Dự án kéo dài, chủ đầu tư cũng “khóc”

Dự án kéo dài, chủ đầu tư cũng “khóc”

(ĐTCK) Việc triển khai dự án kéo dài không chỉ khiến khách hàng hoang mang, mà ngay cả chủ đầu tư cũng hết sức lo lắng.

Câu chuyện khách hàng đầu tư đón đầu một dự án bằng hình thức góp vốn với chủ đầu tư không phải là mới trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, khi dự án bị chậm tiến độ hoặc không thể triển khai vì một lý do nào đó, thì những khách hàng này là người chịu thiệt. Đơn cử như câu chuyện xảy ra tại dự án 

Golden Mall (quận 9, TP.HCM) do Công ty cổ phần Hải Nhân (gọi tắt là Công ty Hải Nhân) làm chủ đầu tư.

Cuối tháng 3/2006, bà Lê Thị L. C. có ký hợp đồng hợp tác đầu tư với đại diện chủ đầu tư là bà Nguyễn Ngọc Thanh Huyền, Giám đốc Công ty Hải Nhân, tổng giá trị hợp đồng là 858 triệu đồng. Đổi lại, Công ty Hải Nhân cam kết sẽ bàn giao lại cho khách hàng 1 nền biệt thự tại dự án với diện tích 200 m2. Thời gian thực hiện dự án và bàn giao nền cho khách hàng là 24 tháng kể từ khi ký hợp đồng, phù hợp với tiến độ thực hiện dự án đầu tư hạ tầng chính.

Sau đó, bà C. có chuyển nhượng lại lô đất này cho ông Trương Thế V. Ông V. tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của bên góp vốn dưới hình thức ký Giấy thỏa thuận đổi tên người tham gia hợp đồng hợp tác và đã được Công ty Hải Nhân chấp thuận, xác nhận. Tuy nhiên, đến nay qua nhiều năm, khách hàng vẫn chưa nhận được đất như cam kết trong hợp đồng đã ký.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông V. cho biết, sau khi nhận chuyển nhượng lại từ khách hàng trước, ông đã đóng tiền lên tới 70% giá trị hợp đồng, nhưng không hiểu vì lý do gì, sau nhiều năm chờ đợi, chủ đầu tư vẫn chưa thể giao nền đất như cam kết.

“Để giải quyết vấn đề này, tôi và đại diện chủ đầu tư đã từng ngồi lại làm việc với nhau nhiều lần, nhưng hai bên không tìm được tiếng nói chung”, ông V. nói.

Chung cảnh ngộ, bà Đinh T.T. có mua lại hợp đồng góp vốn của 1 khách hàng đã ký trước đó với giá gần 1,2 tỷ đồng. Hai bên cùng ký Giấy thỏa thuận đổi tên người tham gia hợp đồng, có văn bản xác nhận của Công ty Hải Nhân. Bà T. sau đó tiếp tục đóng tiền theo đúng thỏa thuận, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa giao đất.

Theo bà T., việc chủ đầu tư chậm trễ giao đất đang khiến nhiều khách hàng rơi vào cảnh khốn đốn, có đất mà vẫn phải đi ở trọ, hàng tháng vẫn phải trả lãi ngân hàng. Một số khách hàng đã làm việc với chủ đầu tư và đồng ý nhận lại tiền góp vốn, nhưng một số khách hàng chưa đồng ý với phương án của chủ đầu tư đưa ra, vì sau hơn 10 năm, số tiền họ nộp đã mất giá rất nhiều, trong khi giá đất cũng tăng gấp nhiều lần.

Hay như câu chuyện của ông Hoàng Quốc V., khách hàng của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai tại dự án Khu dân cư lô số 4 - Khu 6B (Khu dân cư 6B) thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Dự án kéo dài, chủ đầu tư cũng “khóc” ảnh 1

Tiến độ dự án bị kéo dài, nên những nền đất trị giá bạc tỷ hiện chỉ để cỏ mọc um tùm

Ông V. cho biết, năm 2007, ông có ký hợp đồng mua lại 1 lô đất có diện tích 125 m2 với giá hơn 4 tỷ đồng của bà Lê Thị Diệu Minh - người trực tiếp ký hợp đồng góp vốn mua nền đất với Công ty Quốc Cường Gia Lai tại Dự án Khu dân cư 6B. Khi ông V. ký hợp đồng mua lại lô đất này, đại diện Công ty Quốc Cường Gia Lai lúc đó là ông Nguyễn Quốc Cường, Phó tổng giám đốc đã đứng ra xác nhận và chủ đầu tư thu hơn 4 triệu đồng tiền phí chuyển nhượng.

“Trong hợp đồng ghi rõ, Công ty Quốc Cường Gia Lai sẽ hoàn thành xây dựng hạ tầng để giao mặt bằng cho khách hàng trong 5 tháng kể từ ngày ký hợp đồng, nhưng đến nay, đã hơn 10 năm trôi qua mà tôi vẫn chưa nhận được nền đất để xây dựng, dù đã nhiều lần liên hệ với phía chủ đầu tư để giải quyết”, ông V. nói và cho biết thêm, theo bản đồ khu đất thì không chỉ cá nhân ông, mà còn các khách hàng mua 72 lô đất khác cũng chịu tình cảnh tương tự.

Lý giải về việc chậm tiến độ tại dự án Golden Mall, ông Hoàng Văn Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty Hải Nhân cho biết, có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc mở rộng đường vành đai 2, nên buộc Công ty phải điều chỉnh lại quy hoạch.

Ngoài ra, trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng, có một số hộ dân không đồng ý di dời, còn một số hộ khác lại đưa ra mức bồi thường quá cao, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Do đó, phía Công ty đã tiến hành họp Hội đồng quản trị và đưa ra phương án là xin điều chỉnh lại ranh dự án, cắt bỏ một phần dự án tại vị trí có hộ dân không đồng ý di dời.

Cũng theo vị đại diện công ty này, hiện UBND TP.HCM đã họp liên ngành, giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với các ban ngành xem xét, chấp thuận cho việc điều chỉnh ranh này.

Ông Dũng cũng thừa nhận, do chưa được cơ quan chức năng chấp thuận phê duyệt, nên hiện tại dự án vẫn chưa được giao đất, do đó không thể triển khai dự án đúng theo tiến độ.

Còn tại dự án Khu dân cư 6B, đại diện Công ty Quốc Cường Gia Lai cho biết, trong quá trình thực hiện, có một phần đất của dự án tại vị trí mặt tiền đường Nguyễn Tri Phương nối dài bị người dân tái lấn chiếm, nên việc thực hiện dự án bị đình trệ. Công ty đã rất nhiều lần gửi đơn xin can thiệp đến Ban quản lý khu Nam và đơn vị này cũng đã tổ chức nhiều lần họp với UBND huyện Bình Chánh, nhưng vẫn không giải quyết được.

“Chúng tôi đã gửi đơn đi rất nhiều lần, đến nay đã gần 10 năm, nhưng vẫn không được giải quyết. Hiện nay, ngoài việc phải trả tiền đất công cho Nhà nước, Công ty còn phải trả tiền đền bù cho các hộ tái lấn chiếm. Điều đáng nói là các hộ dân đang tranh chấp lẫn nhau trên các thửa đất nhà phố này, chúng tôi không biết phải đền bù cho ai là đúng, bởi việc tranh chấp này vẫn chưa được tòa án giải quyết”, ông Nguyễn Văn Trường, Phó giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai chia sẻ.

Cũng theo vị lãnh đạo doanh nghiệp này, dự án bị chậm tiến độ nên Công ty đã thỏa thuận với các cá nhân ký hợp đồng góp vốn trước đây để chấm dứt hợp đồng góp vốn và Công ty bồi thường thỏa đáng cho đối tác ký hợp đồng. Cụ thể, đã có 60/70 cá nhân ký hợp đồng góp vốn thực hiện thanh lý hợp đồng và nhận lại tiền với mức tiền nhận lại gấp 2 lần giá một lô đất liền kề tại thời điểm nhận góp vốn. Đây là mức bồi thường rất cao mà chủ đầu tư phải chấp nhận để đối tác không thiệt thòi.

“Chỉ còn một số ít người góp vốn chưa thỏa thuận xong do yêu cầu bồi thường hợp đồng không hợp lý và Công ty đang tiếp tục thỏa thuận để giải quyết theo hướng có lợi cho đối tác, nhưng không thiệt hại cho Công ty”, đại diện Công ty Quốc Cường Gia Lai nói và cho biết thêm, bên cạnh sự nỗ lực và cố gắng của doanh nghiệp, thì cũng rất mong nhận được sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng. Bởi việc tiến độ dự án kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến khách hàng, mà chính những chủ đầu tư cũng là người chịu thiệt, thậm chí, việc này còn ảnh hưởng đến bức tranh chung của thị trường bất động sản.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan