Giá lợn hơi trong nước xuống thấp, Phó thủ tướng yêu cầu nghiên cứu đề xuất nới lỏng rào cản xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu phản ánh liên quan đến vấn đề xuất khẩu thịt lợn.
Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu phản ánh liên quan đến vấn đề xuất khẩu thịt lợn.

Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu phản ánh liên quan đến vấn đề xuất khẩu thịt lợn.

Tại Công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ này chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu phản ánh của báo chí liên quan đến vấn đề xuất khẩu thịt lợn, triển khai các giải pháp phù hợp nhằm phát triển chăn nuôi bền vững, đáp ứng nhu cầu thực phẩm dịp Tết.

Trước đó, báo chí phản ánh, giá lợn hơi trong nước xuống thấp dưới 60.000 đồng/kg, thậm chí những ngày gần đây rớt xuống còn 50.000 đồng/kg. Nguồn cung trong nước đang dư thừa, nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ nên nới lỏng các rào cản để được bán lợn qua biên giới, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan liên quan chủ động triển khai các giải pháp phù hợp nhằm phát triển chăn nuôi bền vững, đáp ứng nhu cầu thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, đảm bảo quyền lợi cho người chăn nuôi.

Bản tin Thị trường nông, lâm, thủy sản (Bộ Công thương) cho biết, trong tháng 10/2022, giá lợn hơi trên cả nước tiếp tục xu hướng giảm, dao động trong khoảng 53.000-59.000 đồng/ kg, giảm 1.000-4.000 đồng/kg so với cuối tháng 9/2022. Dự báo trong thời gian tới, giá lợn hơi vẫn sẽ dao động quanh ngưỡng 50.000-65.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi được dự báo sẽ tăng trở lại vào thời điểm cuối năm do nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng cao.

Trong khi giá lợn hơi biến động giảm, nhưng giá thức ăn chăn nuôi và giá vật tư đầu vào của ngành chăn nuôi vẫn không giảm. Thêm vào đó, đồng USD tăng giá cũng góp phần tác động vào giá thức ăn chăn nuôi khó có thể giảm.

Chỉ còn gần 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu thực phẩm cho ngày Tết cũng sẽ tăng lên, trong đó có nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm. Vì vậy, hiện nay người chăn nuôi cũng chuẩn bị nguồn thịt cung ứng cho người tiêu dùng đón Tết.

Tuy nhiên, với những biến động kinh tế, thị trường hiện nay, người chăn nuôi muốn tái đàn, mở rộng đàn gia súc, gia cầm để tăng lượng thịt cung ứng cũng phải tính toán kỹ lưỡng.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong quý 3/2022, Việt Nam xuất khẩu được 3,99 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 21,18 triệu USD, tăng 4,9% về lượng và tăng 22,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong khi đó, Việt Nam cũng nhập một lượng thịt lớn gấp nhiều lần xuất khẩu. Quý 3/2022, cả nước nhập 191,58 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 418 triệu USD, tăng 4,4% về lượng và tăng 24,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang các nước thuộc khu vực châu Á, trong đó xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông là nhiều nhất, chiếm 45,6% tổng kim ngạch xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của cả nước với 1,83 nghìn tấn, trị giá 9,66 triệu USD, tăng 2,5% về lượng, nhưng giảm 11,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Ấn Độ, Hoa Kỳ, Brazil, Hàn Quốc và Nga là 5 thị trường cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam, trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp lớn nhất với 37,35 nghìn tấn, trị giá 125,84 triệu USD, tăng 164,9% về lượng và tăng 180,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tin bài liên quan