Giá trị cốt lõi giúp BVSC trụ vững trong bão

Giá trị cốt lõi giúp BVSC trụ vững trong bão

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nhữ Đình Hòa, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, dù năm 2020 đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với định hướng lâu dài xây dựng niềm tin, tính minh bạch, sự ổn định về tài chính và đạo đức kinh doanh, BVSC đã trụ vững.

Trong Báo cáo thường niên 2019, BVSC truyền tải thông điệp, xây dựng môi trường của lòng tin, tính minh bạch, sự ổn định về tài chính và đạo đức kinh doanh là những giá trị cốt lõi Công ty đặt ra trong hoạt động quản trị, điều hành doanh nghiệp. Cách tư duy này giúp BVSC đạt hiệu quả kinh doanh như thế nào, nhất là trong năm 2020, khi cả thế giới khốn khó vì đại dịch Covid-19, thưa ông?

Thông điệp trong cuốn Báo cáo thường niên vừa qua không chỉ là thông điệp của năm 2019, đó là thông điệp có tính định hướng xuyên suốt, là phương châm hành động của chúng tôi. Thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng là thị trường của lòng tin, sự tín nhiệm, có tính nhạy cảm, biến động cao.

Nếu không xác định những giá trị cốt lõi có tính nền tảng làm phương châm hành động, thì trước những biến động từ bên ngoài, như đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp sẽ rất dễ bị tổn thương và khó phát triển bền vững.

Chúng ta đã và đang chứng kiến phạm vi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lên toàn cầu nặng nề gấp nhiều lần so với cuộc khủng hoảng tài chính hơn 10 năm trước. Ðiều này buộc các doanh nghiệp phải có sự thay đổi và thích nghi nhanh với môi trường mới để tồn tại.

BVSC cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng từ đại dịch này, khi lần đầu tiên sau rất nhiều năm, chúng tôi phải công bố lỗ trong quý I/2020, thời điểm dịch bệnh bùng phát lần đầu và bức tranh chung của toàn thị trường chứng khoán là u ám.

Trong bối cảnh này, mỗi công ty đều phải có những chọn lựa nhất định, để tồn tại trước tiên, rồi mới tính đến câu chuyện phát triển tiếp theo như thế nào. Chúng tôi chọn ưu tiên hàng đầu là duy trì sự ổn định của bộ máy trên mọi phương diện.

Thứ nhất, tạo sự ổn định về đội ngũ nhân sự, đặc biệt là ổn định về tâm lý. Chúng tôi xây dựng kế hoạch cắt giảm chi phí vận hành trên diện rộng, nhưng không thực hiện cắt giảm định biên nhân sự, không giảm lương và các chính sách phúc lợi của người lao động. Ðiều đó giúp củng cố tinh thần và niềm tin của toàn đội ngũ cán bộ nhân viên vào định hướng và chính sách phát triển của Công ty, qua đó động lực làm việc của người lao động không hề có sự giảm sút, mà còn tăng lên.

Thứ hai, chúng tôi đảm bảo duy trì sự ổn định về chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Trong giai đoạn cao điểm đối phó với Covid, chúng tôi cũng buộc phải tổ chức và phân luồng công việc theo một phương thức mới, phân bổ nhân sự để đảm bảo tuân thủ giãn cách xã hội, nhưng không làm ảnh hưởng chất lượng dịch vụ tới khách hàng.

Trong giai đoạn vừa qua, có một số công ty chứng khoán đã gặp phải sự cố về hệ thống giao dịch, thậm chí có công ty còn bị sở giao dịch chứng khoán ngắt kết nối. Trong khi đó, hệ thống của BVSC vẫn thông suốt và chúng tôi tiếp tục đều đặn cho ra đời những sản phẩm mới phục vụ khách hàng, như bổ sung thêm nhiều hàng hóa cho dịch vụ Ibond, ra mắt Ideposit, chuyển đổi nền tảng giao dịch online, ra đời bảng điện tử phiên bản mới gia tăng trải nghiệm khách hàng…

Những biện pháp có tính căn cơ đã giúp BVSC duy trì trạng thái ổn định và khi thị trường có những chuyển biến thuận lợi vào thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, kết quả kinh doanh của chúng tôi đã có sự chuyển biến tích cực kể từ quý II và đến thời điểm hiện nay, BVSC tự tin vẫn đang bám sát mục tiêu lợi nhuận 2020 được Ðại hội đồng cổ đông giao.

Không chỉ đại dịch Covid-19, khối công ty chứng khoán nội còn đối mặt với một thách thức khác, đó là sự tham gia của khối công ty chứng khoán ngoại, có lợi thế vốn rẻ dồi dào, linh hoạt trong phục vụ khách hàng và sẵn sàng săn các nhân sự giỏi trên thị trường về làm việc. BVSC cảm nhận như thế nào về sức ép cạnh tranh này và Công ty chọn xây cho mình những thế mạnh cốt lõi gì để tiếp tục trụ vững trên thương trường?

Ông Nhữ Đình Hòa.

Ông Nhữ Đình Hòa.

Cạnh tranh là quy luật không thể tránh khỏi, những năm qua, áp lực cạnh tranh đến từ công ty chứng khoán ngoại với những lợi thế như trên rất rõ nét, đặc biệt là khi có sự thay đổi quy định pháp luật về bỏ phí sàn môi giới chứng khoán, khi đó nhiều công ty chứng khoán ngoại đã giảm phí giao dịch về 0% cho khách hàng.

Bên cạnh đó, lợi thế vốn rẻ dồi dào cũng cho phép các công ty chứng khoán ngoại cung cấp dịch vụ margin với lãi suất thấp, lợi thế mà các công ty chứng khoán nội nói chung và BVSC nói riêng không thể có được.

Áp lực về biến động nhân sự cũng là không thể tránh khỏi. Thực tế, trong những năm qua, BVSC cũng có sự dịch chuyển nhân sự sang công ty chứng khoán ngoại.

Sự cạnh tranh từ khối các công ty chứng khoán ngoại đã trở thành hiện hữu khá thách thức với các công ty chứng khoán trong nước. Trong bối cảnh cạnh tranh, nhà đầu tư được hưởng lợi từ phí dịch vụ thấp, chi phí vốn vay khá rẻ, tuy nhiên, xét về lâu dài, sự phụ thuộc vào dòng vốn ngoại cũng sẽ là vấn đề cần cân nhắc.

Hiện tại, dư nợ của các công ty chứng khoán ngoại chiếm một tỷ trọng không nhỏ, ước khoảng 20% số dư nợ margin của toàn thị trường. Các dòng vốn này có tính chất ngắn hạn, thường được công ty mẹ tài trợ cho pháp nhân ở Việt Nam qua hình thức vay ngắn hạn, trái phiếu hoặc qua các quỹ đầu tư.

Do tính chất ngắn hạn, nên nếu có tác động bởi các yếu tố khác như rủi ro tỷ giá, sự thay đổi của dòng vốn này có thể rất nhanh và tác động tới sự ổn định, bền vững của Thị trường chứng khoán Việt Nam. Ðây là một vấn đề mà chúng tôi cho rằng góc độ quản lý nhà nước nên có sự quan tâm.

Dù vậy, như tôi đã chia sẻ ở trên, giá trị cốt lõi của BVSC nằm ở quá trình lâu dài xây dựng niềm tin, tính minh bạch, sự ổn định về tài chính và đạo đức kinh doanh chính là thế mạnh của chúng tôi để tiếp tục trụ vững. Covid-19 như một phép thử tính đúng đắn và bền vững của những giá trị đó. Nhiều nhà đầu tư vẫn gắn bó với chúng tôi mặc dù có sự lôi kéo khá lớn của các công ty chứng khoán mới.

Từ năm 2013 đến nay, BVSC luôn được đánh giá là doanh nghiệp niêm yết Top đầu trong thực thi minh bạch và quản trị hiệu quả. Cổ đông của Công ty luôn yên tâm về sức khỏe tài chính và dòng cổ tức khá ổn định hàng năm, nhưng cũng có những người thắc mắc rằng, giá cổ phiếu BVS thường ở dưới giá trị thực. Phải chăng, vì cơ cấu cổ đông BVSC quá cô đặc, hay vì lý do nào khác, thưa ông?

Với cơ cấu cổ đông cô đặc, thanh khoản của cổ phiếu trên thị trường sẽ ở mức thấp, từ đó dẫn tới đòi hỏi tỷ lệ chiết khấu lớn hơn giữa giá thị trường và giá hợp lý, điều này cũng là tự nhiên và đây là câu chuyện không chỉ của riêng BVS, mà còn của những cổ phiếu chứng khoán khác có tính chất sở hữu, cơ cấu cổ đông tương tự như BVSC (PSI, CTS, AGR, BSI, CTS….).

Ngoài yếu tố thanh khoản thấp, tôi cho rằng, nhiều nhà đầu tư bây giờ quan tâm nhiều đến tính đa dạng trong cơ cấu cổ đông với mong muốn tăng tiếng nói phản biện, thêm các ý tưởng phát triển mới… Ðiều này cũng là một phần nguyên nhân khiến giá của các cổ phiếu có cơ cấu cổ đông cô đặc thường giao dịch xa giá hợp lý.

Ở một bình diện khác, BVSC là doanh nghiệp niêm yết Top đầu trong thực thi minh bạch và quản trị hiệu quả, có sức khỏe tài chính ổn định. Vài năm gần đây, tỷ lệ cổ tức/thị giá hàng năm gần 10%, hấp dẫn hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng, tạo ra sự hấp dẫn với những nhà đầu tư giá trị.

Chính những điều này khiến nhiều nhà đầu tư mua và nắm giữ BVS cho mục tiêu dài hạn, bỏ qua yếu tố thị trường, càng khiến thanh khoản cổ phiếu BVS thấp đi.

Ðiều này làm giảm tính thị trường của cổ phiếu, khiến cổ phiếu thường được giao dịch thấp khá xa giá trị hợp lý, nhưng tôi tin đây là cơ hội cho các nhà đầu tư có sự lựa chọn an toàn và kỳ vọng cổ tức ổn định.

Ông dự cảm như thế nào về bức tranh nền kinh tế và Thị trường chứng khoán Việt Nam 2021? Với việc nhiều dự án luật cùng có hiệu lực và nhiều thay đổi về nền tảng công nghệ, sản phẩm trên thị trường, liệu có thể kỳ vọng sẽ tạo sức bật mới cho Thị trường chứng khoán Việt Nam không, thưa ông?

Tôi cho rằng, Chính phủ đã thực hiện việc khống chế dịch bệnh rất tốt, chính điều này đã mở ra cơ hội lớn cho kinh tế Việt Nam không chỉ trong năm 2021 mà các năm sau nữa.

Hiện tại, đã có một số vắc-xin có hiệu quả cao và có thể được cấp phép lưu hành trong thời gian tới, nên dịch bệnh kỳ vọng được khống chế và nhịp sống bình thường sẽ trở lại. Vì vậy, trong năm tới, vốn đầu tư toàn xã hội sẽ hồi phục khi đầu tư công được duy trì, vốn đầu tư tư nhân và vốn FDI cũng sẽ tăng trở lại. Cầu tiêu dùng trong nước, cũng như xuất khẩu sẽ tăng tốc khi các hiệp định thương mại tự do phát huy hiệu quả…

Cùng với bức tranh kinh tế sáng hơn, các luật mới có hiệu lực, dự án đổi mới về nền tảng giao dịch của sở giao dịch chứng khoán mang đến cho tôi một cảm nhận về năm 2021 với nhiều thuận lợi, nhiều ngành kinh tế và thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc trở lại.

Tin bài liên quan