Giá dầu trở lại mạnh mẽ, kéo chứng khoán hồi phục theo

(ĐTCK) Sau phiên điều chỉnh hôm thứ Ba, giá dầu thô thế giới đã nhanh chóng lấy lại đà tăng mạnh trong phiên thứ Tư nhờ nhận các thông tin hỗ trợ, kéo chứng khoán phục hồi theo. Trong khi đó, giá vàng tiếp tục có phiên điều chỉnh thứ 2 liên tiếp.
Giá dầu đang trong xu hướng tăng, hỗ trợ cho chứng khoán lấy lại được hết những gì đã mất từ đầu năm (Ảnh minh họa: Internet)

Giá dầu đang trong xu hướng tăng, hỗ trợ cho chứng khoán lấy lại được hết những gì đã mất từ đầu năm (Ảnh minh họa: Internet)

Sau phiên giảm điểm thứ Ba do ảnh hưởng của việc giá dầu đảo chiều, chính giá dầu thô đã đưa chứng khoán Mỹ hồi phục trở lại trong phiên thứ Tư.

Giá dầu thô sau khi điều chỉnh giảm 3% trong phiên thứ Ba trước dự báo về kho dự trữ dầu thô tăng mạnh của Mỹ và dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc được công bố, đã vọt tăng mạnh 5% trở lại trong phiên thứ Tư, giúp nhóm cổ phiếu năng lượng tăng 1,5%, trong đó cổ phiếu của Chervon tăng mạnh nhất nhom với 4,6%.

Theo giới phân tích, chứng khoán tăng không chỉ đơn giản là giá dầu thô tăng, kéo nhóm cổ phiếu năng lượng tăng, mà giá dầu thô chính là phong vũ biểu của nền kinh tế. Việc giá loại nhiên liệu này tăng cho thấy, kinh tế đang tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, đà tăng của phố Wall trong phiên thứ Tư không lớn do bị cản trở của nhóm cổ phiếu công nghệ sinh học sau khi Chính phủ Mỹ đề xuất một chương trình thử nghiệm để sử dụng các loại thuốc điều trị và phương pháp điều trị sẵn có, khuyến khích giảm sử dụng các loại thuộc đắt tiền.

Sau các thông tin kinh tế của Mỹ và Trung Quốc, hiện giới đầu tư đang tập trung vào cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) để xem liệu ngân hàng này có tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và mở rộng gói kích thích kinh tế hay không.

Kết thúc phiên 9/3, chỉ số Dow Jones tăng 36,26 điểm (+0,21%), lên 17.000,36 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 10,0 điểm (+0,51%), lên 1.989,26 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 25,55 điểm (+0,55%), lên 4.674,38 điểm.

Tương tự chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng hồi phục trở lại trong phiên thứ Tư nhờ nhóm cổ phiếu năng lượng, viễn thông và kỳ vọng về việc ECB sẽ cắt giảm 10 điểm cơ bản lãi suất và điều chỉnh chương trình kích thích kinh tế 1.500 tỷ euro.

Kết thúc phiên 9/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 20,88 điểm (+0,34%), lên 6.146,32 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 30,27 điểm (+0,31%), lên 9.723,09 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 21,63 điểm (+0,49%), lên 4.425,65 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng yên tiếp tục tăng giá, trong khi giá dầu giảm và dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc được công bố trước đó đã khiến chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm thứ 3 liên tiếp trong tuần và xuống mức thấp nhất hơn 1 tuần.

Tương tự, nhóm cổ phiếu năng lượng, tài chính cũng khiến chứng khoán Hồng Kông giảm. Tuy nhiên, chỉ số Hang Seng đã hồi phục rất tốt về cuối phiên và chỉ còn mất số điểm ít ỏi so với mức giảm hơn 2% đầu phiên.

Chứng khoán Trung Quốc sau những phiên được kéo tăng yếu ớt, đã giảm mạnh trở lại trong phiên thứ Tư khi không còn lý do để có thể giữ được màu xanh trước dữ liệu kinh tế yếu kém liên tiếp được công bố.

Kết thúc phiên 9/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 140,95 điểm (-0,84%), xuống 16.642,20 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 15,32 điểm (-0,08%), xuống 19.996,26 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 38,83 điểm (-1,34%), xuống 2.862,56 điểm.  

Giá vàng có phiên giảm thứ 2 liên tiếp do áp lực chốt lời và yếu tố kỹ thuật. Theo giới phân tích, đây là cần thiết cho thị trường vàng và nó cho thấy đà tăng của thị trường là lành mạnh.

Kết thúc phiên 9/3, giá vàng giao ngay giảm 8,1 USD (-0,64%), xuống 1.252,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2016 giảm 5,5 USD (-0,44%), xuống 1.257,4 USD/ounce.

Sau phiên điều chỉnh hôm thứ Ba sau số liệu ước tính về kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh và áp lực chốt lời, giá dầu thô đã nhanh chóng lấy lại đà tăng mạnh trong phiên thứ Tư khi giới đầu tư dự đoán các nhà sản xuất lớn nhất thế giới sẽ đồng ý đóng băng sản lượng trong tháng này.

Trong khi đó, khả năng nguồn cung dầu từ Iran vừa gia nhập có khả năng lại bị gián đoạn sau vụ thử hạt nhân của Teheran, khiến Mỹ và các nước phương Tây lên án và kêu gọi trừng phạt quốc gia hồi giáo này.

Về kho dự trữ dầu thô của Mỹ, đúng như dự đoán của giới phân tích, kho dự trữ dầu của Mỹ tuần qua tăng thêm 3,9 triệu thùng, lên mức 522 triệu thùng, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ vừa công bố, thấp hơn nhiều con số ước tính của Viện Dầu khí Mỹ đưa ra trước đó là 4,4 triệu thùng.

Tuy nhiên, kho dự trữ xăng của Mỹ tuần qua lại giảm 4,5 triệu thùng, nhiều hơn so với dự đoán của giới phân tích 1,4 triệu thùng.

Kết thúc phiên 9/3, giá dầu thô Mỹ tăng 1,79 USD (+4,9%), lên 38,29 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,42 USD (+3,58%), lên 41,07 USD/thùng.

Tin bài liên quan