Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển du lịch tàu biển, nhờ bờ biển dài, nhiều đảo, bãi biển đẹp . Ảnh: H.H

Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển du lịch tàu biển, nhờ bờ biển dài, nhiều đảo, bãi biển đẹp . Ảnh: H.H

Du lịch tàu biển sôi động ngay từ đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
Ngay trong tháng 1/2024, nhiều chuyến tàu biển quốc tế cập cảng Việt Nam, đưa hàng ngàn du khách trải nghiệm những hành trình xuyên Việt đầy lý thú.

Những tín hiệu vui

Gần đây nhất, ngày 7/1, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Công ty cổ phần Cảng Chân Mây và Công ty Lữ hành Saigontourist tổ chức đón đoàn khách đầu tiên đến Huế năm 2024 bằng đường hàng hải. Chuyến tàu du lịch Celebrity Solstice chở theo 2.700 du khách quốc tịch Anh, Pháp, Mỹ… đã cập cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế). Lữ hành Saigontourist khai thác và phục vụ nhu cầu tham quan du lịch của hơn 1.000 du khách trên tàu.

Trong vòng một ngày, các hành khách tham quan nhiều di tích văn hóa, điểm đến du lịch và thưởng thức dịch vụ ẩm thực tại Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua, cùng với việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật bến cảng, tỉnh đã tăng cường xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với khách du lịch tàu biển.

Cụ thể, tỉnh đã giao Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và ngành du lịch xây dựng chính sách kích cầu, hỗ trợ và lồng ghép một số sản phẩm du lịch truyền thống để phục vụ dòng khách này. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp với Đà Nẵng, Quảng Nam hình thành các tour du lịch để có thể chia sẻ sản phẩm du lịch địa phương phục vụ dòng khách đến khu vực miền Trung bằng tàu biển.

Sau thời gian dài bị ảnh hưởng và gián đoạn bởi Covid-19, các hãng tàu du lịch biển quốc tế đã bắt đầu hồi phục mạnh mẽ, nhiều công ty đã đăng ký đưa khách cập cảng Chân Mây. Trong năm 2023, có 25 chuyến tàu du lịch cập cảng Chân Mây và đưa theo khoảng 50.000 du khách quốc tế. Đến thời điểm hiện tại, đã có 32 lượt tàu du lịch với gần 60.000 du khách và hơn 22.000 thuyền viên đăng ký cập cảng Chân Mây trong năm 2024.

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch tàu biển có doanh thu cao hơn khoảng 40% so với du lịch đường hàng không hay đường bộ. Đó là một trong những lý do khiến du lịch tàu biển được các nước phát triển trên thế giới ưa chuộng và khai thác triệt để.

Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông (Công ty Lữ hành Saigontourist) cho biết, theo kế hoạch, trong tháng 1/2024, đơn vị này liên tục đón 3 chuyến tàu biển quốc tế Celebrity Solstice (thuộc Hãng Royal Caribbean Cruise Lines), mang theo gần 3.000 khách quốc tịch Mỹ, Canada, Anh, Australia… đến Việt Nam trong các ngày 5/1, 21/1 và 29/1, theo các hải trình xuyên Việt cập cảng Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) - Nha Trang - Huế - Hạ Long và Hạ Long - Huế - Phú Mỹ. Đồng thời, Công ty đón tàu biển Spectrum of the Seas (cũng thuộc Hãng Royal Caribbean Cruise Lines) đưa 3.500 khách đa quốc tịch đến Nha Trang - Phú Mỹ trong ngày 4 và 5/1/2024.

Theo bà Thanh Trà, tại từng cảng, các đoàn khách quốc tế của cả hai tàu biển trên sẽ chọn lựa các hành trình tham quan do Lữ hành Saigontourist cung cấp. Ngoài hành trình tại Huế như trên, tại Nha Trang, du khách tham quan các danh thắng văn hoá - lịch sử, trải nghiệm thiên nhiên và nghỉ dưỡng tại các bãi tắm đẹp nổi tiếng, đạp xe dạo quanh Thành phố để tìm hiểu cuộc sống của người dân Nha Trang. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM và miền Tây, du khách tham quan thành phố biển Vũng Tàu, trải nghiệm miền Tây sông nước tại Cái Bè hoặc khám phá TP.HCM sôi động. Tại Hạ Long, du khách được chiêm ngưỡng kỳ quan thiên nhiên thế giới - vịnh Hạ Long, trải nghiệm chèo thuyền kayak chiêm ngưỡng cảnh đẹp trong vịnh và các hang động kỳ vĩ…

Việc đón hàng loạt tàu biển quốc tế ngay từ đầu năm 2024 là tín hiệu tích cực, hướng tới một năm đầy lạc quan cho ngành du lịch quốc tế nói chung và du lịch tàu biển nói riêng của Việt Nam. Tính riêng Công ty Lữ hành Saigontourist đã đón và phục vụ hơn 50 chuyến tàu biển quốc tế đến các cảng lớn tại Việt Nam trong năm 2023.

“Những chuyến tàu biển này đánh dấu một mùa tàu biển quốc tế phục hồi ngoạn mục. Đây là kết quả của các hoạt động xúc tiến du lịch quốc tế và làm mới sản phẩm du lịch Việt Nam vốn được Công ty chú trọng và liên tục triển khai từ giữa năm 2022 đến nay. Đồng thời, các chính sách tích cực của Nhà nước và các bộ, ban, ngành trong việc tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi cho du khách quốc tế đến Việt Nam cũng bắt đầu phát huy hiệu quả, tạo tiền đề cho năm du lịch 2024 nhiều triển vọng”, bà Thanh Trà chia sẻ.

Cần gấp rút nâng cấp hạ tầng kỹ thuật

Theo Cục Du lịch quốc gia, trong tổng số 12,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 11 triệu lượt, chiếm 86,9%; bằng đường bộ đạt 1,5 triệu lượt, chiếm 12,1% và bằng đường biển đạt 126.100 lượt, chiếm 1%. Con số này cho thấy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường tàu biển hiện chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, ngành kinh tế xanh Việt Nam có rất nhiều lợi thế để thu hút dòng khách quốc tế có sức chi trả cao này, nhờ có vị trí địa lý thuận lợi trên tuyến giao thông hàng hải của khu vực.

Việt Nam sở hữu đường bờ biển dài 3.260 km, với hơn 4.000 hòn đảo, bãi đá ngầm, có nhiều vịnh, bãi biển đẹp, nhiều cảng nước sâu cho phép các tàu lớn neo đậu sát bờ. “Du lịch tàu biển trong thời gian qua trở thành một trong những loại hình phát triển mạnh nhất, góp phần thúc đẩy ngành kinh tế xanh tăng trưởng và nâng tầm thương hiệu trên thị trường quốc tế”, ông Tuấn nói.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định du lịch biển đảo là ưu tiên số 1. Tuy nhiên, “mỏ vàng” du lịch tàu biển không dễ khai thác, do những “rào cản” về hạ tầng cảng du lịch, nguồn nhân lực thiếu và yếu, hoạt động xúc tiến quảng bá chưa được chú trọng... Trong khi đó, hệ thống dịch vụ, kỹ thuật tại các cảng biển chưa đồng bộ, dẫn đến việc tàu khách không cập được cảng do phải nhường vị trí cho tàu chở hàng, ảnh hưởng đến uy tín điểm đến.

Không chỉ hạ tầng, việc tổ chức nhập cảnh tàu và khách du lịch mất rất nhiều thời gian, qua nhiều công đoạn hành chính không cần thiết, gây khó khăn cho doanh nghiệp lữ hành. Ngoài ra, ở một số cảng, du khách phải đi bộ rất xa mới đến được khu vực lên xe đón đi tham quan, ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách. Vì thế, các hãng lữ hành mong muốn hạ tầng kỹ thuật đón khách tàu biển cần sớm được nâng cấp để định vị Việt Nam là điểm đến của những siêu tàu.

Tin bài liên quan