Đức hoan nghênh động thái hỗ trợ của Trung Quốc đối với khuôn khổ cơ cấu nợ cho nước nghèo

Đức hoan nghênh động thái hỗ trợ của Trung Quốc đối với khuôn khổ cơ cấu nợ cho nước nghèo

(ĐTCK) Đức hoan nghênh sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với khuôn khổ tái cơ cấu nợ trong nhóm G20 đã được thể hiện rõ thông qua cuộc đối thoại tài chính lần thứ 3 tại Đức giữa hai quốc gia.

Trong tuyên bố chung sau cuộc Đối thoại tài chính giữa hai nước tại Frankfurt cuối tuần qua, Đức khẳng định hoan nghênh việc Trung Quốc thể hiện sự ủng hộ đối với khuôn khổ chung về tái cấu trúc nợ cho các nước nghèo của G20 vào năm 2020.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner nhấn mạnh sau cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc He Lifeng: “Chúng tôi hoan nghênh việc phía Trung Quốc cũng cam kết thực hiện điều này trong tuyên bố chung giữa hai nước, bởi vì các giải pháp sẽ không thể tưởng tượng được nếu không có Trung Quốc với tư cách là một bên tham gia quan trọng trong chính trị thế giới”.

Theo Reuters, Trung Quốc dự kiến ​​​​sẽ từ bỏ yêu cầu đối với các ngân hàng phát triển đa phương để chia sẻ tổn thất cùng với các chủ nợ khác trong tái cơ cấu nợ có chủ quyền cho các quốc gia nghèo.

Một số quốc gia như Đức cho rằng, với việc Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của nhiều quốc gia mắc nợ cao ở châu Phi và châu Á, Trung Quốc nên nhượng bộ để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nợ.

Đức và Trung Quốc cũng thể hiện quyết tâm mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường giữa hai nước thông qua cuộc đàm phán ngày 1/10 vừa qua.

“Điều này sẽ tạo ra cơ hội cho cả hai bên thực hiện hoạt động thương mại và đầu tư có trách nhiệm hơn”, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner nói.

Đồng thời, Trung Quốc cũng cho biết việc sẵn sàng hợp tác với Đức để "đôi bên cùng có lợi" và tiếp thêm năng lượng tích cực vào quan hệ đối tác giữa họ.

Đại diện cấp cao của các ngân hàng trung ương, cơ quan giám sát của các nước cũng như đại diện của các công ty đã tham dự cuộc Đối thoại tài chính lần thứ ba giữa Đức và Trung Quốc.

"Điều quan trọng cần phải nhấn mạnh rằng lần đầu tiên trong lịch sử Đối thoại Tài chính, chúng tôi đã thiết lập Hội nghị bàn tròn tài chính với đại diện của các tổ chức tài chính quan trọng và các công ty tư nhân", ông Lindner nói.

Đồng thời, ông Lindner đề xuất tăng tần suất đối thoại tài chính giữa Trung Quốc và Đức, tổ chức các cuộc họp này hàng năm thay vì hai năm một lần, vì cả hai nước đều mong muốn thúc đẩy tiến bộ nhanh hơn.

Vị Bộ trưởng này nhận định rằng trong chính trị, hai năm là một khoảng thời gian ngắn, nhưng trong vấn đề tài chính, hai năm là một khoảng thời gian dài. Điều này đánh dấu việc nối lại các cuộc đối thoại cấp cao vốn bị đình trệ do đại dịch COVID-19.

Bộ trưởng Tài chính Đức cho biết thêm, cuộc họp diễn ra tại Frankfurt vì Đức muốn củng cố hơn nữa vai trò của thành phố này như một trung tâm dịch vụ tài chính của châu Âu.

Tin bài liên quan