Ảnh Shutterstock

Ảnh Shutterstock

Giá đắt của thiếu hiểu biết về nhượng quyền thương hiệu

(ĐTCK) Vụ việc Công ty TNHH HS F&B Hà Nội bị tòa án ở Hàn Quốc tuyên phạt gần 10 tỷ đồng do vi phạm nhượng quyền là bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam khi nhận quyền thương hiệu.

Vừa qua, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên xử phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của Công ty TNHH HS F&B Hà Nội. Trước đó, Công ty The Born Korea đã đề nghị tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài tại Việt Nam với bên phải thi hành là Công ty HS F&B Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi xem xét, Tòa án không chấp nhận đơn kháng cáo của Công ty HS F&B.

Theo quyết định của Tòa án, Công ty HS F&B phải thi hành phán quyết của Hội đồng Trọng tài thương mại Hàn Quốc. Công ty phải lập tức đóng cửa hoạt động kinh doanh nhà hàng Bornga; tháo dỡ hoặc thay đổi bảng hiệu và màu sắc công trình, kết cấu nhà hàng Bornga. Công ty cũng phải hoàn trả thực đơn, hợp đồng tài liệu hướng dẫn, vận hành… Ðồng thời, phải báo cáo về việc chấm dứt hoạt động kinh doanh đã nêu cho bất kỳ cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Từ năm 2007 đến nay, ở chiều vào, có hơn 200 doanh nghiệp nước ngoài được cấp phép nhượng quyền tại Việt Nam...   

Cũng theo phán quyết, trong 12 tháng liên tục tính từ ngày đóng cửa nhà hàng Bornga, Công ty HS F&B không được mở các hoạt động kinh doanh cạnh tranh trong phạm vi bán kính 6 dặm tính từ địa điểm nhà hàng Bornga. Công ty HS F&B phải bồi thường thiệt hại số tiền 397 triệu won, tương ứng với lợi nhuận ước tính của nhà hàng Bornga từ ngày chấm dứt hợp đồng đến ngày ra phán quyết, cộng với khoản tiền bồi thường thiệt hại là 1 triệu won mỗi ngày tính từ ngày Công ty nhận được phán quyết này đến ngày đóng cửa nhà hàng.

Ngoài ra, Công ty HS F&B còn phải trả số tiền 9,4 triệu won là phí trọng tài và 157 triệu won là khoản phí và chi phí hợp lý liên quan mà Công ty The Born Korea phải chịu liên quan đến yêu cầu trọng tài. Công ty The Born Korea phải trả cho Công ty HS F&B số tiền 103.000 USD cho các khoản phí và chi phí hợp lý mà Công ty HS F&B phải chịu liên quan đến đơn yêu cầu.

Ðược biết, năm 2014, hai bên đã ký hợp đồng nhượng quyền. Theo đó, Công ty HS F&B được quyền mở và vận hành nhà hàng mang thương hiệu Bornga mở tại tòa nhà Lotte (đường Liễu Giai, phường Cống Vị, Hà Nội). Thời hạn nhượng quyền là 3 năm.

Ðiều khoản hợp đồng có quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Khi công ty mở chuỗi nhà hàng khác bên cạnh nhà hàng Bornga thì bên nhượng quyền lập tức phản ứng cho rằng, đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Mặc dù bên nhượng quyền đã gửi yêu cầu nhưng Công ty HS F&B phớt lờ, không khắc phục và chấm dứt các vi phạm.

Do không đạt được thỏa thuận khi tranh chấp nên năm 2016, Công ty The Born Korea đã chấm dứt hợp đồng nhượng quyền và sau đó khởi kiện ra trọng tài. Ước tính gần 2 năm kể từ khi phán quyết được ban hành, số tiền mà Công ty HS F&B bị phạt có thể lên đến gần 10 tỷ đồng.

Luật sư Lê Xuân Lộc, Giám đốc Sở hữu trí tuệ, Công ty Luật TNHH T&G cho rằng, cách tính bồi thường thiệt hại hiện nay còn rất nhiều bất cập. Nếu ở nước ngoài, doanh nghiệp có thể yêu cầu tòa án buộc bên vi phạm cung cấp số liệu, chứng từ thể hiện việc kinh doanh bất hợp pháp, thì ở Việt Nam chưa có. Một số chuyên gia cũng thừa nhận, quyền sở hữu trí tuệ là tài sản vô hình nên việc định giá phải dựa vào sự đoán định, suy đoán. Với những quy định như hiện nay, tình trạng doanh nghiệp “nhờn luật” và đến khi phải đối diện với những vụ kiện quốc tế, doanh nghiệp phải trả giá đắt là khó tránh khỏi.   

Những năm gần đây, các thương hiệu ngoại đổ bộ vào thị trường Việt Nam thông qua hình thức nhượng quyền thương mại diễn ra sôi động. Theo thống kê của Bộ Công thương, từ năm 2007 đến nay, ở chiều vào Việt Nam, có hơn 200 doanh nghiệp nước ngoài được cấp phép nhượng quyền tại Việt Nam, nhiều nhất là chuỗi các nhà hàng ăn uống, mới đây nhất là KFC, Pizza Hut, cửa hàng trà sữa thương hiệu Mixue… Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp Việt nhượng quyền ra nước ngoài chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, điển hình như trường hợp Phở 24, sau đó bị thâu tóm.

Mặc dù giá nhượng quyền thường không được tiết lộ, nhưng với những thương hiệu quốc tế, con số này không phải là nhỏ. Bên nhận quyền còn phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về địa điểm, quy trình, kỹ thuật…

Chi phí bỏ ra lớn, nhưng hấp lực từ những lợi thế từ việc nhận chuyển nhượng quyền thương hiệu như không phải xây dựng thương hiệu, thừa hưởng kinh nghiệm, bí quyết kinh doanh… khiến nhiều doanh nghiệp không ngần ngại ký hợp đồng khi chưa am hiểu tường tận pháp lý. Ðây là rủi ro rất lớn vì nếu rơi vào tranh chấp, doanh nghiệp không kịp “trở tay” vì pháp luật ở một số nước quy định mức phạt bồi thường rất chặt chẽ.       

Tin bài liên quan