Giá nhiên liệu tăng khắp châu Á do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu

Giá nhiên liệu tăng khắp châu Á do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Châu Á đang phải trả nhiều tiền nhất cho các loại nhiên liệu có thể được đưa vào lò hơi hoặc tuabin điện khi họ tìm kiếm các giải pháp thay thế cho khí đốt tự nhiên ngày càng đắt đỏ.

Cuộc khủng hoảng điện đang làm chao đảo các thị trường năng lượng từ châu Âu sang châu Á. Nhu cầu các nhiên liệu có thể được sử dụng để sưởi ấm hoặc phát điện như khí propan, dầu diesel và dầu nhiên liệu đều tăng mạnh.

Goldman Sachs dự đoán, cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ thúc đẩy tiêu thụ dầu thô nhiều hơn vào cuối năm nay, trong khi Trung Quốc đã ra lệnh cho các công ty quốc doanh phải đảm bảo nguồn cung năng lượng cho mùa đông bằng mọi giá.

Tại châu Á, giá khí propan thường được sử dụng để nấu ăn hoặc sản xuất nhựa đã tăng lên mức cao nhất kể từ ít nhất năm 2016, trong khi giá dầu nhiên liệu gần đây đã tăng gần gấp đôi so với một năm trước đó. Các nhà máy lọc dầu đang hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng năng lượng với lợi nhuận từ việc chuyển đổi dầu thành diesel ở mức cao nhất kể từ tháng 1/2020.

Khủng hoảng năng lượng đã xảy ra do giá nguyên liệu điện như than và khí đốt tự nhiên hóa lỏng tăng cao. Tập đoàn Saudi Aramco ước tính, cuộc khủng hoảng khí đốt đã làm tăng nhu cầu dầu khoảng 500.000 thùng/ngày, trong khi Goldman nhận thấy mức tiêu thụ thậm chí còn tăng cao hơn.

Nguồn cung khí hóa lỏng thắt chặt hơn đã góp phần làm tăng giá. Serena Huang, nhà phân tích hàng đầu châu Á tại Vortexa cho biết, các lô hàng khí hóa lỏng của Mỹ đến châu Á đã giảm hơn 30% trong tháng 9 so với tháng trước đó, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2. Nhà cung cấp khí hóa lỏng hàng đầu Ả Rập Xê Út cũng đã tăng giá lên mức cao nhất trong 7 năm.

“Giá khí hóa lỏng từ các nhà nhập khẩu châu Á có thể sẽ tăng lên trước mùa đông”, Sam Sng, nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn FGE cho biết.

Ông cho biết thêm rằng, hàng tồn kho ở Nhật Bản đang “khá thấp” trong khi nhu cầu pha trộn khí hóa lỏng (LPG) với khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ tăng lên ở Hàn Quốc trong vài tháng tới.

Trong khi đó, tồn kho lượng dầu nhiên liệu cũng đang giảm dần. Dầu nhiên liệu thường được sử dụng để cung cấp năng lượng cho các con tàu hoặc sử dụng để dự phòng khẩn cấp cho khí đốt tự nhiên, các kho dự trữ tại trung tâm lưu trữ của Singapore đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm.

Pakistan và Bangladesh là những khách hàng quan trọng trong khu vực đã sử dụng dầu nhiên liệu để thay thế khí LNG đang đắt đỏ, điều này đã giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận cho việc sản xuất dầu nhiên liệu.

Theo Sandra Octavia, nhà phân tích của Energy Aspects cho biết, Nam Á sẽ sản xuất dầu nhiên liệu khoảng 85.000 - 90.000 thùng/ngày với nhu cầu dầu nhiên liệu gia tăng từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2022. Tuy nhiên, sau việc mua dầu nhiên liệu điên cuồng vào mùa đông năm ngoái, có khả năng nguồn cung cấp năng lượng sẽ được chuẩn bị tốt hơn trong năm nay.

Bên cạnh đó, tiêu thụ dầu diesel của Trung Quốc đã tăng mạnh vào mùa đông năm ngoái do các nhà máy đổ xô lắp đặt máy phát điện di động để đảm bảo các nhà máy vẫn hoạt động trong thời gian thiếu điện, và xu hướng đó có thể sẽ tiếp tục trong năm nay.

Nhu cầu tiêu thụ ở châu Âu đã tăng vọt trong năm nay làm gia tăng khoảng cách giá với châu Á, trong khi xuất khẩu nhiên liệu của Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng.

Tin bài liên quan