Giá sữa bán lẻ chỉ giảm nhỏ giọt, không như thông báo

Giá sữa bán lẻ chỉ giảm nhỏ giọt, không như thông báo

Hiện tại, nhìn chung, giá sữa bột dành cho trẻ em bán lẻ có giảm, song không đáng kể. Điều này khá khác so với các mức giảm 20-40% giá như trước đây. 

Sau 10 ngày thực hiện giá sữa bán lẻ theo Quyết định số 1079/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, ghi nhận chung trên thị trường sữa tại Hà Nội cho thấy, phần lớn các cửa hàng, đại lý và siêu thị đều đã đồng loạt giảm giá bán mặt hàng sữa này.

Tuy nhiên, số lượng sản phẩm được giảm giá còn rất hạn chế so với danh mục mà các doanh nghiệp đăng ký với cơ quan quản lý giá. Chưa kể, biên độ giảm giá của sản phẩm mỗi nơi mỗi khác, thậm chí có cả đại lý, cửa hàng bán lẻ vẫn chưa thực hiện theo giá bán mới.

Trong vai khách hàng mua sữa tại Cửa hàng Bán lẻ sữa và bánh kẹo 61- Bạch Mai, quận Hai Bà (Hà Nội), tối ngày 27/6, phóng viên Báo Đầu tư đã hỏi giá sản phẩm sữa bột dưới 6 tuổi của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM), chủ cửa hàng này cho biết, hiện nhà sản xuất mới chỉ thông báo giảm giá với sản phẩm sữa bột Dielac Alpha 123HT 900 (dành cho trẻ em 1-3 tuổi), với mức giá mới là 180.000 đồng, giảm gần 30.000 đồng/hộp so với giá cũ.

Cùng là sản phẩm cho trẻ dưới 6 tuổi của VNM, nhưng Dielac Alpha 456 HT 900 lại chưa được giảm, mà vẫn được bán với giá cũ 204.000 - 208.000 đồng. Thông thường, sản phẩm dành cho trẻ 4 - 6 tuổi luôn rẻ hơn sản phẩm dành cho trẻ 1 - 3 tuổi từ 10.000 đến 15.000 đồng, song hiện lại có giá cao hơn.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Đại lý sữa Minh Tiến (282 - Bạch Mai, Hà Nội). Chủ đại lý cho biết, sũa bột Dielac Alpha 456 HT 900 vẫn bán với giá cũ, vì chưa được nhà cung cấp thông báo giảm giá. Riêng dòng Dielac Alpha 123HT thì giảm còn 180.000 đồng.

Còn các dòng sản phẩm của Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam thì mới được thông báo giảm giá cách đây 2 ngày.

Cũng tại Cửa hàng 61 - Bạch Mai, khi hỏi tại sao dòng sản phẩm NAN Pro 3 LEB047, hay NAN 1 BL NWB019-4-S VN vẫn thấy giá niêm yết cũ lần lượt là 420.000 đồng và 410.000 đồng/hộp, thì chủ cửa hàng cho biết, Nestlé Việt Nam đã có thông báo giảm giá, nhưng đại lý chưa kịp niêm yết giá mới, dù thời hạn thực hiện giảm giá sữa bán lẻ theo quy định bắt đầu từ ngày 21/6.

Nhiều người tiêu dùng tỏ ra bức xúc trước việc giá sữa bán lẻ chưa giảm nhiều sau quyết định áp giá trần sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi. Số lượng các sản phẩm sữa được giảm giá còn ít theo quy định đã đành, nhưng sự bất bình lại tăng lên, khi các hãng sữa giảm giá bán sản phẩm nằm trong diện bị áp giá trần, nhưng lại tăng giá với các dòng sản phẩm khác.

Đơn cử, sản phẩm Pediasure (dành cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi) của Abbott do Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A Việt Nam nhập khẩu và phân phối, loại hộp 900 gr nay đã được thay bằng loại hộp mới có trọng lượng chỉ còn 850 gr, với giá bán không giảm mà vẫn bằng giá cũ 565.000 đồng/hộp.

Bà Hoàng Thu Hằng, chủ đại lý sữa tại Sơn Tây cho biết, là đại lý kinh doanh bán lẻ sữa, bà cũng thấy bức xúc với một số hãng sữa. “Việc áp trần giá sữa, chiết khấu của nhà cung cấp cho các đại lý gần như không còn đã đành, nhưng việc giảm giá sữa trẻ em, tăng giá với các dòng sản phẩm khác không thuộc diện bình ổn, làm cho tiêu thụ tại đại lý bị sụt giảm. Vì vậy, chúng tôi phải giải thích cho khách hàng nhiều hơn trước”, bà Hằng phàn nàn.

Ngoài ra, thị trường bán lẻ sữa cũng ghi nhận thêm dòng sản phẩm Optimum của VNM cũng là một sản phẩm dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, nhưng lại không giảm giá theo quy định áp giá trần của Bộ Tài chính.

Ông Mai Hoài Anh, Giám đốc Điều hành kinh doanh VNM giải thích, Optimum là một sản phẩm chức năng, nên không nằm trong danh mục áp giá trần của Bộ Tài chính, tuy nhiên, VNM cũng đã đăng ký giá bán buôn mới cho sản phẩm này.

Theo ghi nhận, điểm tích cực trên thị trường sữa tại thời điểm này là phần lớn các đại lý, cửa hàng bán lẻ đều niêm yết giá bán mới, với mức chênh lệch gần như không đáng kể, dù chi phí thuê cửa hàng, nhân viên bán hàng tại mỗi đại lý khác nhau.

Tuy nhiên, để thị trường đi vào nền nếp hơn, bản thân các đại lý, cửa hàng bán lẻ cũng mong muốn các cơ quan quản lý giá thực hiện kiểm tra, kiểm soát giá thường xuyên để việc kinh doanh của các cửa hàng này được suôn sẻ và cạnh tranh giữa các đại lý diễn ra lành mạnh.

Tin bài liên quan