G7 sắp đưa ra các quy tắc áp dụng cho công nghệ AI

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm Chủ Nhật (30/4), các bộ trưởng đã đồng ý về việc áp dụng quy định “dựa trên rủi ro” về trí tuệ nhân tạo (AI), khi các nhà lập pháp châu Âu muốn nhanh chóng đưa ra Đạo luật AI để thực thi các quy tắc đối với các công cụ mới nổi như ChatGPT.
G7 sắp đưa ra các quy tắc áp dụng cho công nghệ AI

“Các quy định như vậy cũng nên duy trì một môi trường cởi mở và thuận lợi cho sự phát triển của các công nghệ AI và dựa trên các giá trị dân chủ”, các bộ trưởng G7 cho biết trong một tuyên bố chung được đưa ra vào cuối cuộc họp kéo dài hai ngày tại Nhật Bản.

Mặc dù các bộ trưởng nhận ra rằng “các công cụ chính sách để đạt được tầm nhìn và mục tiêu chung về AI đáng tin cậy có thể khác nhau giữa các thành viên G7”, nhưng thỏa thuận này đặt ra một mốc quan trọng về cách các quốc gia lớn quản lý AI trong bối cảnh lo ngại về quyền riêng tư và rủi ro bảo mật.

Các chính phủ đã đặc biệt chú ý đến sự phổ biến của các công cụ AI tạo sinh như ChatGPT, một chatbot do Microsoft phát triển. Ứng dụng này đã nhanh chóng trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất trong lịch sử kể từ khi ra mắt vào tháng 11/2022.

Tuyên bố chung của các bộ trưởng cho biết: “Chúng tôi dự định triệu tập các cuộc thảo luận G7 trong tương lai về AI tạo sinh, có thể bao gồm các chủ đề như quản trị, cách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bao gồm bản quyền, thúc đẩy tính minh bạch, giải quyết thông tin sai lệch bao gồm cả thao túng thông tin của các yếu tố nước ngoài”.

Trước đó, Ý đã đưa ChatGPT vào ngoại tuyến trong tháng trước để điều tra khả năng vi phạm quy tắc dữ liệu cá nhân của ứng dụng này. Trong khi Ý đã dỡ bỏ lệnh cấm vào thứ Sáu (28/4), động thái này đã truyền cảm hứng cho các cơ quan quản lý quyền riêng tư của châu Âu tiến hành các cuộc điều tra tương tự.

Hôm 27/4, các nhà lập pháp EU đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về dự thảo mới của Đạo luật AI, bao gồm các biện pháp bảo vệ bản quyền cho AI tạo sinh, sau lời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới về việc triệu tập một hội nghị thượng đỉnh để kiểm soát công nghệ đó.

Margrethe Vestager, giám đốc quy định công nghệ của EU cho biết khối “sẽ có thỏa thuận chính trị trong năm nay” về Đạo luật AI, chẳng hạn như nghĩa vụ dán nhãn đối với hình ảnh hoặc âm nhạc do AI tạo ra để giải quyết các rủi ro về bản quyền và giáo dục.

Trong khi đó, Nhật Bản đã thực hiện một cách tiếp cận phù hợp với các nhà phát triển AI, cam kết hỗ trợ cho việc áp dụng AI trong công chúng và công nghiệp.

Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết, Nhật Bản hy vọng G7 sẽ “đồng ý về quản trị linh hoạt hoặc nhanh nhẹn, thay vì áp dụng các quy định phủ đầu và áp dụng chung” đối với các công nghệ AI.

“Việc tạm dừng phát triển AI không phải là phản ứng đúng đắn, sự đổi mới nên tiếp tục phát triển nhưng trong một số rào cản nhất định mà các nền dân chủ phải đặt ra”, Jean-Noel Barrot, Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số của Pháp cho biết. Pháp cũng sẽ cung cấp một số ngoại lệ cho các nhà phát triển AI theo quy định sắp tới của EU.

Bên cạnh những lo ngại về sở hữu trí tuệ, các nước G7 đã nhận ra những rủi ro về an ninh.

“AI có thể sáng tạo ra tin tức giả mạo và các giải pháp gây rối cho xã hội nếu dữ liệu mà nó dựa trên là giả mạo”, Bộ trưởng kỹ thuật số Nhật Bản Taro Kono cho biết.

Nhật Bản sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima vào cuối tháng 5, trong đó Thủ tướng Fumio Kishida sẽ thảo luận về các quy tắc AI với các nhà lãnh đạo thế giới.

Tin bài liên quan