Ngành xây dựng đã có mức tăng trưởng khá cao, khoảng 8%.

Ngành xây dựng đã có mức tăng trưởng khá cao, khoảng 8%.

Đưa dần về quỹ đạo

(ĐTCK) Những đề xuất cân nhắc không tiếp tục kéo dài việc áp dụng hỗ trợ lãi suất 4%/năm quá ngày 31/12/2009 tiếp tục được nhiều chuyên gia kinh tế Việt Nam đưa ra sau khi những khuyến cáo tương tự được các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới nhắc tới trong những khuyến nghị cho thực hiện chính sách 6 tháng cuối năm của Việt Nam. Ngoại trừ lý do cho rằng thiết kế gói hỗ trợ lãi suất giai đoạn hai chưa trúng mục tiêu, vẫn nặng về hồi sức cấp cứu thay vì tái cơ cấu DN, các chuyên gia kinh tế đã nhắc tới những tác động tiêu cực mà môi trường kinh doanh sẽ phải gánh chịu.

Ông Bùi Quang Tuấn, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, sự kéo dài một chính sách cấp cứu có thể sẽ làm méo mó môi trường kinh doanh, làm sai lệch các tín hiệu thị trường. Với gói hỗ trợ lãi suất có thời hạn 2 năm, phần lợi sẽ thuộc về các DN có thể tiếp cận được nguồn vốn này. Và đương nhiên sẽ có DN buộc phải chịu chi phí vốn cao hơn trong bối cảnh cạnh tranh tiếp tục nặng nề. Điều đáng nói là những DN có thể tiếp cận được nguồn vốn này nhiều khi không phải là những DN thực sự trông đợi vào nguồn vốn giá rẻ. Vì với nguyên tắc của nguồn vốn này, DN có quan hệ tốt với ngân hàng sẽ thuận lợi hơn nhiều, mà thường thì trong số này không nhiều DN nhỏ và vừa, một đối tượng cần hơn cả nguồn vốn hỗ trợ.

Khả năng tiếp cận nguồn tín dụng hỗ trợ lãi suất ngay từ gói kích cầu đợt 1 cũng đã tạo nên những sự không công bằng trong môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, vào thời điểm cấp cứu, sự đánh đổi là cần thiết để tạo điều kiện cho các DN vượt qua giai đoạn khó khăn.

Thời điểm hiện tại đã thay đổi. Lo ngại về tái lạm phát hoàn toàn có cơ sở khi chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khoá mở rộng cộng với sức ép lên cán cân thanh toán và tỷ giá sẽ đẩy tăng mức thâm hụt ngân sách. Việc tiếp tục tăng cung tiền cũng là yếu tố đẩy cao khả năng tái lạm phát nếu thiếu cẩn trọng trong thực hiện. Như vậy, việc giới hạn và xác định lại thời điểm của gói hỗ trợ lãi suất một phần sẽ tạo điều kiện giảm bớt sức ép cung tiền, đồng thời thay đổi các điều kiện của môi trường kinh doanh theo hướng trở lại điều kiện cân bằng, tạo nền tảng để các tín hiệu thị trường quay trở lại một cách thực chất. Các DN lúc này sẽ tuỳ lực để tiếp cận các nguồn vốn nhằm tái cơ cấu, chuẩn bị nội lực cho giai đoạn hậu khủng hoảng, đón đầu các tín hiệu thị trường mới.

Cũng vào lúc này, đề xuất về bỏ trần lãi suất cũng đã được các chuyên gia Quỹ Tiền tệ quốc tế đưa ra với khuyến cáo càng sớm càng tốt. Còn giới chuyên gia kinh tế Việt Nam lại cẩn trọng hơn với đề nghị xem xét sớm tháo bỏ.

Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đây là vấn đề cần phải làm nhưng không nên quá vội vàng. "Nếu tình hình kinh tế vĩ mô không xấu đi, có thêm nhiều tín hiệu khả quan thì việc bỏ trần lãi suất nên xem xét vào khoảng 8 tháng nữa", ông Thành nói. Theo dự báo này, có nghĩa là vào khoảng thời điểm đầu quý II/2010, thị trường lãi suất có thể thay đổi. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của các DN, ngân hàng và cả môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Vào thời điểm này, những tín hiệu khá tốt trong hoạt động của các DN ngành xây dựng, dịch vụ đã nổi lên. Ngành xây dựng với thuận lợi nhờ gói kích cầu đầu tư đã có mức tăng trưởng khá cao, khoảng 8%, tiếp sau là dịch vụ với khoảng 6%. Ngành sản xuất công nghiệp vẫn chưa quá ngưỡng khó khăn. Rõ ràng, sự phân hoá trong khủng hoảng khá rõ rệt. Áp lực chính sách từ phía Chính phủ trong việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho các DN vượt khó tiếp tục đứng trước những câu hỏi mới không dễ trả lời. Việc trả lời các câu hỏi về kích cầu, kích thích kinh tế như thế nào và cụ thể làm gì cho giai đoạn tới sẽ quyết định rất lớn không chỉ các hoạt động của các DN, từng ngành nghề, lĩnh vực mà cả môi trường kinh doanh Việt Nam những năm tới…