Giá xăng "phát sốt", Bộ Tài chính lại đưa ra thêm đề xuất mới

0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ Tài chính dự kiến đề xuất, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thẩm quyền giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường trong giá xăng, dầu.
Bộ Tài chính đề xuất giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường (Ảnh: Mạnh Quân).

Bộ Tài chính đề xuất giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường (Ảnh: Mạnh Quân).

Bộ Tài chính cho biết cơ quan này dự kiến tiếp tục trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm một số sắc thuế và các giải pháp điều hành giá liên quan đến xăng dầu để kiềm chế lạm phát trong thời gian tới.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi thông tin, Bộ Tài chính đang phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu phương án về khả năng giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này, đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, diễn biến gần đây cho thấy thị trường xăng dầu thế giới sẽ còn nhiều biến động khó lường, khó dự báo, tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong nước.

Trước đó, ngày 21/4, Bộ Tài chính có công văn xin ý kiến các bộ, ngành địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp có liên quan về dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó đề xuất điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu ưu đãi xăng từ 20% xuống 12%.

Phương án này tuy không "hạ nhiệt" được giá xăng dầu nhưng về lâu dài sẽ giúp đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu trong nước, tránh phụ thuộc nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN - hai thị trường hiện có thuế nhập khẩu ưu đãi.

Từ 1/4, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu cũng đã được điều chỉnh giảm 50% cho đến hết năm. Thuế bảo vệ môi trường theo đó còn 2.000 đồng mỗi lít xăng và 1.000 đồng với dầu diesel, mazut dầu nhờn (chưa VAT)...

Tại phiên họp điều hành giá ngày 14/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá áp lực lạm phát sẽ còn cao hơn giai đoạn đầu năm, đặc biệt là giá xăng dầu tiếp tục tăng gây tác động tới giá một số dịch vụ, hàng hóa khác, dẫn tới công tác điều hành giá của Chính phủ dự kiến gặp nhiều khó khăn.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành theo dõi sát, đánh giá, phân tích kỹ tình hình để triển khai các giải pháp, cũng như tham mưu cho cấp có thẩm quyền kiểm soát giá theo mục tiêu Quốc hội giao.

Đối với mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng chỉ đạo cần phải điều hành linh hoạt, sử dụng quỹ bình ổn giá hợp lý, triển khai các biện pháp đảm bảo nguồn cung và dự phòng phương án nhập khẩu khi cần thiết. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng phải kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu xăng dầu qua biên giới.

Tin bài liên quan