Giảm lãi suất tiết kiệm tại quầy, ngân hàng khuyến khích người dân gửi tiền qua online

Giảm lãi suất tiết kiệm tại quầy, ngân hàng khuyến khích người dân gửi tiền qua online

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy giảm khá mạnh, thì các nhà băng lại chỉ giảm nhẹ, thậm chí tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm qua hình thức online nhằm khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm không tiếp xúc. 

Lãi suất tiết kiệm tại quầy giảm

Techcombank đã có 2 lần điều chỉnh lãi suất huy động, lần điều chỉnh gần nhất là từ ngày 23/8/2021. So với đầu tháng 8, lãi suất tiết kiệm thường của Techcombank đã giảm khoảng 0,1 điểm phần trăm.

Cụ thể, hiện lãi suất kỳ hạn 12 tháng khách hàng thường của Techcombank là 4,4%/năm, giảm 0,1 điểm phần trăm. Lãi suất kỳ hạn 36 tháng cũng giảm 0,1 điểm phần trăm xuống mức 4,8%/năm.

Tương tự, Eximbank cũng mới áp dụng biểu lãi suất huy động mới đối với khách hàng cá nhân từ ngày 26/8.

Theo đó, lãi suất tiết kiệm khi gửi tại quầy hiện chỉ còn 6,1%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 15 - 36 tháng, giảm 0,2 điểm phần trăm so với trước đó. Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất gửi tại quầy Eximbank cũng giảm 0,2 điểm phần trăm xuống 5,9%/năm.

Trong khi đó, một số kỳ hạn ngắn tại Eximbank giảm mạnh như kỳ hạn 1 tháng giảm 0,4 điểm phần trăm xuống còn 3,1%/năm; kỳ hạn 3 tháng giảm 0,3 điểm phần trăm xuống 3,2%/năm.

TPBank cũng cập nhật biểu lãi suất mới và giảm mạnh tới 0,8 điểm phần trăm ở một số kỳ hạn kể từ trung tuần tháng 8/2021.

Cụ thể, tại kỳ hạn 18 tháng khi gửi tiết kiệm thường, lãi suất do TPBank niêm yết hiện chỉ còn 6%/năm, giảm tới 0,8%/năm so với trước khi thay đổi. Lãi suất kỳ hạn 9 tháng cũng giảm mạnh 0,5%/năm xuống còn 5,7%/năm.

Tại Sacombank công bố biểu lãi suất tiết kiệm mới áp dụng từ ngày 19/8, giảm khoảng 0,2-0,4%/năm ở nhiều kỳ hạn.

Cụ thể, lãi suất khi gửi tại quầy cao nhất tại Sacombank hiện chỉ còn 5,8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng, giảm 0,3%/năm so với trước đó.

Tại kỳ hạn 24 tháng, lãi suất tiết kiệm cũng giảm 0,3%/năm xuống 5,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng của Sacombank khi gửi tại quầy hiện chỉ còn 5,3%/năm, giảm 0,2%/năm so với biểu lãi suất huy động cũ.

Các kỳ hạn ngắn cũng điều chỉnh tương tự: lãi suất 1 tháng chỉ còn 2,9%/năm (giảm 0,2%/năm), lãi suất kỳ hạn 3 tháng còn 3%/năm (giảm 0,3%/năm), kỳ hạn 9 tháng giảm tới 0,4%/năm xuống còn 4,5%/năm.

Khuyến khích gửi tiết kiệm bằng hình thức online

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhằm hạn chế tiếp xúc, các nhà băng, các nhà băng khuyến khích gửi tiết kiệm trực tuyến khi mức lãi suất gửi tiết kiệm qua hình thức này cao hơn hẳn so với tại quầy.

Chẳng hạn tại Sacombank, trong khi lãi suất tiết kiệm tại quầy giảm từ 0,2 - 0,4%, thì khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến, mức lãi suất chỉ giảm nhẹ 0,1%.

Hiện lãi suất gửi online của Sacombank đang cao hơn nhiều so với gửi tại quầy, có kỳ hạn chênh tới 0,5%/năm. Chẳng hạn ở kỳ hạn 36 tháng, gửi tại quầy chỉ được lãi suất 5,8%/năm nhưng gửi online được 6,3%/năm.

Trong khi đó, đối với hình thức gửi tiết kiệm online, lãi suất cao nhất tại TPBank hiện là 6,15%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng, giảm 0,75%/năm so với hồi đầu tháng, nhưng vẫn thấp hơn mức giảm 0,8% so với hình thức tại quầy.

Nam A Bank cũng vừa điều chỉnh lãi suất tiết kiệm online kỳ hạn 12 tháng lên đến 6,8%(tăng 0,6% so với tiết kiệm tại quầy), 7 tháng 6,5% (tăng 0,5% so với tiết kiệm tại quầy) và 6 tháng 6,4% (tăng 0,4% so với tiết kiệm tại quầy).

Tương tự, gửi tiết kiệm online trên digimi của Ngân hàng Bản Việt, lãi suất cao hơn tới 0,5%/năm so với tại quầy.

Cụ thể, khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy kỳ hạn 7 tháng tại Bản Việt lãi suất 5,7%/năm trong khi cũng khoản tiền này, nếu gửi online trên digimi lãi suất lên tới 6,2%/năm.

Bên cạnh đó, khách hàng cũng chủ động lựa chọn phương thức đáo hạn: Tự động đáo hạn hoặc tất toán về tài khoản thanh toán khi hết kỳ hạn với độ bảo mật cao. Trong trường hợp cần vốn gấp, khách hàng cũng có thể tất toán bất cứ lúc nào qua kênh ngân hàng điện tử

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thói quen hàng ngày cũng đã được thay đổi khá nhiều, đặc biệt trong giao dịch tài chính.

Từ việc mọi giao dịch cần phải đến ngân hàng để an tâm, thì nay, rất nhiều giao dịch chỉ cần thực hiện trên một ứng dụng ngân hàng số, mà vẫn đảm bảo sự an toàn.

Hay trước đây, để giao dịch được với ngân hàng, khách hàng cần mở tài khoản tại ngân hàng, thì nay việc mở tài khoản thông qua định danh eKYC đơn giản hơn bao giờ hết.

Nếu như cách gửi tiền tiết kiệm truyền thống, khách hàng đến tận quầy giao dịch để thực hiện thì nay các ngân hàng đã đẩy mạnh tốc độ số hóa, bổ sung thêm kênh tiết kiệm online để giảm bớt thời gian di chuyển cho khách hàng, đặc biệt là hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19 đến cộng đồng.

Số liệu đưa ra từ Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM cho biết, đến 31/7/2021, huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn tăng 4% so với cuối năm trước. Còn tín dụng tăng 6,2% so cuối năm 2020.

Theo đánh giá của NHNN chi nhánh TP.HCM, huy động vốn trên địa bàn tháng 7/2021 ước tăng 4% so với cuối năm trước, duy trì tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Trong đó, huy động vốn 6 tháng đầu năm tăng 3,48% so với cuối năm trước.

Tin bài liên quan