Giá than ở châu Á đạt kỷ lục mới khi các công ty điện lực toàn cầu đang thiếu hụt nhiên liệu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá than đá trên toàn châu Á đã đạt mức cao mới trong tuần này khi tồn kho Trung Quốc và Ấn Độ ở mức cực kỳ thấp trong bối cảnh mức tiêu thụ điện mạnh mẽ.
Giá than ở châu Á đạt kỷ lục mới khi các công ty điện lực toàn cầu đang thiếu hụt nhiên liệu

Hợp đồng tương lai than nhiệt trên Sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu đã tăng hơn 4% vào thứ Ba (7/9) lên mức cao kỷ lục 979 nhân dân tệ (151,63 USD)/tấn.

Giá than nhiệt của Mỹ tại các thị trường bán lẻ Bắc Ấn Độ đã tăng khoảng 33% trong 15 ngày qua và tăng hơn 100% so với một năm trước lên 14.600 rupee Ấn Độ/tấn.

Nguồn cung than đang gặp khó khăn trong việc bắt kịp nhu cầu ở nước tiêu thụ hàng đầu than là Trung Quốc do việc kiểm tra độ an toàn của mỏ làm chậm sản lượng khai thác. Trong khi đó, gió mùa và các hạn chế Covid-19 đã cản trở sản xuất ở nước tiêu thụ than thứ hai là Ấn Độ.

Thị trường than đang trở nên thắt chặt trên khắp châu Á làm nổi bật thị trường tăng giá toàn cầu đối với tất cả các loại nhiên liệu sản xuất điện, bao gồm khí đốt tự nhiên và dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh cao khi được thúc đẩy bởi tăng trưởng kinh tế và các vấn đề cung cấp khí hoá lỏng.

"Giá cả tăng phi mã do đợt nắng nóng của Trung Quốc, thiếu hụt than đá ở Ấn Độ và các nhà máy điện, giá cước vận chuyển cao, nhu cầu than gia tăng ở phần còn lại của châu Á, nguồn cung than khan hiếm do mưa ở Indonesia, bão Ida ở Mỹ”, Puneet Gupta, người sáng lập Coalshastra ở Ấn Độ cho biết.

Giá than từ các nhà xuất khẩu Úc và Indonesia gần đây cũng tăng lên mức cao nhất mọi thời đại. Giá than Newcastle của Úc tăng khoảng 50% và giá xuất khẩu của Indonesia tăng 30% trong ba tháng qua.

Hợp đồng tương lai than luyện cốc của Trung Quốc cũng đang tăng mạnh và đã tăng hơn 50% trong ba tháng qua.

Trong khi đó, việc kiểm soát nguồn cung nghiêm ngặt ở Trung Quốc là chất xúc tác đằng sau đợt tăng của giá than gần đây nhất.

Hôm thứ Sáu (3/9), Sơn Tây, tỉnh khai thác than hàng đầu của Trung Quốc đã ra lệnh cho tất cả các mỏ than của họ phải thực hiện kiểm tra an toàn trong 2 tháng và những mỏ không tuân thủ sẽ được đóng cửa để sửa chữa.

Một mỏ than thuộc sở hữu nhà nước với công suất 6 triệu tấn hàng năm đã bị chính quyền tỉnh Sơn Tây đóng cửa ít nhất 1 tháng sau khi một vụ tai nạn chết người xảy ra vào tuần trước.

Nhà hoạch định nhà nước Trung Quốc cũng đã bắt đầu một đợt thăm dò giá mới tại các khu vực khai thác than bao gồm Sơn Tây và Nội Mông nhằm ngăn chặn việc tăng giá bất hợp pháp và ổn định thị trường.

Một nhà kinh doanh than ở Nội Mông cho biết: "Cuộc điều tra lúc này đang tập trung vào một số mỏ lớn chịu trách nhiệm đảm bảo cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện than. Vẫn chưa chắc chắn liệu cuộc điều tra có mở rộng ra nhiều mỏ hơn hay không".

Vào tháng 8, một quan chức tại Hội đồng Điện lực Trung Quốc xác nhận rằng, 11 nhà máy nhiệt điện than đã cùng kêu gọi chính quyền thành phố Bắc Kinh thông qua một lá thư yêu cầu tăng giá điện cho thương mại số lượng lớn khi các công ty điện lực phải vật lộn với thua lỗ trong bối cảnh giá than tăng cao.

Các nhà máy điện ở đông bắc Trung Quốc đã bắt đầu bổ sung hàng tồn kho trước mùa sưởi ấm vào mùa đông trong khi các nhà máy khác ở miền bắc nước này dự kiến ​​sẽ có động thái tương tự trong những tuần tới.

Tại Ấn Độ, chính phủ đã thúc giục các mỏ than địa phương tăng sản lượng và yêu cầu các công ty điện lực nhập khẩu than do một số nhà máy điện sắp cạn kiệt nhiên liệu.

Tin bài liên quan