Giá vàng hôm nay ngày 14/1: Vàng đồng loạt bốc đầu tăng vọt

Giá vàng hôm nay ngày 14/1: Vàng đồng loạt bốc đầu tăng vọt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bên cạnh nhu cầu trú ẩn an toàn mới đã đẩy giá vàng thế giới tăng vọt lên mức cao nhất trong 9 tháng, vượt mốc 1.920 USD/ounce, vàng trong nước cũng đồng loạt bốc đầu trong ngày 14/1.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi tăng 300.000 đồng/lượng, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 14/1 tại Hà Nội đứng yên ở chiều mua vào và tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, hiện niêm yết lần lượt ở mức 66,5 – 67,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 66,5 – 67,5 triệu đồng/lượng.

Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay tăng 190.000 đồng/lượng so với ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 54,03 – 54,88 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần tại Mỹ tăng 23,9 USD/ounce lên 1.920,6 USD/ounce.

Giá vàng tương lai giao tháng 2/2023 trên sàn Comex New York tăng 22,9 USD lên 1.921,7 USD/ounce.

Thị trường vàng kết thúc tuần ở mức cao nhất trong 9 tháng do nhu cầu trú ẩn an toàn mới đã đẩy giá lên trên 1.920 USD/ounce, mà một số nhà phân tích nhấn mạnh là mức kháng cự quan trọng.

Các nhà phân tích đã nói rằng sự bất ổn kinh tế gia tăng và sự thay đổi cơ bản của thị trường có thể giúp đẩy giá trở lại mức 2.000 đô la sớm hơn dự kiến.

Giá vàng kỳ hạn tháng 2 đang tìm cách kết thúc tuần với mức tăng khoảng 1%, với giá giao dịch cuối cùng ở mức 1.922,80 USD/ounce.

Giá vàng tăng vào cuối buổi chiều sau khi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen gửi thư tới Quốc hội cảnh báo các nhà lập pháp rằng chính phủ có thể đạt giới hạn nợ vào ngày 19/1.

Những lo ngại ngày càng tăng rằng Hoa Kỳ có khả năng không trả được các nghĩa vụ nợ của mình đã gia tăng gần đây khi Đảng Cộng hòa chiếm đa số mỏng manh trong Hạ viện Hoa Kỳ dự kiến ​​sẽ làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán. Một số chính trị gia Đảng Cộng hòa đã nói rằng, bất kỳ sự gia tăng giới hạn nợ nào cũng cần phải đi kèm với việc cắt giảm sâu chi tiêu.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường Bắc Mỹ cấp cao tại OANDA cho biết: “Chúng tôi biết vấn đề nợ sẽ trở thành một vấn đề vào năm 2023, nhưng chúng tôi không mong đợi nó sẽ nổi lên sớm như vậy” .

Tuy nhiên, Moya nói thêm rằng, trong khi nhu cầu trú ẩn an toàn trong ngắn hạn sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng , thì có nhiều yếu tố lớn hơn tác động đến thị trường vàng.

"Vẫn còn quá sớm để xem điều này sẽ diễn ra như thế nào. Trong ngắn hạn, điều đó là tích cực đối với vàng, nhưng nếu có bất kỳ sự hỗn loạn lớn nào, điều đó sẽ hỗ trợ đồng đô la và gây sức ép lên vàng", ông nói.

Moya nói rằng, đối với vàng, ông nhận thấy một số ngưỡng kháng cự ở mức 1.950 USD/ounce và nếu mức đó bị phá vỡ, sẽ không có nhiều thứ để ngăn thị trường phục hồi trở lại mức 2.000 USD/ounce.

“Hiện tại có rất nhiều động lực trên thị trường và tôi nghĩ 2.000 USD là mục tiêu, vấn đề chỉ là khi nào chúng ta đạt được điều đó,” ông nói.

Với mức giá khoảng 1.920,6 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 55,3 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 12,22 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng nay đứng ở mức 102,21 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong phiên cuối tuần được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.602 đồng/USD. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.422 – 24.782 đồng/USD.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 23.450 đồng/USD ở chiều mua vào và 24.780 đồng/USD ở chiều bán ra.

Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 23.250 – 23.700 đồng/USD.

Sáng nay tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 23.420 đồng/USD và bán ra là 23.480 đồng/USD.

Tin bài liên quan