Tỷ giá cuối năm 2020 được dự báo nằm trong khoảng 23.300-23.600 đồng/USD.

Tỷ giá cuối năm 2020 được dự báo nằm trong khoảng 23.300-23.600 đồng/USD.

Dự báo tỷ giá cuối năm: Áp lực từ thị trường quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ổn định trong nửa đầu năm, nhưng các yếu tố bất định từ thế giới có thể gây áp lực lên tỷ giá trong nửa cuối năm nay.

Xu hướng găm giữ ngoại tệ không xuất hiện trở lại

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Chính sách công và quản lý Trường Fulbright cho biết, ngoại trừ tháng 3, tỷ giá các tháng còn lại trong nửa đầu năm 2020 hầu như không có biến động.

Cùng các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc dự trữ ngoại hối ở mức cao đã đưa đến sự tự tin trong điều hành, giúp tỷ giá dần ổn định trở lại.

NHNN chưa phải bán ngoại tệ để can thiệp thị trường. Theo đó, tỷ giá trung tâm tăng 0,32%; tỷ giá mua/bán của ngân hàng thương mại tăng 0,3%; tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng tăng 0,16%.

Thực tế, thị trường ngoại hối trong quý II/2020 có xu hướng ổn định trở lại sau giai đoạn căng thẳng đột ngột vào cuối tháng 3.

Từ mức đỉnh 23.650 đồng/USD, tỷ giá đã giảm nhanh chóng và dao động ở mức 23.200 đồng/USD vào thời điểm cuối tháng 6.

Trên thị trường tự do, tỷ giá giao dịch cũng hạ nhiệt về mức 23.190- 23.220 đồng/USD, qua đó thu hẹp mặt bằng giá giữa 2 thị trường trở về mức tương đương.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB nói: “Yếu tố căn bản đã tạo nên bước giảm 'ngoạn mục' của tỷ giá trong quý II đến từ chính nền tảng cân đối cung cầu ổn định và tâm lý vững vàng của thị trường trong nước”.

Trái ngược với tình hình bất lợi tại nhiều quốc gia do tác động của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn duy trì được cân đối cung cầu ngoại tệ ở trạng thái tích cực trong quý II/2020 với mức thặng dư ước tính vào khoảng 500-800 triệu USD.

Đáng chú ý, cán cân thương mại ghi nhận mức xuất siêu khoảng 500 triệu USD, cho dù kim ngạch xuất nhập khẩu giảm mạnh khoảng 9% so với cùng kỳ 2019.

Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt khoảng 4,8 tỷ USD, chỉ giảm khoảng 4% so với kết quả năm 2019; hoạt động mua bán, tăng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài diễn ra khá sôi động, góp phần bổ sung tích cực cho nguồn cung ngoại tệ trong nước, tiêu biểu như giao dịch mua bán vốn của Vinhomes (ước tính khoảng 650 triệu USD).

Trên thị trường ngoại hối, USD giảm khá mạnh khoảng 3% vào giai đoạn cuối tháng 5, xuống mức 96-97 do tâm lý lo ngại về đại dịch giảm bớt đến từ những biện pháp đối phó mạnh tay tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Diễn biến của USD cùng với căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt cũng giúp tỷ giá USD/CNY ổn định trở lại trong biên độ khoảng 7-7,1; qua đó phần nào giảm bớt áp lực cho thị trường trong nước giai đoạn vừa qua.

TS. Nguyễn Xuân Thành cho biết, tính đến giữa tháng 7/2020 so với thời điểm 31/12/2019, tỷ giá VND biến động trong khoảng 0,1-0,3% so với USD.

Trong khi đó, các đồng tiền khác, đặc biệt trong khu vực ASEAN, đều mất giá mạnh so với USD như SGD -3,26%, THB -3,87%, MYR -4,4%, KRW -2,44%, CNY -1,55%...

“Các nước trong khu vực ASEAN để đồng tiền của mình mất giá với kỳ vọng chủ động tài chính, bơm mạnh tiền vào nền kinh tế, cùng với đó là giữ cạnh tranh cho xuất khẩu”, ông Thành nói.

Một lãnh đạo cao cấp BIDV nhận định: “Tâm lý vững vàng của thị trường trong trong nước đóng vai trò là bệ đỡ quan trọng cho sự ổn định của tỷ giá trong giai đoạn vừa qua. Kết quả phòng chống dịch trong nước thành công, triển vọng lạc quan trong thu hút dòng vốn nước ngoài cùng niềm tin vào chính sách điều hành của NHNN là những yếu tố then chốt góp phần tạo lập trạng thái vững chãi hiếm có cho tâm lý thị trường, khiến xu hướng găm giữ ngoại tệ - vốn là yếu tố gây áp lực lớn lên tỷ giá trước đây chưa xuất hiện trở lại”.

2020: Tỷ giá dự kiến tăng 1,5-2%

Một nghiên cứu của Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV nhận định, trong quý III/2020, thị trường ngoại hối trong nước dự kiến duy trì ổn định khi các yếu tố hỗ trợ trong quý II tiếp tục thuận lợi. Theo đó, tỷ giá có thể trong xu hướng đi ngang với biên độ 23.180-23.200 đồng/USD.

Dự kiến trong quý III, thanh khoản USD liên ngân hàng sẽ duy trì xu hướng ổn định với lãi suất bình quân quanh mức 0,1-0,3%/năm kỳ hạn qua đêm-1 tuần và 1-1,2/năm với kỳ hạn 1-3 tháng khi các yếu tố tác động nhìn chung chưa có nhiều thay đổi so với quý II/2020.

Nguyên nhân đến từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự báo duy trì lãi suất cơ bản ở mặt bằng thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế Mỹ trong năm 2020 dự kiến tăng trưởng âm 8% dưới tác động của dịch bệnh.

Ngoài ra, theo quan điểm mới đây của Chủ tịch Fed Jerome Powell, quá trình hồi phục của nền kinh tế Mỹ vẫn đang gặp nhiều yếu tố bất định và Fed sẽ làm mọi việc trong thẩm quyền để hỗ trợ nền kinh tế đi lên. Bên cạnh đó, thanh khoản USD trong nước dự kiến tiếp tục dồi dào khi bộ đệm chênh lệch huy động - cho vay USD ở trạng thái tích cực.

Một số vấn đề cần chú ý thời gian tới được Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV khuyến nghị, đó là diễn biến dịch bệnh Covid-19 và triển vọng cải thiện của hoạt động xuất nhập khẩu.

Tính đến ngày 14/7, thế giới đã có 13.229.075 người mắc Covid-19 và 574.977 người tử vong trên 215 quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca mắc bệnh.

Lo ngại về làn sóng dịch bệnh lần thứ 2 đã gia tăng sau khi tình hình dịch bệnh tại Mỹ, Brazil và Ấn Độ đang ngày càng trở nên căng thẳng.

Điều này có thể dẫn tới kết quả xấu nhất là dịch bệnh bùng phát trở lại, tình trạng phong tỏa trên phạm vi toàn cầu có thể sẽ lặp lại và giáng một đòn mạnh vào hy vọng phục hồi của kinh tế thế giới.

Theo đó, với kịch bản tiêu cực là dịch bệnh bùng phát trở lại trên toàn cầu - bao gồm cả Việt Nam, Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV cho rằng, cung cầu ngoại tệ sẽ thu hẹp về mức cân bằng hoặc thâm hụt nhẹ, tỷ giá có thể tăng lên mức 23.400 đồng/USD.

Ngược lại, khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn trên toàn cầu, nguồn cung ngoại tệ trở nên dồi dào hơn khi dòng vốn quay trở lại các thị trường mới nổi, mặt bằng tỷ giá có thể sẽ giảm về quanh mức giá mua của NHNN là 23.175 đồng/USD.

“Thặng dư tài khoản vãng lai dự kiến sẽ duy trì trong năm 2020 ở mức 2,6% GDP. Chúng tôi nhận thấy áp lực đến từ bên ngoài thấp trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên thế giới nới lỏng chính sách tiền tệ, dự trữ ngoại hối được cải thiện sẽ hỗ trợ sự ổn định của tiền đồng, nên dự báo tỷ giá cuối năm nay sẽ nằm trong khoảng 23.300-23.600 đồng/USD”, báo cáo vừa công bố của CTCK VNDirect nhận định.

TS. Nguyễn Xuân Thành nói: “Tiền đồng ổn định trong 6 tháng đầu năm, song vẫn tiềm ẩn rủi ro trong 6 tháng cuối năm bởi kiều hối giảm, vốn FDI giải ngân cũng giảm. Tuy nhiên, Việt Nam nếu cần có thể vay vốn từ các nhà tài trợ quốc tế”.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định, trong 6 tháng cuối năm, dự báo tỷ giá có thể chịu áp lực tăng giá từ những biến động từ thị trường quốc tế, song mức tăng sẽ không quá lớn bởi thứ nhất, dự trữ ngoại hối đầy đủ (đạt 84 tỷ USD tính đến cuối tháng 4/2020, tương đương gần 4 tháng nhập khẩu, cao hơn mức khuyến nghị dự trữ ngoại hối trung bình ở mức 3 tháng nhập khẩu đối với các nước đang phát triển);

Thứ hai, triển vọng tăng trưởng kinh tế tốt (Việt Nam là một trong số ít quốc gia được IMF, WB, ADB dự báo giữ được mức tăng trưởng dương trong năm 2020); thứ ba, thương mại dự kiến tiếp tục thặng dư, trong khi kiều hối có thể giảm 10-20% nhưng vẫn sẽ góp phần bổ sung nguồn ngoại tệ.

“Từ những yếu tố trên, tỷ giá năm 2020 được dự kiến tăng ở mức 1,5-2% so với cuối năm trước”, ông Lực nói.

Tin bài liên quan