Các công ty du lịch và hãng hàng không Việt Nam đang ráo riết chuẩn bị đón khách Trung Quốc.

Các công ty du lịch và hãng hàng không Việt Nam đang ráo riết chuẩn bị đón khách Trung Quốc.

Du lịch hối hả “đón sóng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành du lịch Việt Nam sau khi ngủ đông giai đoạn 2020 - 2022 đang hối hả chuẩn bị các điều kiện để đón du khách Trung Quốc sau gần 3 năm vắng bóng.

Chờ cú huých từ thị trường 1,4 tỷ dân

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông và Marketing, Công ty TST Tourist đánh giá, du khách Trung Quốc vốn là một nguồn khách truyền thống của ngành du lịch Việt Nam, sự trở lại của du khách nước này từ ngày 15/3/2023 sẽ là động lực quan trọng giúp ngành du lịch có thể hoàn thành mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023.

Ông Mẫn cho biết, các công ty du lịch đã và đang tất bật chuẩn bị sản phẩm tour, tuyến mới để thu hút du khách Trung Quốc. Sau đại dịch Covid-19, khách Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến mức độ an toàn, điểm tham quan mới, dịch vụ lưu trú, ăn uống. Lợi thế của du lịch Việt Nam là mở cửa sớm, từ ngày 15/3/2022, đến nay có thêm các điểm đến mới, cơ sở lưu trú mới. Các yếu tố này sẽ giúp du lịch Việt Nam thu hút khách đến từ đất nước hơn 1,4 tỷ dân.

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, thời gian qua, ngành du lịch đã tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón khách du lịch quốc tế, trong đó có khách Trung Quốc, bao gồm cả về cơ sở vật chất, sản phẩm, dịch vụ…

Việc nối lại hoạt động đón khách du lịch từ Trung Quốc sau thời gian dài vắng bóng vì nước này đóng cửa biên giới nhằm phòng chống dịch bệnh là tin vui đối với các doanh nghiệp lữ hành.

Việc Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn từ ngày 15/3/2022 được kỳ vọng sẽ tạo cú huých lớn cho ngành du lịch.

Trước đó, đất nước đông dân nhất thế giới này luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu khách quốc tế đến Việt Nam và có xu hướng gia tăng. Cụ thể, giai đoạn 2015 - 2019, lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam tăng 3,3 lần, từ 1,78 triệu lượt lên 5,8 triệu lượt; tỷ trọng trong tổng số lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng từ 23% năm 2015 lên 32% năm 2019.

Thông tin Trung Quốc dần dỡ bỏ chính sách “Zero Covid” và bắt đầu mở các tour cho khách du lịch đến Việt Nam đang đem lại sự hứng khởi mới cho ngành du lịch. Tại các điểm du lịch mà khách Trung Quốc ưa thích như Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Đà Nẵng), Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên

Giang)…, các cơ sở lưu trú, nhà hàng cũng tất bật chuẩn bị đón “sóng” du khách Trung Quốc. Tuy nhiên, sự trở lại của khách du lịch Trung Quốc được nhận định sẽ không diễn ra ồ ạt, mà tăng dần dần.

Mở rộng sang phân khúc cao cấp

Ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam đánh giá, thị trường khách du lịch Trung Quốc rất lớn, nhưng Việt Nam mới khai thác một góc nhỏ, phân khúc cao cấp hầu như chưa được khai thác (mức chi tiêu bình quân của du khách Trung Quốc tại Việt Nam là gần 900 USD/người/chuyến đi, trong khi mức chi tiêu bình quân của nhóm khách này khi đi du lịch nước ngoài khoảng 1.850 USD/người/chuyến đi).

Nhằm đón dòng khách trung cấp trở lên trong bối cảnh sắp có “sóng” khách Trung Quốc trở lại, nhiều doanh nghiệp du lịch đã chủ động lọc khách và nói không với tour 0 đồng - tình trạng khá phổ biến trong những năm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện.

“Chúng tôi sẽ tập trung vào phân khúc khách chi tiêu cao, số lượng thời gian lưu trú lâu dài, không hướng tới khách 0 đồng”, đại diện TST Tourist chia sẻ. Theo đó, Công ty sẽ tập trung vào đối tượng khách theo đoàn doanh nghiệp, doanh nhân của thị trường hơn 1,4 tỷ dân, chủ yếu đến từ Bắc Kinh, Thượng Hải và Thẩm Quyến. Để thu hút khách ở phân khúc cao cấp, doanh nghiệp sẽ có sản phẩm cao cấp chào bán được thiết kế riêng, sàng lọc khách qua công ty lữ hành từ đầu.

Về phía các hãng hàng không, đại diện Vietravel Airlines cho biết: “Trung Quốc là thị trường được kỳ vọng sẽ góp phần phục hồi ngành hàng không và du lịch Việt Nam nói chung, tập đoàn du lịch và hàng không Vietravel nói riêng. Hãng nhận thấy nhiều tín hiệu tích cực trước thông tin Trung Quốc sẽ mở các tour cho khách du lịch đến Việt Nam từ ngày 15/3/2023. Với lợi thế là thành viên của Tập đoàn Vietravel - sở hữu hệ sinh thái du lịch hoàn chỉnh với nhiều sản phẩm tour inbound và outbound (các chuyến du lịch cho khách nước ngoài đến Việt Nam và khách trong nước ra nước ngoài), Vietravel Airlines đã có kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước để sẵn sàng tiếp cận và phục vụ khối lượng lớn khách hàng tiềm năng, đặc biệt là trong dịp cao điểm hè”.

Xác định Trung Quốc mở tour du lịch với đối tượng khách đi theo đoàn, Vietravel Airlines đã ký hợp đồng thỏa thuận với một số đối tác để thực hiện các chuyến bay thuê chuyến (charter) từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại trong thời gian tới, tập trung vào các chặng bay giữa Hàng Châu, Thường Châu, Côn Minh với Cam Ranh.

Tương tự, Vietnam Airlines có kế hoạch tăng tần suất các chuyến bay, đồng thời khôi phục 9/10 đường bay kết nối Việt Nam và Trung Quốc trong tháng 4/2023; Vietjet Air tăng tần số các chuyến bay thuê chuyến (charter) từ Trung Quốc đến Cam Ranh lên 20 chuyến trong giai đoạn cuối tháng 3/2023; Bamboo Airways tiếp tục khai thác các chuyến bay thẳng kết nối Hà Nội với Thiên Tân, tần suất 1 chuyến/tuần.

Bên cạnh đó, Hãng hàng không China Southern của Trung Quốc có kế hoạch mở lại các đường bay thương mại đến Sân bay quốc tế Cam Ranh của Việt Nam và tăng dần số chuyến bay kể từ tháng 4/2023.

Đón nhận thông tin tích cực từ khách du lịch Trung Quốc, nhưng Vietravel Airlines nhận định, sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không trong nước và quốc tế sẽ gia tăng. Song song đó, việc đảm bảo an toàn bay và tuân thủ các quy định kiểm dịch, phòng dịch của hai nước là những thách thức không nhỏ.

Trong khi đó, các đơn vị lữ hành quan ngại một số quy định hiện hành về thời gian lưu trú và thị thực (visa). Hiện tại, visa du lịch có thời hạn không quá 3 tháng và thời gian tạm trú không quá 30 ngày. Các doanh nghiệp kiến nghị, Nhà nước cần kéo dài thời gian lưu trú, đồng thời có chính sách visa rộng mở, thông thoáng để thu hút khách quốc tế, tránh tình trạng khách đang du lịch ở Việt Nam hết thời hạn visa lại sang nước khác.

Về diện miễn visa, Việt Nam đang miễn cho 24 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi Thái Lan miễn cho gần 70 nước, Singapore, Malaysia, Philippines miễn cho hơn 150 nước; quy định về thời gian lưu trú tại Việt Nam thông thường là 15 ngày, trong khi Thái Lan quy định là 45 ngày.

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển”, Thủ tướng Chính phủ cho biết sẽ tăng số quốc gia được miễn visa khi nhập cảnh Việt Nam, kéo dài thời gian lưu trú với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử. Việt Nam cũng sẽ tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở rộng các đường bay thẳng kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng.

Năm 2019, khi đại dịch Covid-19 chưa xuất hiện, Việt Nam đón 18 triệu du khách quốc tế, bao gồm 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc. Giai đoạn ảnh hưởng bị dịch bệnh 2020 - 2022, số lượt khách nước ngoài đến Việt Nam chỉ đạt lần lượt 3,84 triệu, 0,16 triệu và 3,66 triệu.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón 1,8 triệu lượt khách quốc tế, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2019; 2 thị trường khách quốc tế lớn nhất lần lượt là Hàn Quốc (560.000 lượt) và Mỹ (148.000 lượt).

Về khách nội địa, năm 2019 đạt 85 triệu lượt, năm 2020 - 2021 giảm còn 56 triệu lượt và 40 triệu lượt do dịch Covid-19, năm 2022 tăng lên 97,6 triệu lượt; 2 tháng đầu năm 2023 đạt 20 triệu lượt, tăng 14% so với cùng kỳ. Du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ, nhưng mức chi tiêu của khách nội địa chỉ bằng khoảng 40% khách quốc tế.

Tin bài liên quan