Fed cần giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian để kiểm soát lạm phát

Fed cần giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian để kiểm soát lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là đánh giá của KBSV sau động thái tăng lãi suất mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Thậm chí, Fed có thể sẽ cần nhiều thời gian hơn để tiến hành xoay trục chính sách.

Thời gian qua, nhất cử nhất động của Fed được thị trường đặc biệt quan tâm bởi chính sách của Fed có thể ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế Mỹ cũng như thế giới. Gần đây, một số dữ liệu kinh tế Mỹ yếu kém làm gia tăng kỳ vọng rằng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất như thị trường nhà ở sụt giảm với cả doanh số bán nhà và giá nhà bắt đầu giảm do lãi suất thế chấp tăng mạnh, niềm tin người tiêu dùng xuống mức thấp.

Bên cạnh đó, lo ngại nợ vay ở mức cao sau chu kỳ tiền rẻ trong bối cảnh lãi suất tăng mạnh gây áp lực lên chi phí lãi vay nhất là khi ngân sách chính phủ ngày càng thâm hụt. Quan điểm trên được củng cố sau khi một số quan chức Fed đã bắt đầu bày tỏ mong muốn tăng lãi suất chậm lại. Thị trường trước đó đang kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất từ quý II/2023.

Tuy nhiên, KBSV cho biết, GDP quý III tăng 2,6% so với quý trước và cao hơn kỳ vọng, trong khi lạm phát - điều mà Fed quan tâm hàng đầu - hiện tiếp tục ở mức cao và thị trường việc làm chưa cho thấy dấu hiệu suy giảm đáng kể.

Trong bài phát biểu gần nhất, Chủ tịch Fed Jerome Powell ngụ ý rằng, Fed có thể tăng chậm hơn vào tháng 12 nhưng chưa cảm thấy lạm phát đang giảm và chưa nghĩ đến việc dừng tăng lãi suất. Fed vẫn kiên định với con đường đưa lạm phát về mức mục tiêu.

Con đường tăng lãi suất sẽ chậm hơn nhưng có thể đi xa hơn và việc lãi suất tăng cao khiến “hạ cánh mềm” khó đạt được. Ngay sau đó, thị trường tăng mức lãi suất mục tiêu cao nhất lên hơn 5% vào quý II/2023 và chuyển thời gian Fed hạ lãi suất sang đầu quý III/2023.

Lãi suất cần tăng cao trong một thời gian để kiểm soát lạm phát

So sánh tương quan với lịch sử trong 2 giai đoạn lạm phát tăng phi mã là 1975 và 1980, KBSV đánh giá, lãi suất cần tăng lên cao hơn lạm phát và duy trì ở mức cao một thời gian đủ để có thể kiềm chế lạm phát. Bối cảnh hiện tại không hoàn toàn đồng nhất nhưng lịch sử cho thấy việc Fed xoay trục quá sớm còn gây ra hậu quả khó giải quyết hơn, điều này khiến Fed phải thận trọng trong quyết định của mình.

Cụ thể, vào những năm 1970, Fed thắt chặt chính sách tiền tệ nhưng sau đó đã nhanh chóng nới tay khi nền kinh tế xuất hiện dấu hiệu suy thoái. Điều này dù khiến lạm phát tạm thời hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao.

Phải đến những năm 1981, dưới thời Chủ tịch Paul Volcker - người chống lạm phát nổi tiếng nhất của Mỹ, Fed đã kiên định trong cuộc đấu tranh với lạm phát khi mạnh tay kéo lãi suất lên cao và cắt giảm cung tiền. Mặc dù điều này gây tổn thương sâu sắc cho nền kinh tế nhưng đã giúp đánh bại lạm phát, tạo tiền đề cho giai đoạn tăng trưởng 20 năm sau đó.

Đối với phản ứng từ thị trường chứng khoán Mỹ sau thời gian Fed xoay trục, KBSV nhận thấy chỉ số S&P 500 tiếp tục dò đáy. Phải mất trung bình 14 tháng với mức giảm trung bình 28% và kể từ khi Fed hạ lãi suất đến khi thị trường chứng khoán tạo đáy bởi nền kinh tế sau đó vẫn tiếp tục trải qua nhiều khó khăn.

Nhìn chung, KBSV cho rằng cần nhiều thời gian hơn để Fed có thể tiến hành xoay trục chính sách, khi lạm phát và thị trường việc làm chưa có nhiều dấu hiệu suy giảm rõ ràng và nỗi đau đối với nền kinh tế chỉ mới bắt đầu. Mặc dù vậy, trong trường hợp có yếu tố thay đổi theo chiều hướng tiêu cực ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế có thể khiến Fed sớm hạ nhiệt quá trình tăng lãi suất.

Tin bài liên quan