Việc không chia cổ tức bằng tiền mặt sẽ giúp các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực để tiếp tục giảm sâu lãi suất cho vay để vượt qua khó khăn do Covid-19.

Việc không chia cổ tức bằng tiền mặt sẽ giúp các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực để tiếp tục giảm sâu lãi suất cho vay để vượt qua khó khăn do Covid-19.

Giá cổ phiếu “vua” dậy sóng, cổ đông không đòi cổ tức tiền mặt

0:00 / 0:00
0:00
Khác với các năm trước, trong mùa họp đại hội đồng cổ đông ngân hàng năm nay, cổ đông không còn đòi trả cổ tức bằng tiền mặt, do giá cổ phiếu “vua” đang dậy “sóng”.

Cơ hội cho cả hai

Cổ phiếu ngành ngân hàng tăng mạnh từ đầu năm đến nay, trong đó, một số mã như VIB, BAB, SHB tăng trên dưới 40%. Còn nếu tính từ đầu năm 2020 đến nay, cổ phiếu VIB tăng hơn 120%, lên mức trên 42.000 đồng/cổ phiếu chốt phiên sáng ngày 26/3. Đó cũng là lý do, các cổ đông ngân hàng không đòi trả cổ tức bằng tiền mặt như các mùa đại hội trước, mà chỉ muốn nhận cổ tức và cổ phiếu thưởng bằng cổ phiếu.

Trong khi đó, với các nhà băng, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ lợi cả đôi đường, vì vừa tăng được năng lực tài chính, mà lại không phải bỏ tiền mặt trả cổ tức cho cổ đông. Đây cũng là thời điểm tốt để các ngân hàng chia cổ tức cao để tăng vốn.

Ngày 24/3, đại hội đồng cổ đông của MSB, VIB đã trình cổ đông thông qua tỷ lệ cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng, lần lượt mức 30% và 40%.

OCB và ACB cũng dự kiến chia cổ tức năm 2020 ở mức 25-30% bằng cổ phiếu để tăng vốn trong năm nay. Trong 3 năm gần đây, ACB, OCB đều chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, thay vì chia tiền mặt như trước đó.

Theo ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB, để nâng cao năng lực tài chính, Ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Vả lại, năm nay, các ngân hàng cũng sẽ chỉ được chia cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì chi trả cả bằng tiền mặt như trước, bởi khác với các ngành nghề khác, ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, nên các tổ chức tín dụng phải tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, kể cả chính sách cổ tức chi trả cho cổ đông.

Cùng với các giải pháp tiết giảm chi phí khác, việc không chia cổ tức bằng tiền mặt sẽ giúp các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực để tiếp tục giảm sâu lãi suất cho vay để vượt qua khó khăn do Covid-19.

Vì thế, đại hội đồng cổ đông của BIDV cũng chọn phương án tăng vốn điều lệ năm 2021 thêm 8.304 tỷ đồng, lên 48.524 tỷ đồng, tương đương tăng 20,6%, thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu. BIDV sẽ phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Thời gian thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến thực hiện trong quý III và quý IV/2021.

Có thể thấy, hầu hết ngân hàng đều trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu trong mùa đại hội năm nay.

Cổ phiếu “vua” sẽ tăng giá?

Cùng với các thông tin tác động tích cực lên giá cổ phiếu “vua” khi ngân hàng chia cổ tức cao bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu thưởng, thì lợi nhuận quý đầu năm nay cũng được nhiều nhà băng hé lộ ở mức cao.

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank cho biết, lãi trước thuế quý I/2021 của Ngân hàng ước đạt 7.000 - 8.000 tỷ đồng (chưa gồm phí upfront từ hợp đồng bancassurance độc quyền với Manulife vừa ký), cao hơn 135-170% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2021, ngân hàng này đặt mục tiêu tín dụng tăng 6-12% và huy động tăng 8-12%. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. VietinBank lên kế hoạch lợi nhuận tăng 16-18%.

Cổ phiếu ngành ngân hàng tăng mạnh từ đầu năm đến nay, trong đó, cổ phiếu VIB tăng hơn 120%, lên mức trên 42.000 đồng/cổ phiếu chốt phiên sáng ngày 26/3.

Trong khi đó, MSB ước đạt lợi nhuận 1.200 tỷ đồng trong quý I/2021. Trả lời cổ đông, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết, năm ngoái, Ngân hàng cam kết tăng trưởng đạt trên 30% và với kết quả kinh doanh khả quan trong quý I năm nay, kế hoạch đưa ra là hoàn toàn khả thi.

Theo ông Linh, thông thường trong quý I hàng năm, lợi nhuận thấp nhất, nhưng quý đầu năm nay, MSB đạt được mức phù hợp, nên có thể tin tưởng hoàn thành mục tiêu năm.

Mục tiêu lợi nhuận năm 2021 được đánh giá nhiều triển vọng khi Vietcombank đưa ra kế hoạch 25.000 tỷ đồng trước thuế, BIDV đưa ra mức 13.000 tỷ đồng, HDBank là 7.600 tỷ đồng, VIB là 7.500 đồng..., trong bối cảnh dịch bệnh kiểm soát, tín dụng kỳ vọng tăng trong các quý tới.

Chính các yếu tố trên tác động lên cổ phiếu “vua” thời gian qua và trong thời gian tới. Thế nhưng, triển vọng của ngành ngân hàng được đánh giá là luôn đi kèm rủi ro. Trong đó, phải kể đến rủi ro từ các khoản nợ xấu tái cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến hết năm 2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, với dư nợ gần 335.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 600.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng.

Mặc dù dự thảo sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN đã được Ngân hàng Nhà nước đưa ra cuối năm 2020, song đến nay vẫn chưa có quyết định về sửa đổi, giãn, hoãn cơ cấu nợ theo thông tư này.

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, nợ xấu các ngân hàng giảm mạnh cuối năm 2020 là do nhà băng đã dùng một khoản trích lập dự phòng lớn để xóa nợ xấu trong quý IV/2020. Điều này bắt nguồn từ lo ngại nợ xấu mới hình thành, cộng với nợ chuyển nhóm theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN bắt đầu được thực hiện từ năm 2021. Tuy nhiên, nợ ở nhóm 4 hay nhóm 5 của một số ngân hàng vẫn ở mức cao.

Do đó, trong năm 2021, nợ xấu hệ thống sẽ tăng lên, đòi hỏi các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng trong năm nay. Trong khi đó, cổ phiếu “vua” sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các nhà băng, nên nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng trước khi xuống tiền.

Tin bài liên quan