Trụ sở của EVN và EVN Finance tại Hà Nội. Ảnh: Đức Thanh

Trụ sở của EVN và EVN Finance tại Hà Nội. Ảnh: Đức Thanh

EVN thoái toàn bộ vốn tại EVN Finance: Kế hoạch tăng vốn thêm gian nan

Nếu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thoái vốn thành công tại EVN Finance, thì quyền biểu quyết tại công ty này nhiều khả năng sẽ càng bị phân tán, gây khó cho kế hoạch tăng vốn.

EVN “dứt tình” với EVN Finance

Ngày 23/8 tới, phiên đấu giá 18,75 triệu cổ phần (tương đương 7,5% vốn điều lệ) của Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance - mã EVF) dự kiến được tổ chức tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. CTCP Chứng khoán An Bình là đơn vị tư vấn cho đợt thoái vốn này.

Theo thông tin công bố, giá khởi điểm của phiên đấu giá là 13.480 đồng/cổ phần. Giá khởi điểm được xác định theo phương pháp tài sản, phương pháp tỷ số bình quân, phương pháp chiết khấu dòng cổ tức, tính giá trị quyền sử dụng đất và giá trị điều chỉnh tỷ lệ bổ sung về các giá trị quyền sở hữu trí tuệ… Đáng chú ý, giá khởi điểm cao hơn thị giá hiện tại của cổ phiếu EVF đến 90%. Hiện trên thị trường cổ phiếu EVF phục hồi đáng kể so với thời điểm đầu năm 2019, đạt 7.000 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên ngày 30/7 trên sàn UPCoM).

Trước đó, hồi tháng 10/2018, trong văn bản gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN đã lên kế hoạch thoái khoản vốn này trong năm 2018 với mức giá đề xuất của phía tư vấn là 12.200 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không được thực hiện.

Nếu phiên đấu giá diễn ra thành công và toàn bộ số cổ phần trên được sang tay thành công, EVN sẽ “dứt tình” với EVN Finance - một trong những doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành của EVN.

EVN Finance được thành lập năm 2008, vốn điều lệ hiện nay là 2.500 tỷ đồng. Khi mới thành lập, EVN Finance có nhiệm vụ là đầu mối thu xếp vốn, quản trị vốn cho các dự án điện thuộc EVN. Sau đó, EVN Finance cũng cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính cho các đơn vị khác như huy động vốn, đầu tư vốn, hoạt động tín dụng…

Theo Báo cáo tài chính quý II/2019, tại thời điểm ngày 30/6/2019, EVN Finance ghi nhận tổng tài sản 19.752 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng chiếm 9.352 tỷ đồng, cho vay các tổ chức tín dụng 1.841 tỷ đồng, chứng khoán sẵn sàng bán 6.026 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 3.309 tỷ đồng.

Kế hoạch tăng vốn càng thêm khó

Theo Quy chế bán đấu giá cổ phần EVN Finance, số lượng cổ phần đăng ký mua tối đa của mỗi nhà đầu tư phải tuân theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16/06/2010, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 17/2017/QH14 ngày 20/11/2017 của Quốc hội và Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 3/1/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam.

Theo các báo cáo tài chính từ năm 2017 đến nay, kết quả kinh doanh của EVN Finance luôn đạt kết quả khả quan. Doanh thu năm 2018 đạt 1.277 tỷ đồng, giảm 17% so với năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 204 tỷ đồng, tăng 13%. Tỷ lệ an toàn vốn trong năm 2017 và 2018 lần lượt là 14,5% và 13,52%; tỷ lệ nợ xấu lần lượt đạt 2,09% và 2,04%.   

Cụ thể, theo quy định này, nhà đầu tư cá nhân (trong nước và nước ngoài) không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ; nhà đầu tư tổ chức (trong nước và nước ngoài) không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ; nếu là nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ; nhà đầu tư (trong nước và nước ngoài) là cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng khác và người có liên quan của nhà đầu tư đó không được sở hữu cổ phần quá 5%.

Trong khi đó, EVN Finance lại có mức độ đại chúng, quy mô cổ đông lớn tại Việt Nam. Theo Biên bản kiểm phiếu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản của EVN

Finance vào ngày 28/1/2019, công ty này có tổng cộng 55.149 cổ đông. Trong đó, chỉ có 2 cổ đông lớn là EVN (sở hữu 7,5% vốn) và Ngân hàng ABBank (sở hữu 8,4% vốn).

Cuối năm 2018, EVN Finance đã xin ý kiến cổ đông bằng văn bản xem xét thông qua phương án phát hành cổ tức năm 2017 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 6%, thay vì bằng tiền mặt. Công ty cũng trình cổ đông xem xét thông qua phương án chào bán riêng lẻ 37,5 triệu cổ phần (tương đương 15% vốn điều lệ) cho tối đa 3 nhà đầu tư tổ chức. Bên cạnh đó, HĐQT EVN Finance cũng trình cổ đông thông qua phương án chào bán riêng lẻ 37,5 triệu cổ phần (tương đương với 15% vốn điều lệ) cho tối đa 3 nhà đầu tư tổ chức.

EVN Finance đã gửi tới 55.149 phiếu, đại diện cho 250 triệu cổ phần, tương đương 100% số cổ phần có quyền biểu quyết. Tuy nhiên, Công ty chỉ thu về 1.596 phiếu, trong số đó, chỉ có 1.320 phiếu, tương đương 42,708% cổ phần là hợp lệ. Với tỷ lệ tán thành khá thấp, (25,2 - 25,4%), các nội dung này đã không được cổ đông thông qua.

Với những quy định ngặt nghèo về tỷ lệ sở hữu, phiên đấu giá cổ phần EVN Finance, nếu diễn ra thành công, được dự báo sẽ tiếp tục khiến quyền lực bị phân tán. Điều này đồng nghĩa với kế hoạch tăng vốn của EVN Finance càng thêm khó khăn hơn.

Tin bài liên quan