Bỏ mục đích vay vốn để thúc đẩy tiêu dùng và kinh doanh
Mục đích vay vốn luôn được coi là điều kiện mặc định của Ngân hàng Nhà nước trong quản lý, giám sát hoạt động cho vay đối với các ngân hàng. Ngay từ định nghĩa về “cho vay”, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN đã xác định: “Cho vay là hình thức cấp tín dụng thông qua việc tổ chức tín dụng giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định, trong một thời gian nhất định, theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi theo thỏa thuận cho tổ chức tín dụng”.
Mục đích vay vốn được coi là nguyên tắc trong hoạt động cho vay: “Khách hàng vay vốn tổ chức tín dụng phải đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích” - khoản 2, Điều 4, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN. Tổ chức tín dụng phải xem xét khách hàng có “nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp” - khoản 2, Điều 7, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN. Theo quy định, mục đích vay vốn còn phải xuất hiện cả trong phương án sử dụng vốn, tài liệu đề xuất vay vốn, thỏa thuận cho vay...
Ngân hàng Nhà nước muốn quản chặt hoạt động cho vay của các ngân hàng là đúng, nhưng nếu lấy mục đích vay vốn là đối tượng chủ yếu trong quản lý tín dụng ngân hàng thì không hợp lý.
Trong hoạt động cho vay, mục đích vay vốn không phải là yếu tố then chốt để bảo đảm an toàn tín dụng. Tiền chạy ra khỏi két ngân hàng và chạy về két là một quá trình mà sự an toàn của nó phụ thuộc vào hai yếu tố chủ yếu: một là, năng lực trả nợ của khách hàng; hai là, tính hiệu quả trong hoạt động vay vốn của khách hàng. Khả năng đồng tiền quay trở về két ngân hàng hoàn toàn phụ thuộc vào sự đánh giá chính xác hai yếu tố này, chứ không phải mục đích vay vốn.
![]() |
Cần xây dựng một thể chế tín dụng mới để mọi nhu cầu tiêu dùng, kinh doanh có thể tiếp cận ngay với sự tài trợ của tín dụng ngân hàng |
Nhiều ngân hàng mất cơ hội kinh doanh và nhiều khách hàng không được đáp ứng nhu cầu tín dụng tiêu dùng, kinh doanh vì rào cản điều kiện mơ hồ về mục đích vay vốn. Việc đánh giá mục đích thế nào là hợp pháp hay không hợp pháp hoàn toàn không đơn giản và gây khó xử cho ngân hàng.
Ví dụ, một ngân hàng nhận được nhu cầu vay 1.000 tỷ đồng từ khách hàng doanh nghiệp để nộp tiền sử dụng đất và triển khai xây dựng khu công nghiệp. Toàn bộ phương án được ngân hàng đánh giá là hiệu quả, tài sản bảo đảm rõ ràng, đủ giá trị xử lý nợ, phương án kinh doanh khả thi. Tuy nhiên, có một vấn đề phát sinh: chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án, tổng vốn đầu tư đang ghi nhận con số 600 tỷ đồng. Doanh nghiệp giải thích do họ đã không đưa giá trị quyền sử dụng đất vào tổng vốn đầu tư khi làm thủ tục, vì vào thời điểm đó, họ chưa rõ được số tiền này là bao nhiêu. Theo quy định tại khoản 3, Điều 41, Luật Đầu tư, thì trường hợp có sự điều chỉnh tổng vốn đầu tư từ 20% trở lên làm thay đổi quy mô, doanh nghiệp bắt buộc phải làm thủ tục điều chỉnh. Doanh nghiệp gặp khó vì nếu điều chỉnh, thời gian thực hiện thủ tục sẽ kéo dài, có thể quá hạn nộp tiền sử dụng đất theo thông báo. Ngân hàng cũng gặp khó, bởi nếu cho vay thì có thể bị xác định không bảo đảm mục đích vay vốn hợp pháp. Cuối cùng, dự án chậm triển khai, nhu cầu không được đáp ứng, trong khi cả khách hàng và ngân hàng cùng muốn hợp tác.
Rất nhiều cơ hội nhạy cảm tương tự trong cả cho vay kinh doanh và cho vay tiêu dùng đã trôi qua cùng hoạt động tín dụng ngân hàng. Ngân hàng có thể kiểm soát được an toàn trong cho vay, nhưng sợ bị quy kết sai phạm từ hoạt động thanh tra, giám sát. Vậy nên, dù có thể cho vay, chắc chắn về khả năng thu hồi nợ, thu lợi nhuận, ngân hàng vẫn phải từ chối, vì khó đánh giá đầy đủ tính hợp pháp của mục đích cho vay.
Người viết đề xuất bỏ mục đích vay vốn để cải cách và đổi mới: “Cho vay là một hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền trong một thời gian nhất định với nguyên tắc có hoàn trả theo các điều kiện thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng với khách hàng”.
Gợi ý định nghĩa mới về cho vay nêu trên loại bỏ hoàn toàn nội dung về mục đích vay vốn. Chỉ cần như vậy thôi là đủ để từ đó xây dựng một thể chế tín dụng mới và hình dung một thị trường tài chính nơi gần như mọi nhu cầu tiêu dùng, kinh doanh có thể tiếp cận ngay với sự tài trợ của tín dụng ngân hàng.
Gỡ trần tăng trưởng tín dụng để cải cách hành chính
Có rất nhiều vấn đề cần giải pháp hỗ trợ từ lĩnh vực ngân hàng, nhưng ba vấn đề cần được xử lý trước là bỏ mục đích vay vốn, gỡ trần tăng trưởng tín dụng và đổi mới tư pháp trong lĩnh vực tòa án để xử lý nợ xấu.
Trần tăng trưởng tín dụng là cách nói ngắn gọn cho những tỷ lệ hạn mức cụ thể mà Ngân hàng Nhà nước đang áp cho giới ngân hàng, để giới hạn mức tăng trưởng dư nợ tín dụng so với năm liền kề.
Sự xuất hiện chính thức của trần tăng trưởng tín dụng bắt đầu từ năm 2011, sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu kéo dài từ năm 2008 và là một giải pháp quan trọng giúp Ngân hàng Nhà nước dìu cả hệ thống ngân hàng qua thời kỳ khủng hoảng.
Tuy nhiên, đến nay, những tác dụng của trần tăng trưởng tín dụng đã mờ nhạt dần. Các tổ chức tín dụng đã sẵn sàng bước sang một giai đoạn tăng trưởng mới theo nhu cầu và sức phát triển của thị trường tài chính. Trần tăng trưởng tín dụng hiện bó buộc khát vọng phát triển của thị trường. Cho dù có thanh khoản, chất lượng tín dụng tốt, nguồn vốn huy động dồi dào, nhiều ngân hàng vẫn không được phép phát triển tín dụng khi đã dùng hết giới hạn tăng trưởng. Đối với những ngân hàng có tổng tài sản lớn như Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank, thì chỉ cần một phần trăm tăng trưởng cũng bằng trọn cả giới hạn tăng trưởng của ngân hàng nhỏ. Các vấn đề nêu trên gây nên tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh khi mà nhiều ngân hàng quy mô vừa và nhỏ dù tốt cũng khó có thể bứt tốc trong cuộc đua giành thị phần tín dụng với khối ngân hàng đã thiết lập được tổng tài sản lớn.
Từ những hạn chế đó, trần tăng trưởng tín dụng kìm hãm sự phát triển của thị trường tín dụng, không chỉ tác động tới giới ngân hàng, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến giới doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh. Sự khát vốn tăng trưởng của cộng đồng doanh nghiệp gặp rào cản khó gỡ khi mà các ngân hàng - nơi cấp vốn cho họ - không thể vượt rào giới hạn trần tăng trưởng tín dụng.
Đã đến lúc gỡ bỏ trần tăng trưởng tín dụng! Cả lý thuyết và thực tiễn đều đã chứng minh, bất kỳ sự can thiệp hành chính nào không phù hợp với bản chất của thị trường đều là điều không nên. Kinh doanh là công việc, sự tự chủ của doanh nghiệp, việc quản lý rủi ro là dựa trên khẩu vị rủi ro và tiềm lực tài chính của mỗi ngân hàng. Đối với một ngân hàng tốt, quản lý chất lượng rủi ro tốt, yếu tố con người tốt, tình trạng tài chính lành mạnh, nếu không gỡ bỏ trần tăng trưởng tín dụng thì ngân hàng không thể tự do phát triển, tìm kiếm lợi nhuận theo năng lực thực chất.
Bỏ trần tín dụng, Ngân hàng Nhà nước vẫn có đủ các biện pháp quản lý chất lượng tín dụng, rủi ro thanh khoản hệ thống qua hàng loạt các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng đang áp dụng. Ngân hàng Nhà nước cũng còn nguyên các công cụ pháp lý để phân loại đối tượng, can thiệp, kiểm soát, giám sát các ngân hàng nguy cơ.
Đổi mới tư pháp trong lĩnh vực tòa án để xử lý nợ xấu
Cho đến nay, tòa án vẫn là cơ quan tài phán chủ yếu cho những tranh chấp phát sinh từ lĩnh vực ngân hàng. Đúng hay sai về pháp lý trong một vụ án, thì lời giải cuối cùng là tòa án. Lời giải không đúng, ai trả lời? Vẫn là giới tòa án.
Có rất nhiều rủi ro phát sinh sau khi tòa án đã thụ lý vụ án. Không ít vụ án có quá trình giải quyết kéo dài hàng năm trời. Có những vấn đề phức tạp của nghiệp vụ ngân hàng, chỉ riêng vấn đề pháp lý đơn giản cũng có thể gây khó cho ngân hàng.
Chẳng hạn, năm 2011, một ngân hàng bị tòa án tuyên vô hiệu một hợp đồng thế chấp bất động sản của bên thứ ba. Lý do hợp đồng vô hiệu rất lãng xẹt rằng, tên gọi của hợp đồng không đúng. Ý tòa án phải gọi tên hợp đồng là bảo lãnh, vì có tài sản của bên thứ ba đưa vào, chứ gọi là thế chấp không đúng. Gọi sai tên thì hợp đồng vô hiệu! Cách hiểu của tòa dựa trên định nghĩa về thế chấp, bảo lãnh tương tự như trong Bộ luật Dân sự năm 1999. Có điều, bộ luật này đã bị thay thế và tên gọi thế chấp, bảo lãnh được định nghĩa lại hoàn toàn mới bởi Bộ luật Dân sự năm 2005 vào thời điểm xảy ra vụ án. Hiện tượng “thắt nút cổ chai” về tư duy pháp lý nêu trên đã tồn tại từ năm 2011 đến nay và vẫn tạo nên nhiều hậu quả tín dụng cho giới ngân hàng.
Một vụ án khác, ngân hàng mất quyền xử lý tài sản bởi tòa án lục vấn lại quá khứ xa xôi là bên bán, bên mua đã từng thỏa thuận một giá mua bán khác ngoài hợp đồng công chứng. Bất chấp việc chuyển nhượng bất động sản đã được công chứng, tài sản đã sang tên người mua, đã thế chấp vào ngân hàng theo đúng thủ tục công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm, tòa án vẫn tuyên hủy hợp đồng mua bán trong quá khứ. Vậy là ngân hàng bỗng dưng mất tài sản bảo đảm vì một lý do mà ngân hàng không thể biết để thẩm định được khi nhận thế chấp bằng bất động sản.
Ngân hàng là đối tượng nhận bảo đảm nhiều nhất trong nền kinh tế xuất phát từ hoạt động tài trợ tín dụng. Khi nợ trở thành xấu thì giới ngân hàng chỉ còn biết dựa vào tài sản bảo đảm để hy vọng xử lý nợ. Ra đến tòa án, rất nhiều lý do khác nhau dẫn đến một điểm giống nhau là ngân hàng mất quyền xử lý tài sản bảo đảm và nợ xấu không còn hy vọng xử lý.
Đổi mới vấn đề này, cần trông chờ vào việc hình thành mô hình cơ quan tài phán mới có đủ chuyên môn, đủ công tâm và hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của pháp luật. Không nhất thiết cơ quan tài phán đó phải là trọng tài, nhưng nếu là tòa án thì đó phải là mô hình tòa chuyên trách, với đội ngũ thẩm phán được tuyển chọn kỹ lưỡng theo tiêu chí mới từ những nguồn nhân sự của cả khối tư pháp và bổ trợ tư pháp, dựa trên năng lực, trình độ. Kết hợp với cơ chế bảo đảm sự độc lập thực sự và sự giám sát minh bạch, các thẩm phán có chuyên môn, đề cao pháp luật và danh tiếng sẽ góp phần giúp ngân hàng xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.
Ba vấn đề nêu trên không phổ biến trong những học thuyết về tái cấu trúc, quản trị ngân hàng hiện đại, nhưng lại tồn tại thực tế trong giới ngân hàng như những trở ngại trong việc thúc đẩy nguồn vốn tín dụng tiêu dùng, kinh doanh phục vụ nền kinh tế. Ưu tiên giải quyết ba vấn đề trên, nhiều tiềm năng của lĩnh vực ngân hàng Việt Nam sẽ được giải phóng.