Thông điệp của Fed đã giúp chỉ chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên 3/11 ở mức cao kỷ lục.

Thông điệp của Fed đã giúp chỉ chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên 3/11 ở mức cao kỷ lục.

Fed chưa vội tăng lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giới đầu tư toàn cầu có phần nhẹ nhõm sau cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 3/11 vì quyết định chưa vội tăng lãi suất của cơ quan này.

Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày, Uỷ ban Thị trường mở (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, tuyên bố rằng việc cắt giảm chương trình mua trái phiếu sẽ bắt đầu trong tháng 11 này.

Theo đó, Fed sẽ giảm 15 tỷ USD mỗi tháng trong quy mô của chương trình, bao gồm giảm 10 tỷ USD đối với việc mua vào trái phiếu kho bạc Mỹ và 5 tỷ USD đối với việc mua vào trái phiếu đảm bảo bằng nợ địa ốc.

Trước khi cắt giảm, chương trình có quy mô 120 tỷ USD mỗi tháng. Tuy vậy, Fed khẳng định “chưa vội vàng tăng lãi suất” với kỳ vọng các chỉ số kinh tế, trong đó có chỉ số việc làm sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

Trong lần họp này, Fed có sự điều chỉnh nhẹ trong quan điểm về lạm phát. Fed thừa nhận giá cả đang tăng nhanh hơn và lâu hơn so với những gì cơ quan này đã dự báo, nhưng vẫn tiếp tục sử dụng từ “tạm thời” để đánh giá về lạm phát.

“Lạm phát tăng, chủ yếu phản ánh các yếu tố được kỳ vọng sẽ chỉ là tạm thời”, tuyên bố viết. Nhưng đó cũng là một phần lý do khiến Fed không vội vàng tăng lãi suất khi có khả năng lạm phát sẽ tự giảm bớt và cho phép người lao động có thêm thời gian tìm việc làm.

Ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed nói: “Khi đại dịch lắng xuống, các nút thắt trong chuỗi cung ứng sẽ giảm bớt và thị trường việc làm sẽ tăng trở lại. Khi điều đó xảy ra, lạm phát sẽ giảm… Chúng tôi cho rằng chưa đến lúc phải tăng lãi suất. Vẫn còn cơ sở để đạt được tăng trưởng việc làm tối đa” và “mục tiêu đó có thể đạt được vào cuối năm tới”.

Theo kế hoạch hiện tại, chương trình mua tài sản của Fed sẽ kết thúc vào khoảng tháng 7/2022. Các quan chức Fed vẫn nói rằng, họ sẽ không tính đến chuyện tăng lãi suất chừng nào chưa cắt giảm xong chương trình mua tài sản. Trong dự báo đưa ra hồi tháng 9, Fed dự định tăng lãi suất không quá một lần trong 2022.

Tuy nhiên, ông Powell vẫn để ngỏ khả năng nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục tiến triển như dự kiến, Fed có thể hoàn thành việc giảm bớt các khoản mua trái phiếu vào giữa năm sau. Ông nhấn mạnh rằng, các quan chức có thể linh hoạt để tăng tốc, hoặc giảm tốc độ, dựa trên những gì diễn ra trong nền kinh tế.

Thông điệp của ngân hàng trung ương Mỹ đã giúp chỉ số S&P 500 và Nasdaq đóng cửa phiên 3/11 ở mức cao kỷ lục và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng nhẹ. Lợi suất của trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm kết thúc phiên trở lại trên 1,60%/năm lần đầu tiên trong một tuần, trong khi lợi suất trên trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm, một đại diện cho kỳ vọng lãi suất của Fed, nhích nhẹ lên khoảng 0,46%/năm. Trong khi đó, tỷ giá USD lại quay đầu giảm.

Các chính sách tiền tệ nới lỏng của Fed là một nguồn hỗ trợ đáng kể cho thị trường tài chính, với chỉ số S&P 500 tăng hơn gấp đôi kể từ mức thấp vào tháng 3/2020 trong thời kỳ đại dịch bùng phát. Tuy nhiên, điều đó đang làm dấy lên lo ngại về việc định giá đang quá nóng của các cổ phiếu.

Troy Gayeski, chiến lược gia thị trường của FS Investments cho biết, thị trường tài chính giờ đây tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ông khuyên các nhà đầu tư nên tìm kiếm các tài sản an toàn hơn như trái phiếu kho bạc Mỹ có thời hạn dài.

Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư tại IAA nói rằng, với sự biến động khó lường của lạm phát và lãi suất trong 12 tháng tới, nhà đầu tư phân bổ lại danh mục đầu tư của mình, tập trung vào các công ty có giá trị nội tại tốt và tránh xa những khoản đầu tư có tính chất đầu cơ nhiều hơn.

Tin bài liên quan