G20 tán thành thuế suất tối thiểu toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại cuộc họp hôm thứ Bảy (10/7), giám đốc tài chính của các nền kinh tế lớn G20 đã tán thành một động thái mang tính bước ngoặt về thuế tối thiếu toàn cầu nhằm ngăn chặn các công ty đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế.
Quang cảnh của Ponte dei Sospiri được chụp trong cuộc họp các Bộ trưởng tài chính và Ngân hàng trung ương G20 tại Venice ngày 10/7/2021.

Quang cảnh của Ponte dei Sospiri được chụp trong cuộc họp các Bộ trưởng tài chính và Ngân hàng trung ương G20 tại Venice ngày 10/7/2021.

Theo đó, thoả thuận sẽ thiết lập mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ít nhất là 15%. Thoả thuận cũng sẽ thay đổi cách thức đánh thuế các công ty đa quốc gia có lợi nhuận cao như Amazon và Google khi dựa một phần vào nơi các công ty bán sản phẩm và dịch vụ thay vì vị trí đặt trụ sở chính.

Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz xác nhận với các phóng viên rằng, tất cả các nền kinh tế G20 đều tham gia hiệp định, trong khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, một số nước nhỏ hơn như Ireland và Hungary vẫn phản đối điều này nhưng các nước này được khuyến khích đồng ý thoả thuận trước tháng 10, thời điểm hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Rome.

“Chúng tôi sẽ cố gắng làm điều đó, nhưng tôi nên nhấn mạnh rằng mọi quốc gia đều không cần thiết phải tham gia”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết.

“Thỏa thuận này bao gồm một loại cơ chế thực thi có thể được sử dụng để đảm bảo rằng các quốc gia không thể sử dụng các thiên đường thuế để làm suy yếu hoạt động của thỏa thuận toàn cầu này”, bà cho biết.

Các thành viên G20 chiếm hơn 80% tổng sản phẩm quốc nội thế giới, 75% thương mại toàn cầu và 60% dân số trên hành tinh, bao gồm các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức và Ấn Độ.

Ngoài các quốc gia thuộc EU như Ireland, Estonia và Hungary, các quốc gia, vùng lãnh thổ khác chưa ký kết bao gồm Kenya, Nigeria, Sri Lanka, Barbados và St. Vincent và Grenadines.

Trong số các điểm mấu chốt khác, một cuộc đấu tranh tại Quốc hội Mỹ về kế hoạch tăng thuế của Tổng thống Joe Biden đối với các tập đoàn và những người Mỹ giàu có có thể gặp nhiều thách thức, cũng như kế hoạch riêng của EU đối với thuế kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ.

Các quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết, kế hoạch của EU không phù hợp với thỏa thuận toàn cầu rộng hơn ngay cả khi mức thuế này chủ yếu nhắm vào các công ty châu Âu.

Ngoài thỏa thuận thuế, G20 sẽ giải quyết những lo ngại rằng sự gia tăng của biến thể delta đang lây lan nhanh cộng với khả năng tiếp cận vắc xin không bình đẳng đang gây ra rủi ro cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Trích dẫn những cải tiến trong triển vọng toàn cầu cho đến nay, dự thảo của cuộc họp cho biết thêm: “Sự phục hồi được đặc trưng bởi sự khác biệt lớn giữa các quốc gia và vẫn tiềm ẩn những rủi ro, đặc biệt là sự lây lan của các biến thể mới của Covid-19 và các tốc độ tiêm chủng khác nhau”.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Marie nói với các phóng viên: “Tất cả chúng ta phải cải thiện hiệu suất tiêm chủng ở mọi nơi trên thế giới. Chúng tôi có những dự báo kinh tế rất tốt cho các nền kinh tế G20 và rào cản duy nhất trên con đường dẫn đến sự phục hồi kinh tế nhanh chóng, vững chắc là nguy cơ có một làn sóng lây nhiễm mới”.

Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết, thế giới đang phải đối mặt với “sự phục hồi hai chiều ngày càng tồi tệ”, một phần do sự khác biệt về khả năng cung cấp vắc xin.

“Đây là thời điểm quan trọng cần hành động khẩn cấp của G20 và các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu”, bà nói trong một lời kêu gọi trước cuộc họp.

Bên cạnh đó, IMF cũng đang thúc đẩy các nước G20 quyết định một con đường rõ ràng cho phép các nước giàu đóng góp khoảng 100 tỷ USD dự trữ cho IMF để hỗ trợ cho các nước nghèo hơn.

Tin bài liên quan