Giá đường trắng tăng mạnh và khan hàng, cơ quan chống độc quyền Nga vào cuộc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Năm (17/3), cơ quan Chống độc quyền Liên bang (FAS) của Nga cho biết, đang tiến hành kiểm tra các nhà sản xuất đường lớn sau khi giá đường tăng mạnh và tình trạng khan hiếm "vô cớ" ở một số khu vực khi người dân đổ xô đi mua.
Giá đường trắng tăng mạnh và khan hàng, cơ quan chống độc quyền Nga vào cuộc

Nhiều người Nga xem đường cùng với các mặt hàng chủ lực như kiều mạch và muối là một sản phẩm thiết yếu để dự trữ trong thời điểm khủng hoảng và đã vội vàng mua tích trữ sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga do xung đột ở Ukraine làm suy yếu đồng rúp và khiến giá lương thực tăng cao.

Lạm phát hàng năm ở Nga tính đến ngày 11/3 đã đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2015 và giá đường đã tăng 12,8% trong tuần trước.

Bên cạnh đó, các nhà chức trách đã nói với mọi người rằng không có căn cứ để đổ xô đi mua các sản phẩm thực phẩm.

Tổ chức chống độc quyền FAS cho biết: “Việc không có đường trên các kệ hàng tại một số khu vực là do nhu cầu quá cao, vốn đang được thúc đẩy bởi các tổ chức không trung thực” .

Các nhà phân tích của Promsvyazbank cho biết, tình trạng thiếu hụt là do hành vi của người tiêu dùng chứ không phải do thiếu sản phẩm. Theo đó, doanh số bán đường đã tăng khoảng 6,5 lần kể từ đầu tháng 3.

Cấm xuất khẩu đường

Nga đã cấm xuất khẩu đường cho đến ngày 31/8 và đặt hạn ngạch miễn thuế đối với nhập khẩu 300.000 tấn đường và đường thô như một phần của các biện pháp mà nước này hy vọng sẽ giảm lạm phát lương thực trong nước.

Bộ Nông nghiệp Nga cho biết, những biện pháp đó cùng với việc dự kiến ​​tăng diện tích gieo trồng củ cải đường năm 2022 của nước này thêm 1,1 triệu ha, sẽ làm tăng nguồn cung trong nước.

"Chúng tôi không gặp vấn đề gì với đường, các nhà sản xuất của chúng tôi đang sản xuất với số lượng đủ lớn", Viktor Evtukhov, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Nga cho biết hôm thứ Năm (17/3).

"Với quyết định cấm xuất khẩu và cho phép nhập khẩu tự do sản phẩm này, chúng tôi thực sự không mong đợi bất kỳ sự thiếu hụt nào của hàng hóa này, vốn đang có nhu cầu rất cao từ người dân hiện nay”, ông cho biết thêm.

Công ty tư vấn IKAR cho biết, hai tàu chở 88.000 tấn đường thô đang trên đường từ Brazil đến cảng Biển Đen của Nga. Công ty bán lẻ Magnit của Nga đã thuê thêm nhân công để nâng cao năng lực đóng gói đường nhằm tăng tốc độ giao hàng đến các kệ hàng trong các cửa hàng và không kỳ vọng tình trạng thiếu hụt sẽ diễn ra.

Anna Meleshina, thành viên hội đồng quản trị Magnit cho biết: “Tất nhiên chúng tôi đang thấy nhu cầu gia tăng nhất thời đối với các loại hàng tạp hóa và một số phi thực phẩm cụ thể, nhưng chúng tôi nghĩ rằng đây là một mô hình tạm thời và quá trình này sẽ ổn định trong tương lai gần”.

Tin bài liên quan