Ảnh Internet

Ảnh Internet

Du lịch Việt bứt phá mạnh mẽ

(ĐTCK) 9 tháng đầu năm 2017, thị trường du lịch toàn cầu có xu hướng chuyển biến tích cực với mức tăng trưởng bình quân 4 - 5%, Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn với lượng khách quốc tế đến 9 tháng ước đạt gần 9,5 triệu lượt khách, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2016. 

Theo Tổng cục Du lịch thống kê, 9 tháng đầu năm tăng trưởng du lịch đóng góp 6,7% vào GDP cả nước, nếu ngành du lịch tăng trưởng 13% sẽ đóng góp 1% vào tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Đến năm 2020, ngành du lịch sẽ mang đến 2,5 triệu việc làm cho người lao động. 

Du lịch Việt bứt phá mạnh mẽ  ảnh 1

Trên sàn chứng khoán, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch có tốc độ tăng trưởng khả quan như CTCP Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (SKG) kết thúc quý III/2017 với lãi ròng 62 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; hay CTCP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (TCT) vừa thông qua việc chi trả cổ tức đợt 1/2017 bằng tiền mặt với tỷ lệ 40%, trong nửa đầu năm 2017, TCT đạt doanh thu thuần 120,4 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước và tương đương đạt 83% kế hoạch cả năm, TCT hiện đang được giao dịch ở mức 58.000 đồng/cp, tăng trưởng hơn 4% so với cùng kỳ năm trước; Công viên nước Đầm Sen (DSN) có tình hình kinh doanh ổn định liên tục trong nhiều năm. Chênh lệch giữa giá bán hàng và giá thành dịch vụ lớn giúp biên lợi nhuận ròng của DSN lên đến 42%…

Một doanh nghiệp du lịch khác cũng có hoạt động kinh doanh ấn tượng là Công ty Cổ phần Du lịch Thành Thành Công (VNG), đơn vị này vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2017 với điều đáng chú ý là lợi nhuận hợp nhất trước thuế 9 tháng đạt hơn 37,5 tỷ đồng, vượt 7% kế hoạch năm, lợi nhuận riêng Công ty mẹ đạt 10,5 tỷ đồng cũng đã vượt kế hoạch năm.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2017 vào tháng 4/2017, Công ty này đã lên chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận hợp nhất là 35 tỷ, lợi nhuận riêng 10,5 tỷ.

Xét tình hình khả quan hiện tại, khả năng sang quý 4/2017, VNG có thể tiếp tục đạt được kết quả kinh doanh tích cực, đặc biệt khả năng ghi nhận lợi nhuận đột biến từ việc thanh hoán một số tích sản, nhằm tái đầu tư nguồn vốn sang lĩnh vực khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vốn được đánh giá là nhiều tiềm năng hiện nay.

VNG hiện hoạt động trong các lĩnh vực lữ hành, lưu trú, trung tâm hội nghị và khu vui chơi giải trí, với hệ thống 3 khu vui chơi, 2 trung tâm hội nghị, hơn 10 khách sạn tiêu chuẩn 3 - 4 sao và 1 trung tâm lữ hành, phân bố ở các trung tâm du lịch trọng điểm như TP.HCM, Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt, Bến Tre... đón gần 2 triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, lưu trú hàng năm.

Tin bài liên quan