tư ra nước ngoài đã chịu thiệt hại tương ứng. Trong thời gian gần đây, vấn đề tỷ giá có sự hồi phục, nhưng trong giai đoạn 2021-2022 thì tác động thực tế rất lớn.

“Dự án càng lớn thì sự mất cân đối vì chênh lệch tỷ giá khi đầu tư ngoại tệ càng lớn. Dẫn tới nhà đầu tư trì hoãn các quyết định đầu tư và Việt Nam đã chịu tác động”, ông Sử cho biết.

Tin bài liên quan