Kiểm ngoại tệ tại Eximbank

Kiểm ngoại tệ tại Eximbank

Giải pháp nào cho tình trạng thừa USD?

Mặc dù trên thế giới đồng USD có dấu hiệu phục hồi nhẹ, nhưng trong nước giá USD vẫn đang ở mức thấp nhất trong vòng 4 tháng qua. Nhiều NH thương mại niêm yết giá mua và giá bán USD thấp hơn tỷ giá liên NH. Tình trạng thừa USD đang diễn ra trong khi nguồn vốn nước ngoài đang tiếp tục đổ vào nước ta. Trong bối cảnh này, NHNN và các NH thương mại cần có những động thái gì? ĐTTC xin trích đăng ý của các chuyên gia xoay quanh vấn đề này.

 

TS Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế cao cấp: Cần thực hiện một “gói” giải pháp hữu hiệu

 

Giá USD giảm xuống thấp đang là tai họa cho nhiều nền kinh tế. Ở khu vực châu Âu, EUR chưa bao giờ lên giá cao so với USD như vậy. Điều này làm cho nhiều nhà xuất khẩu ở châu Âu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khu vực này vẫn chưa có những động thái nào tác động làm tăng giá USD.

 

Còn ở Việt Nam , cho dù không theo đuổi chính sách tỷ giá thả nổi, nhưng khi USD suy yếu, đồng nghĩa với tiền đồng lên giá, cũng sẽ ảnh hưởng không tốt đến xuất khẩu. Vì vậy việc điều chỉnh tỷ giá USD/VNĐ là việc nên làm từng bước để các DN thích nghi dần. Về lâu dài nên có sự dịch chuyển đồng nội tệ, điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt trong tương quan với nhiều ngoại tệ khác để giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của đồng USD. Thực tế NHNN đang rút kinh nghiệm về tính hiệu quả khi đã tung VNĐ để hút 7 tỷ USD trên thị trường. Đây là thời điểm NHNN đang đứng trước những quyết định khó khăn.

 

Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay không nhất thiết phải tung một lượng lớn tiền đồng ra để mua USD mà quan trọng là áp dụng đồng loạt một “gói” giải pháp, gồm điều chỉnh tỷ giá, sử dụng các công cụ nợ để hút tiền lưu thông, thúc đẩy các IPO ra thị trường để cân đối nguồn tiền. Vốn đầu tư nước ngoài đổ vào có thể thúc đẩy sức mua trên thị trường gia tăng, làm tăng lạm phát nhưng đây là nguồn vốn đem lợi cho nền kinh tế. Vì vậy, chính sách tiền tệ cũng phải linh hoạt nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.

 

Ông Nguyễn Đại Lai, Phó Vụ trưởng Vụ Chiến lược NHNN: Chuyển dần quan hệ tín dụng sang quan hệ mua bán

 

NHNN đương nhiên sẽ thận trọng trong việc tung tiền để mua USD, vì làm như vậy có thể sẽ lại gây sức ép lên giá cả do Việt Nam vẫn là nước nhập khẩu nên không thừa USD. Tình trạng thừa USD hiện nay chỉ là thừa cục bộ, mang tính chất chiến dịch. Thời điểm này các NH thương mại vẫn nên mua USD và tìm các nhà nhập khẩu để bán, đáp ứng nhu cầu lưu thông ngoại tệ trên thị trường. Việc thu hẹp đối tượng cho vay ngoại tệ là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế.

 

Về dài hạn, cần thiết chuyển dần quan hệ tín dụng USD sang quan hệ mua bán USD, đặc biệt là tín dụng ngắn hạn. Trong trường hợp lượng ngoại tệ vào ồ ạt, quá nhiều, NHNN và Bộ Tài chính có thể phát hành trái phiếu ngoại tệ ngay trong nước thay vì phải đi vay ngoại tệ ở nước ngoài để nhập khẩu thiết bị máy móc đầu tư các dự án trọng điểm của nhà nước.

 

TS Nguyễn Văn Dần, Chuyên gia tài chính cao cấp: Chưa cần sự can thiệp của NHNN

 

Sở dĩ thời gian qua các NH rơi vào tình trạng thừa USD là do các NH lỡ mua USD giá cao, trong khi không phải NH nào cũng có thể kiếm đầu ra để bán. TTCK vừa qua có dấu hiệu sôi động, cũng là một trong những nguyên nhân làm thu hút nguồn USD nước ngoài chảy vào nước ta. Ở thời điểm này, các NH thương mại đang chờ NHNN mua USD vào. Tuy nhiên bơm tiền đồng ra thời điểm này chưa chắc là giải pháp đúng.

 

Sự mất giá của USD cũng như tình trạng thừa USD thời gian qua chịu sự tác động chủ yếu từ sự suy yếu của USD trên thế giới. Hiện nay chưa hẳn tất cả các NH đều thừa USD. Vì vậy, nếu NH nào thừa USD nhiều quá thì có thể tìm những NH có nhu cầu để cân đối, bán lại. Thị trường hiện nay vẫn chưa cần có sự điều chỉnh của NHNN vì tình trạng khan hiếm tiền đồng từ các NH do mua USD vào chưa xảy ra. Hơn nữa vào cuối năm, nhu cầu nhập khẩu trong nước đang tăng mạnh, việc mua USD của các DN nhập khẩu sẽ cao. Đây là cơ hội để các NH cung ứng USD cho các DN.

 

Ông Võ Thái Tuấn, Phòng kinh doanh ngoại tệ VIB Bank: Thừa USD ngắn hạn, thiếu USD dài hạn

 

Thực sự các NH chỉ dư thừa USD ngắn hạn, còn USD kỳ hạn 6 tháng trở lên vẫn đang thiếu. Hiện nay, các DN vẫn có xu hướng chuộng vay USD vì thực tế vay tiền đồng chịu lãi suất cao hơn vay USD. Việc USD giảm giá sẽ không ảnh hưởng lớn đến các DN xuất nhập khẩu vì thường DN chỉ thực hiện một thương vụ khi mức lợi nhuận phải đạt trên 10%. Như vậy với mức biến động tỷ giá 1-2%/năm, thậm chí 3%/năm cũng sẽ không là vấn đề gì lớn đối với các DN. Trong khi USD giảm giá, lãi suất SIBOR trên thị trường cũng giảm theo, DN vay USD càng có lợi.

 

Hầu như các NH chỉ huy động USD từ tiền gửi tiết kiệm và các tổ chức kinh tế chứ chưa thu hút USD từ các định chế tài chính nước ngoài. Trong khi đó, các NH còn đang ngại việc phát hành trái phiếu ngoại tệ để huy động USD trung dài hạn. Do vậy không ít NH lấy ngoại tệ ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Về lâu dài các NH có thể sẽ chọn giải pháp phát hành trái phiếu ngoại tệ để huy động USD dài hạn. Khi đó, NHNN cũng nên thoáng hơn trong việc cho phép các NH phát hành trái phiếu ngoại tệ nhằm bình ổn thị trường.