Fed đẩy nhanh việc tăng lãi suất, giới đầu tư xả mạnh cổ phiếu công nghệ

Fed đẩy nhanh việc tăng lãi suất, giới đầu tư xả mạnh cổ phiếu công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall thêm một phiên giảm trong ngày thứ Tư (5/4), với đà lao dốc mạnh của các cổ phiếu công nghệ và tăng trưởng khác chỉ sau ít phút kể từ khi biên bản cuộc họp tháng 3 của Fed được công bố.

Biên bản cuộc họp hai ngày 15 và 16/3 của Fed cho thấy, các nhà hoạch định chính sách đang tập trung theo đuổi kế hoạch cắt giảm bảng cân đối kế toán khổng lồ của ngay trong tháng 4 này. Biên bản cũng cho thấy Fed quyết tâm chống lạm phát, khi xem xét đợt nâng lãi suất tiếp theo sẽ cao hơn con số 0,25% như thông thường.

Tim Ghriskey, chiến lược gia danh mục đầu tư cao cấp tại Ingalls cho biết: “Fed quyết tâm kiềm chế lạm phát và chúng tôi chỉ hy vọng và cầu nguyện rằng sẽ có một cuộc hạ cánh mềm của nền kinh tế chứ không phải một cuộc hạ cánh cứng khiến chúng ta rơi vào suy thoái”.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm có thời điểm tăng trên mức 2,65% lên mức cao nhất trong 3 năm sau khi biên bản cuộc họp của Fed được công bố.

Dự báo về một Fed diều hâu hơn đã dẫn đến một khởi đầu năm mới đầy khó khăn đối với cổ phiếu công nghệ, vốn dễ bị ảnh hưởng hơn do lợi suất trái phiếu cao hơn.

Phiên này, cổ phiếu các ngành công nghệ và tiêu dùng đều giảm mạnh 2,6%, trong khi chỉ số tăng trưởng S&P 500 giảm khoảng 2%.

Chỉ số Nasdaq vốn nặng về công nghệ cũng đã ghi nhận mức giảm hơn 2% trong ngày thứ hai liên tiếp.

Mặt khác, nhóm cổ phiếu có lợi nhuận ổn định như tiện ích, y tế và hàng tiêu dùng thiết yếu được mua mạnh, với cổ phiếu Amgen và Johnson & Johnson đều tăng hơn 2%. Các cổ phiếu hàng tiêu như Coca-Cola và Procter & Gamble tăng hơn 1%. Cổ phiếu Walmart cộng 2,3%.

Kết thúc phiên 6/4, chỉ số Dow Jones giảm 144,67 điểm (-0,42%), xuống 34.496,51 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 43,97 điểm (-0,97%), xuống 4.481,15 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 315,35 điểm (-2,22%), xuống 13.888,82 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm, khi các nhà đầu tư vật lộn với nỗi lo kép về việc tăng lãi suất tại Mỹ có khả năng làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga tiếp tục gây ra lạm phát.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 1,53% xuống 455,97 điểm, với cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu du lịch là những nhóm giảm mạnh nhất.

Ông Stuart Cole, Nhà kinh tế vĩ mô hàng đầu tại Equiti Capital cho biết: "Các thị trường đang phản ứng với việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ nhanh hơn. Thêm vào sự bi quan là những lo ngại xung quanh áp lực lạm phát gia tăng chưa được cảm nhận từ xung đột tại Ukraine”.

Lo lắng bầu cử tổng thống tại Pháp cũng tiếp tục đeo bám các nhà đầu tư, với chứng khoán Pháp giảm 2,2% sau khi đánh dấu phiên giao dịch tồi tệ nhất trong gần một tháng vào thứ Ba.

Theo các cuộc thăm dò, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ đánh bại Marine Le Pen trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp trong vòng đầu tiên vào ngày 10/4 và chiến thắng sau đó vào ngày 24/4.

Kết thúc phiên 6/4: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 26,02 điểm (-0,34%), xuống 7.587,70 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 272,67 điểm (-1,89%), xuống 14.151,69 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 146,68 điểm (-2,21%), xuống 6.498,83 điểm.

Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh nhất trong gần 4 tuần, do tác động từ phiên đêm qua trên phố Wall khi các bình luận diều hâu từ các quan chức Fed làm dấy lên lo lắng về tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Chứng khoán Trung Quốc gần như không đổi, nhưng tâm lý giới đầu tư suy giảm bởi làn sóng Covid-19 nghiêm trọng nhất kể từ khi bùng phát ở Vũ Hán và một cuộc khảo sát cho thấy hoạt động dịch vụ tháng 3 đã tăng với tốc độ chậm nhất trong hai năm.

Chứng khoán Hồng Kông giảm sau khi thành phố Thượng Hải ở Đại lục báo cáo số ca nhiễm Covid-19 kỷ lục, cùng đà sụt giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ gây ảnh hưởng xấu.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm cũng ảnh hưởng các bình luận diều hâu từ quan chức Fed làm gia tăng lo ngại về việc thắt chặt tiền tệ nhanh hơn.

Kết thúc phiên 6/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 437,68 điểm (-1,58%), xuống 27.350,30 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,71 điểm (+0,02%), lên 3.283,43 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 421,78 điểm (-1,87%), xuống 22.080,52 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 24,17 điểm (-0,88%), xuống 2.735,03 điểm.

Giá vàng thế giới ngày thứ Tư nhích nhẹ, giao dịch khá thận trọng sau khi biên bản cuộc họp trong tháng 3 vừa qua Fed được công bố.

Kết thúc phiên 6/4, giá vàng giao ngay tăng 2,1 USD lên 1.925,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng gần 2 lên 1.924,9 USD/ounce.

Giá dầu lao dốc, sau khi Cùng với Mỹ, các thành viên của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã thống nhất giải phóng tới 120 triệu thùng dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược của mình để hạ nhiệt giá dầu.

Kết thúc phiên 6/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 5,73 USD (-5,95%), xuống 96,23 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 5,57 USD (-5,51%), xuống 101,07 USD/thùng.

Tin bài liên quan