Giá dầu tăng trong tuần thứ tư liên tiếp khi nhu cầu nhiên liệu gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá dầu có tuần tăng thứ tư liên tiếp khi sự lạc quan về triển vọng nhu cầu đã làm lu mờ những lo ngại về chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và suy thoái kinh tế đã kết hợp làm chao đảo các thị trường tài chính rộng lớn hơn.
Giá dầu tăng trong tuần thứ tư liên tiếp khi nhu cầu nhiên liệu gia tăng

Hợp đồng tương lai dầu WTI đang giao dịch gần 112 USD/thùng và có mức tăng hàng tuần tốt nhất kể từ giữa tháng 2. Giá dầu tăng cao hơn trong những ngày gần đây do nhu cầu về nhiên liệu động cơ cao hơn khi mùa lái xe mùa hè đang đến gần ở Mỹ.

Giá dầu thô đã tăng gần 50% trong năm nay do tác động của xung đột Nga-Ukraine đã gây ra làn sóng chấn động qua các thị trường. Trong khi Mỹ và Anh đã công bố lệnh cấm đối với hàng xuất khẩu của Nga, thì dòng chảy dầu từ Nga sang châu Á đã tăng lên. Trung Quốc đang tìm cách bổ sung các kho dự trữ chiến lược bằng dầu giá rẻ của Nga ngay cả khi các quan chức đang cố gắng để ngăn chặn sự bùng phát của Covid-19. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đã tăng cường mua dầu từ Ấn Độ.

Diễn biến giá dầu Brent, WTI và chỉ số MSCI ACWI Index.

Diễn biến giá dầu Brent, WTI và chỉ số MSCI ACWI Index.

Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo A/S cho biết: “Dầu thô vẫn duy trì biên độ dao động giữa việc tập trung vào chính sách tiền tệ thắt chặt dẫn đến suy giảm kinh tế và thị trường sản phẩm nhiên liệu toàn cầu đang thắt chặt. Sự thắt chặt trong các sản phẩm nhiên liệu toàn cầu sẽ củng cố giá nhiên liệu vốn đã ở mức kỷ lục trên khắp thế giới”.

Mặt khác, có nhiều tín hiệu trái chiều từ Trung Quốc vào thứ Sáu (20/5). Trong khi các ngân hàng nước này đã cắt giảm lãi suất cho các khoản vay dài hạn ở mức kỷ lục để thúc đẩy nền kinh tế đang chậm lại, Thượng Hải đã phát hiện những trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên ngoài vùng cách ly sau 6 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng. Điều này đang đặt ra câu hỏi về việc liệu việc nới lỏng lệnh cấm vận của thành phố có bị ảnh hưởng hay không.

Bước nhảy vọt của giá dầu đã góp phần vào lạm phát nhanh nhất trong nhiều thập kỷ, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cam kết rằng họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy áp lực giá cả đang giảm bớt. Điều đó đã thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ trong khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư và tác động mạnh tới thị trường cổ phiếu, trái phiếu và thị trường hàng hóa.

Tin bài liên quan