Dù giá USD tăng, nhưng nhu cầu ngoại tệ và thanh khoản ngoại tệ ở trong nước vẫn bình thường. Ảnh: Đức Thanh

Dù giá USD tăng, nhưng nhu cầu ngoại tệ và thanh khoản ngoại tệ ở trong nước vẫn bình thường. Ảnh: Đức Thanh

Giá USD tăng vọt, không xuất hiện đầu cơ

Tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh trong tuần qua do ảnh hưởng của USD tăng giá trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, theo phản ánh của các ngân hàng, không có hiện tượng găm giữ xảy ra. Trong khi đó, đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) khẳng định, nguồn ngoại tệ dồi dào và sẵn sàng can thiệp nếu cần thiết.

Cảnh báo nguy cơ đảo chiều

Đầu tuần này, USD bán ra tại thị trường tự do đã chạm mốc 24.000 đồng/USD, trong khi tại các ngân hàng cũng lên tới 23.760 đồng/USD. Chỉ trong vòng một tuần sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất khẩn cấp, tỷ giá trên thị trường đã tăng rất mạnh, theo đà tăng của USD trên thế giới. So với đầu năm nay, tỷ giá trung tâm tính đến đầu tuần này đã tăng gần 1,5%, trong khi giá USD bán ra tại các ngân hàng cũng đã tăng tới 2,3%.  

Giá USD trong nước tiếp tục leo thang khi trên thế giới US Dollar Index - chỉ số đo sức mạnh của USD tiếp tục tăng và đang ở khoảng giá cao kỷ lục trong vòng 3 năm qua.

Tuần này, giới chuyên gia dự báo, diễn biến của USD phụ thuộc nhiều vào các số liệu của nền kinh tế Mỹ (nhất là chỉ số PMI sản xuất và dịch vụ tại Mỹ, chỉ số thất nghiệp) cũng như các quyết sách mới của Fed.

Tuy USD có thể còn đi lên, song nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, giá có thể đảo chiều nếu dịch bệnh yếu đi hoặc xuất hiện vắc-xin chữa bệnh. Dù USD thế giới tăng hay giảm, tỷ giá trong nước vẫn khó điều chỉnh đột biến.

Tính từ ngày 10/3 đến nay, USD trên thế giới tăng 7%, nhưng giá bán USD tại các ngân hàng Việt Nam chỉ mới tăng 2,1%, tức tốc độ tăng chưa bằng 1/3 tốc độ tăng giá USD trên thế giới. 

“USD trong nước tăng là do ảnh hưởng của giá thế giới. Thực tế, nhu cầu ngoại tệ và thanh khoản ngoại tệ ở thị trường trong nước vẫn bình thường”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho biết.

Theo ông Lực, USD thời gian tới diễn biến rất phức tạp và khó dự đoán, song với nguồn cung ngoại tệ trong nước cũng như quan điểm điều hành tỷ giá của NHNN, tỷ giá trong nước sẽ không biến động mạnh.

NHNN khẳng định đủ sức can thiệp

Trao đổi với báo chí đầu tuần này, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, dù tỷ giá tăng mạnh từ đầu tuần trước do ảnh hưởng của thế giới, song thanh khoản thị trường về cơ bản vẫn thông suốt.

Trong năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, NHNN đã liên tục mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước. Với tiềm lực ngoại tệ sẵn có, NHNN sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết tại mức tỷ giá bán can thiệp thấp hơn tỷ giá niêm yết hiện nay với quy mô lớn, dưới hình thức giao ngay và kỳ hạn (nếu cần) để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN)   

Theo đại diện NHNN, qua theo dõi, cân đối cung cầu ngoại tệ, đến nay về cơ bản không có biến động lớn. Cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư 1,82 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2020 và tiếp tục thặng dư 880 triệu USD trong tháng 3/2020. Trạng thái ngoại tệ vẫn tiếp tục duy trì ở mức dương. Các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng đều được tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ.

“NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, dự phòng các kịch bản có thể xảy ra, điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phù hợp, tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ”, ông Hà nói.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, thời gian qua, các chính sách của NHNN đã cắt giảm được nhu cầu đầu cơ vàng và USD. Với mức điều chỉnh tỷ giá 2-3% hàng năm, ngoại tệ là một trong những kênh đầu tư kém hấp dẫn nhất. NHNN chắc chắn sẽ bảo vệ thành quả này.

TS. Võ Trí Thành cho rằng, với nguồn lực hiện tại, NHNN có thể bơm - hút tiền đồng, mua vào - bán ra ngoại tệ một cách nhịp nhàng để đảm bảo tỷ giá không tăng quá mức. Ngoài ra, lãi suất huy động USD được áp dụng 0% lâu nay cũng sẽ giúp NHNN thuận lợi hơn trong giữ ổn định tỷ giá, góp phần ổn định vĩ mô.  

Mặc dù tỷ giá nóng, nhưng giao dịch vẫn diễn ra bình thường, đặc biệt thị trường chợ đen không lên cơn sốt, nhiều khả năng tỷ giá trong nước vẫn sẽ được duy trì ổn định. Có thể biên độ biến động sẽ cao hơn dự tính ban đầu của NHNN, song mức tăng sẽ không quá lớn.

“Tôi cho rằng, NHNN sẽ tiếp tục giữ cách điều hành tỷ giá ổn định như hiện nay”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định.

Tin bài liên quan