Giá than toàn cầu tăng mạnh do căng thẳng Ukraine làm trầm trọng thêm vấn đề thiếu hụt nguồn cung

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá than toàn cầu đã tăng trở lại gần mức cao kỷ lục do cuộc khủng hoảng Ukraine làm gia tăng kỳ vọng rằng châu Âu sẽ bắt đầu mua nhiên liệu hóa thạch vì lo ngại rằng sự bế tắc giữa Nga và các quốc gia phương Tây sẽ cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt.
Giá than toàn cầu tăng mạnh do căng thẳng Ukraine làm trầm trọng thêm vấn đề thiếu hụt nguồn cung

Chỉ số giá than Newcastle đã tăng hơn 30% trong tháng này lên 262 USD/tấn. Ban đầu đà tăng của giá than được thúc đẩy bởi lệnh cấm xuất khẩu kéo dài một tháng của nhà cung cấp hàng đầu Indonesia và bây giờ là do lo ngại rằng bất kỳ sự can dự quân sự nào ở Ukraine sẽ cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt từ Nga.

Chỉ số giá than Newcastle

Chỉ số giá than Newcastle

Châu Âu phụ thuộc vào Nga với khoảng 35% lượng khí đốt tự nhiên và đã phải vật lộn với tình trạng thiếu khí đốt kể từ mùa hè năm ngoái khiến giá khí nội địa lên mức cao kỷ lục vào thời điểm đó.

Giá khí đốt mặc dù đã bắt đầu giảm trong những tuần gần đây do nhập khẩu tăng, nhưng đã tăng trở lại khi căng thẳng leo thang với Nga làm gia tăng lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung.

Đứng trước rủi ro về tình trạng thiếu hụt nhiên liệu, các công ty tiện ích châu Âu đã tăng cường nhập khẩu than, thắt chặt thị trường vẫn chưa phục hồi sau lệnh cấm xuất khẩu than của Indonesia làm cắt giảm dòng chảy than trong mùa nhu cầu cao điểm mùa đông.

Puneet Gupta, nhà sáng lập thị trường than Ấn Độ Coalshastra cho biết: “Hàng giao ngay đang trở nên khan hiếm hơn trong thời gian tới, với xu hướng thiếu hụt đang chuyển sang châu Âu khi giá đang tăng vọt do giá khí đốt và ảnh hưởng đồng thời của lệnh cấm Indonesia gần đây”.

Trong khi việc sử dụng than của châu Âu đã giảm mạnh trong những năm gần đây vì chỉ chiếm 6,2% lượng than sử dụng toàn cầu vào năm 2020 thì những quốc gia châu Âu vẫn tích cực tăng cường mua than kể từ giữa năm 2021.

Trước áp lực phải đáp ứng các mục tiêu về khí hậu, một số nước EU đã đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than cũ. Một số quốc gia giữ lại các nhà máy than để sử dụng cho nguồn cung dự phòng nhưng nhiều quốc gia vẫn chuẩn bị than để dự phòng giá khí đốt tăng cao.

Tình hình nhập khẩu than ở các khu vực

Tình hình nhập khẩu than ở các khu vực

Theo công ty theo dõi hàng hóa Kpler, châu Âu sẽ nhập khẩu 5,58 triệu tấn than nhiệt vào tháng 1, mức cao nhất theo tháng kể từ tháng 11/2019 và cao hơn 1 triệu tấn so với mức trung bình hàng tháng vào năm 2021.

Nhu cầu mua than tăng mạnh của châu Âu đã thúc đẩy giá than tăng mạnh trở lại sau khi giảm từ mức cao kỷ lục vào tháng 10/2021 do tình trạng thiếu hụt ở Trung Quốc và Ấn Độ trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt và nhu cầu công nghiệp sau đại dịch.

Phản ứng dây chuyền

Sự gia tăng tiêu thụ của châu Âu có thể làm ảnh hưởng tới những quốc gia có nhu cầu mua than khác, đặc biệt là ở nước tiêu thụ than đứng thứ hai thế giới là Ấn Độ.

Rajendra Singh, giám đốc điều hành tại công ty kinh doanh hàng hoá Komin India Resources cho biết, Ấn Độ sẽ phải trả giá cao hơn cho than đường biển khi nguồn cung thắt chặt trong những tuần tới.

“Vấn đề địa chính trị Ukraine-Nga sẽ làm trầm trọng thêm các thách thức hậu cần do lệnh cấm khai thác than của chính phủ Indonesia”, ông cho biết.

Mặt khác, nước tiêu thụ than nhiều nhất là Trung Quốc có khoảng 90% nguồn cung từ các mỏ trong nước, giúp nước này cách ly tốt hơn với sự biến động của thị trường quốc tế.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn cảnh giác về bất kỳ sự gián đoạn kéo dài nào đối với dòng chảy than quốc tế do quốc gia này phụ thuộc vào than với hơn 60% sản lượng điện.

Tại Philippines, than đá cũng chiếm khoảng 60% sản lượng điện và các nhà sản xuất điện đã được yêu cầu sử dụng nhiều hơn nguồn cung cấp than trong nước nếu có thể.

Arnulfo Robles, giám đốc điều hành của nhóm vận động hành lang Philippine cho biết: “Đối với các nhà máy điện khác chỉ dựa vào than cấp cao nhập khẩu, không còn cách nào khác ngoài việc tìm kiếm các nguồn than khác từ các nước lân cận như Australia, Nga và Việt Nam”.

“Nhưng nhược điểm là nguồn cung cấp than cao cấp từ các nước này đắt hơn do chi phí vận chuyển cao”, ông cho biết.

Rory Simington, nhà phân tích của Wood Mackeznie cho biết, tác động của lệnh cấm từ Indonesia cũng được cảm nhận nhiều hơn đối với than năng lượng cao vì các lựa chọn thay thế bị hạn chế hơn.

Trong khi giá than có thể sẽ giảm vào tháng 2, bức tranh có thể thay đổi trong trường hợp hủy bỏ đường ống dẫn khí Nord Stream 2 đến châu Âu hoặc gián đoạn xuất khẩu than của Nga.

Triển vọng xuất khẩu than không rõ ràng từ Indonesia

Cũng như không chắc chắn về Ukraine, các nhà nhập khẩu vẫn chưa rõ những gì sẽ xảy ra từ Indonesia sau khi các nhà chức trách nước này cho biết chỉ những công ty khai thác đã tuân thủ các quy định bán hàng tại thị trường nội địa mới được phép tiếp tục xuất khẩu sau khi lệnh cấm chính thức hết hạn vào ngày 31/1.

Kirit C Gandhi, chủ tịch công ty xi măng Ấn Độ Shree Cement cho biết, các nhà máy điện tư nhân ở Ấn Độ "chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng" bởi lệnh cấm than của Indonesia, vì vấn đề vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn và các công ty tiện ích của Ấn Độ chủ yếu mua từ các công ty khai thác nhỏ.

“Nếu việc bốc hàng tươi không được phép trong vòng 5-10 ngày tới, giá than sẽ còn tăng vọt. Người tiêu dùng không thể chờ đợi thêm vì đây là mùa thu mua cao điểm", ông cho biết.

Vasudev Pamnani, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Ấn Độ Lavi Coal Info OPC cho biết, người mua có "rất ít lựa chọn, còn vấn đề về nguồn cung thì ở khắp mọi nơi”.

Tin bài liên quan