Ngành du lịch đón tín hiệu vui ngay những ngày đầu năm khi lượng khách cao so với cùng kỳ năm ngoái

Ngành du lịch đón tín hiệu vui ngay những ngày đầu năm khi lượng khách cao so với cùng kỳ năm ngoái

Gia tăng sức cạnh tranh cho du lịch Việt

0:00 / 0:00
0:00
Dòng khách quốc tế cao cấp vẫn là mục tiêu khai thác của các doanh nghiệp lữ hành. Vì vậy, hầu hết doanh nghiệp mong muốn các hoạt động xúc tiến của cơ quan, ban ngành chất lượng hơn, định vị được thương hiệu của du lịch Việt Nam.

Tín hiệu vui ngày đầu năm

Trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch năm 2024, thống kê nhanh từ Sở Du lịch TP.HCM, có trên 1,6 triệu lượt du khách tham quan tại các khu điểm du lịch, vui chơi giải trí trên địa bàn Thành phố, tăng 3,1% so với dịp Tết Dương lịch năm ngoái. Khách quốc tế đến TP.HCM khoảng 46.528 lượt, tăng 86,1%; doanh thu du lịch đạt khoảng 6.400 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Ghi nhận tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc, lượng khách du lịch có tín hiệu tích cực. Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch, ước tính Hà Nội đón 402.000 lượt khách, tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 72.000 lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 1.500 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2023.

Có thể thấy, hoạt động du lịch mở đầu năm 2024 bằng những tín hiệu rất tích cực khi trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch, cả nước đã phục vụ khoảng 3,2 triệu lượt khách du lịch, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỷ đồng.

Để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực, ngành du lịch cần một “nhạc trưởng” để điều phối, từ đó có được mức giá thấp hơn và tập trung nguồn lực để phát triển.

Song, bên cạnh niềm vui, hành trình hồi phục của du lịch Việt Nam vẫn còn những thách thức về “khoảng trống” của chính sách, cũng như sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa còn thấp so với các quốc gia trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Singapore, Indonesia.

Tiêu biểu là Thái Lan. Theo Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT), chỉ riêng trong dịp năm mới, từ ngày 22/12/2023 đến ngày 1/1/2024, quốc gia này đã thu được 54,4 tỷ baht từ các hoạt động liên quan du lịch, tăng 44% so với doanh thu dịp Tết năm ngoái.

Dựa trên những kết quả tích cực đã đạt được trong năm 2023, ngành du lịch Thái Lan đặt mục tiêu thu hút khoảng 35 triệu lượt khách nước ngoài, đóng góp khoảng 3.500 tỷ baht (hơn 100 tỷ USD) cho nền kinh tế trong năm 2024.

Mới đây, Chính phủ Thái Lan lên kế hoạch nới lỏng chính sách thị thực với khách châu Âu trong “đại chiến lược du lịch” mới. Ngoài ra, các hãng hàng không bổ sung nhiều tuyến, giảm thời gian chờ đợi của du khách tại sân bay. Trước đó, Thái Lan cũng đã miễn visa tạm thời cho khách Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Ấn Độ, Đài Loan trong mùa cao điểm du lịch cuối năm.

Doanh nghiệp nỗ lực gia tăng tính cạnh tranh

Tại Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Bến Thành (BenThanh Tourist), dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, BenThanh Tourist ghi nhận số lượng khách đăng ký tăng trưởng mạnh so với Tết năm ngoái (tăng 40%). Lượng khách hỏi tour trong dịp cao điểm tháng 4 cũng tăng cao. Tuy nhiên, so với năm 2019 mới chỉ đạt khoảng 70%.

Bà Thi Thị Capstan, phụ trách khối lữ hành BenThanh Tourist nêu kinh nghiệm từ Thái Lan: “Du lịch của Thái Lan bứt tốc thần kỳ vì họ có kế hoạch và triển khai chiến lược một cách đồng bộ, liên kết đa ngành để khai thác hiệu quả. Tại Việt Nam, với nguồn tài nguyên dồi dào về văn hóa, di sản thiên nhiên, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực nếu chúng ta phát triển đồng bộ và có sự liên kết du lịch giữa các ngành, các địa phương chặt chẽ hơn”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Image Travel & Event cho biết, năm 2023 lượng khách châu Âu đến Thái Lan rất lớn. Nguyên nhân là do chính sách visa, giá cả, hàng không của Thái Lan rất tốt nên thu hút được nhiều khách lẻ và khách đoàn, kể cả khách đi tự do cũng chọn Thái Lan.

“Sản phẩm tour ở Thái Lan có giá thấp do nước họ có chính sách vĩ mô về giá rất tốt, giá được kiểm soát ổn định ở mọi miền của đất nước. Sản phẩm có giá rẻ, cộng với giá vé máy bay thấp nên giá tour rất hấp dẫn. Đặc biệt, quốc gia này đầu tư rất mạnh vào marketing tại những nước có tiềm năng như Pháp, Đức… với những bảng quảng cáo ở khu vực tàu điện ngầm trong các thành phố lớn, hội nghị, hội chợ cấp quốc gia”, ông Toản nói.

Còn tại Việt Nam, việc quảng bá hình ảnh còn nhiều hạn chế, giá vé máy bay hiện rất cao; các dịch vụ vui chơi, nghỉ dưỡng thiếu sự phong phú, dẫn đến việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa phục hồi so với trước Covid-19.

Ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc truyền thông Công ty Du lịch Việt hiến kế, để cạnh tranh với các nước trong khu vực, ngành du lịch cần một “nhạc trưởng” để điều phối, từ đó có được mức giá thấp hơn và tập trung nguồn lực để phát triển.

“Hiện doanh nghiệp chú trọng xây dựng đội ngũ nhân sự, sản phẩm và cách quảng bá. Chúng tôi cho rằng, việc đẩy mạnh các sản phẩm thiên về môi trường, du lịch bền vững, du lịch MICE… là những yếu tố giúp Công ty Du lịch Việt nói riêng và ngành du lịch nói chung có thể gia tăng khả năng cạnh tranh trong năm 2024”, ông Vũ chia sẻ.

Về phía BenThanh Tourist, bên cạnh những sản phẩm thuần tuý với giá cả cạnh tranh, doanh nghiệp đang phát triển gói sản phẩm cao cấp với những trải nghiệm độc đáo cho dòng khách hạng sang như tour golf, trekking, MICE…

Theo bà Thi Thị Capstan, doanh nghiệp liên tục xúc tiến tại nước ngoài nhằm đa dạng nguồn khách tại các hội chợ Imex Frankfurt, Imex Las Vegas, Roadshow Australia, ITB Singapore và WTM ở Anh… Đồng thời liên kết và kết hợp với đối tác dịch vụ, hàng không để phát triển đồng bộ nhằm giảm giá thành sản phẩm.

Tin bài liên quan