
Giá bán lẻ xăng dầu đồng loạt tăng từ chiều 10/7.
Giá bán lẻ xăng dầu đã đảo chiều tăng trở lại sau khi giảm giá mạnh vào tuần trước.
Theo công bố của liên Bộ Công thương - Tài chính, từ 15 giờ chiều nay, mỗi lít xăng, dầu đã tăng thêm từ 185 - 430 đồng, riêng dầu madút giảm 245 đồng/kg.
Cụ thể, xăng E5RON92 có giá mới 19.659 đồng/lít, RON95-III: không cao hơn 20.090 đồng/lít, dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 18.837 đồng/lít, dầu hỏa: không cao hơn 18.371 đồng/lít, dầu madút 180CST 3.5S: 15.563 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành giá chiều nay, nhà chức trách tiếp tục không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diezen, dầu hỏa, dầu madút.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 03/7/2025 và kỳ điều hành ngày 10/7/2025 là: xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 tăng 1,40%); xăng RON95 tăng 1,07%); dầu hỏa tăng 1,92%); dầu diezen tăng 2,72%); dầu mazut 180CST 3,5S giảm 0,44%.
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết liên tục bị rơi vào tình trạng lỗ nặng do bị các doanh nghiệp đầu mối cắt giảm mạnh chiết khấu, nhất là thời điểm căng thẳng leo thang giữa Iran và Israel vào thời điểm tháng 6.
Liên quan đến chiết khấu xăng dầu, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, các đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu khi tham gia kinh doanh trên thị trường cần phải chấp nhận quy luật của thị trường, chịu sự điều tiết của thị trường gồm cung, cầu, giá cả.
Do vậy, đại lý và cửa hàng bán lẻ cần phải có kế hoạch kinh doanh của mình để ứng phó khi thị trường có biến động.
Cơ quan này ví dụ, khi giá xăng dầu thế giới thấp, nguồn cung dồi dào, các doanh nghiệp đầu mối và phân phối có thể để mức chiết khấu cho các công ty bán lẻ ở mức cao.
Nhưng khi giá dầu thế giới tăng hoặc dự báo tăng cao, nguồn cung trở nên khan hiếm hơn thì các công ty bán lẻ có thể phải chấp nhận mức chiết khấu thấp, thậm chí có thể là chiết khấu âm nhưng vẫn phải nhập hàng để duy trì hoạt động kinh doanh, bù lại khi được hưởng mức chiết khấu cao.
Thực tế, các quy định của pháp luật hiện hành về kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam đều không quy định về mức chiết khấu.
Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước khẳng định: "Nhà nước chỉ tạo môi trường, quản lý, điều hành và quy định mức giá trần giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu (để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và điều hành kinh tế vĩ mô), không quy định mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp".