Dự phòng rủi ro của ngân hàng sẽ tăng trong quý IV?

Dự phòng rủi ro của ngân hàng sẽ tăng trong quý IV?

(ĐTCK) Tuy các ngân hàng công bố lợi nhuận tích cực trong 3 quý đầu năm, song nợ xấu của nhiều ngân hàng cũng có xu hướng tăng, kéo theo dự phòng rủi ro nợ xấu lớn hơn. 

Theo Bộ phận Phân tích CTCP Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISercurities), nếu như lợi nhuận quý I của ngành ngân hàng tăng vọt đến 57% so với cùng kỳ thì từ quý II đã chậm lại.

Tổng lợi nhuận quý III của các ngân hàng thấp hơn quý II do có nhiều đơn vị tăng trích lập dự phòng nợ xấu. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận của 18 ngân hàng niêm yết (tính thêm OCB sắp niêm yết) đạt 51.345 tỷ đồng, tăng 40,5% so với cùng kỳ và đóng góp 25% toàn thị trường.

Báo cáo của VISercurities cũng chỉ ra rằng, nợ xấu của nhiều ngân hàng đang tăng trở lại. Nợ xấu tính đến cuối quý III/2018 của các ngân hàng niêm yết tăng thêm gần 15.000 tỷ đồng so với đầu năm. Vì vậy, các ngân hàng gia tăng trích lập dự phòng cho vay đến hơn 20.000 tỷ đồng, tương ứng tăng tỷ lệ trích lập đến 42%.

Thực tế, chỉ có một vài ngân hàng có nợ xấu sụt giảm, tính đến hết quý III/2018 là Sacombank, Eximbank, ABBank và NamABank.

VAMC đặt mục tiêu xử lý tối thiểu 140.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua vào năm 2022; kế hoạch năm 2018 là xử lý 34.504 tỷ đồng dư nợ gốc; đã thu hồi 30.641 tỷ đồng trong năm 2017; đã bán 865 khoản nợ với giá 6.472 tỷ đồng và 4.865 tỷ đồng tài sản đảm bảo…   

Trong đó, Sacombank giảm hơn 2.300 tỷ đồng nợ xấu so với đầu năm, xuống còn hơn 8.000 tỷ đồng, tương đương mức giảm 22%. Theo đó, từ ngân hàng có lượng nợ xấu lớn thứ 2 hệ thống, Sacombank đã chuyển xuống vị trí thứ 4.

Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 9 là 3,18% trên tổng dư nợ, giảm so với mức 3,7% cuối quý III và 4,67% hồi đầu năm. Nợ xấu riêng ngân hàng mẹ Sacombank tính đến cuối tháng 9 chỉ còn 2,98%. Tuy nhiên, dự phòng rủi ro của Sacombank vẫn tăng hơn 5 lần trong 3 quý đầu năm lên mức 1.178 tỷ đồng, chiếm 47% lợi nhuận thuần của Ngân hàng.

Cuối tháng 9/2018, nợ xấu tại OCB là 1.429 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 864 tỷ đồng hồi đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,79% cuối năm 2017 lên 2,66% cuối tháng 9/2018.

Nguyên nhân được OCB cho biết là Ngân hàng mua lại nợ xấu từ VAMC và đang quá trình nỗ lực xử lý, tất toán trái phiếu VAMC. Hiện OCB chỉ còn nắm giữ 242 tỷ đồng trái phiếu của VAMC, giảm 67% so với thời điểm đầu năm. Chi phí hoạt động trong 9 tháng đầu năm của OCB tăng 43% lên 1.342 tỷ đồng; chi phí dự phòng tăng gấp rưỡi lên 548 tỷ đồng.

Các nhà băng lớn như BIDV, Vietinbank, VPBank có nợ xấu tăng khá mạnh trong 9 tháng đầu năm. Cụ thể, nợ xấu của BIDV tăng gần 3.000 tỷ đồng, lên 17.042 tỷ đồng; Vietinbank tăng hơn 3.100 tỷ đồng lên 12.127 tỷ đồng; VPBank tăng hơn 3.200 tỷ đồng lên 9.401 tỷ đồng.

Nợ xấu tăng đã khiến cho cả ba ngân hàng trên phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn. BIDV đã phải trích lập dự phòng tới hơn 14.300 tỷ đồng, khiến lợi nhuận 9 tháng chỉ còn hơn 7.200 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro trong quý III của VPBank tăng tới 69% so với cùng kỳ, lên tới 2.748 tỷ đồng…

Không thể phủ nhận sau hơn một năm triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, công cuộc xử lý nợ xấu, bán đấu giá tài sản lớn tồn đọng nhiều năm đã có những bước tiến lớn. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cho rằng, công tác xử lý nợ xấu vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Nợ xấu được rao bán, thậm chí giảm giá mạnh vẫn khó phát mãi tài sản.

Thực tế cho thấy, VAMC và nhiều ngân hàng đang ráo riết bắt tay xử lý nợ, thanh lý tài sản bảo đảm, trong đó nhiều khoản nợ lớn được hạ giá hàng trăm tỷ đồng vẫn khó bán.

Mới đây, VAMC thông báo đấu giá lần thứ 6 khoản nợ của Công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân với tổng dư nợ là 2.378 tỷ đồng tại BIDV Phú Tài. Giá khởi điểm chỉ còn 843,7 tỷ đồng, giảm 140 tỷ đồng so với trước đó và so với mức giá cao nhất đã giảm 364 tỷ đồng…

Một chuyên gia tài chính còn đưa ra nhận định, về cuối năm và nhất là sang năm 2019, khi nợ xấu từ các khoản cho vay bất động sản tăng sẽ kéo theo dự phòng rủi ro, ảnh hưởng lợi nhuận của ngành. Đó cũng chính là một trong những lý do để NHNN kiên định nâng hệ số rủi ro cho vay bất động sản được từ 150% lên 200% đầu năm 2018 và sang đầu năm 2019 tỷ lệ này được nâng lên 250%.

Lượng nợ xấu từng được “đẩy sang” VAMC nay lần lượt trở về vào đúng giai đoạn ngân hàng thương mại đạt lợi nhuận cao, nên phải tăng trích dự phòng.

Còn nhớ tháng 10/2013, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động ngân hàng Việt Nam, một đầu mối xử lý nợ xấu đặc thù ra đời - VAMC, mua lại nợ xấu các tổ chức tín dụng, nhưng không trả bằng tiền mặt, mà bằng trái phiếu đặc biệt với kỳ hạn 5 năm.

Tính từ tháng 10/2013 đến 31/12/2017, VAMC đã mua tổng dư nợ gốc nội bảng trên 307.930 tỷ đồng, giá mua nợ là 277.755 tỷ đồng. Từ năm 2018, công ty này đã hạn chế mua thêm, chuyển dần sang mua theo giá thị trường…

Đồng thời, VAMC đặt mục tiêu xử lý tối thiểu 140.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua vào năm 2022; kế hoạch năm 2018 là xử lý 34.504 tỷ đồng dư nợ gốc; đã thu hồi 30.641 tỷ đồng trong năm 2017; đã bán 865 khoản nợ với giá 6.472 tỷ đồng và 4.865 tỷ đồng tài sản đảm bảo…

Tin bài liên quan